Sự tiếp xúc giữa mẹ và con trong những giây phút đầu tiên bé cất tiếng chào đời sẽ có ý nghĩa về lâu về dài vô cùng to lớn đối với trẻ và mẹ.





Các bé sơ sinh ngày nay có vẻ khá thiệt thòi khi phải trải qua nhiều công đoạn “cần thiết” như làm vệ sinh hay đo cân nặng, đo các chỉ số cơ thể,... mà lỡ mất những giây phút đầu tiên được gần gũi với mẹ. Trên thực tế, những tiếp xúc đầu tiên giữa mẹ và bé ngay khi bé chào đời sẽ có ảnh hưởng to lớn về lâu về dài với bé mà các mẹ không hề hay biết.
Theo lẽ thường, trong giờ đầu tiên sau khi chào đời, em bé nên được da tiếp da với mẹ. Một tấm chăn mỏng sẽ được phủ lên người mẹ và bé để giữ cho 2 mẹ con khỏi lạnh. Việc làm này có tác dụng làm chậm lại quá trình sản sinh hoóc-môn adrenaline trong người mẹ, từ đó thuận lợi hơn cho việc tiết oxytocin và hoóc-môn prolactin cần thiết cho hoạt động tiết sữa và gần gũi với bé. Trong khoảng thời gian này, người mẹ sẽ cần được yên tĩnh và giữ ấm vì cơ thể mẹ vẫn đang thực hiện nốt những công đoạn cuối cùng của quá trình sinh nở.
Nếu mẹ và bé có được những trải nghiệm vô giá như trên, cả hai sẽ nhận được những lợi ích “tiềm ẩn” vô cùng to lớn.
1. Phát huy bản năng tự nhiên của bé
Nếu được gần gũi với mẹ ngay sau khi sinh, bé sẽ có được bài học vỡ lòng quan trọng về việc bú sữa. Khi được mẹ ôm vào lòng, bé sẽ tự động tìm lấy đầu ngực mẹ để bú sữa. Đây chính là bản năng tự nhiên của bé ngay sau khi sinh ra và nếu được thực hiện từ những phút đầu tiên, bé tự khắc sẽ biết cách bú mẹ thật chuẩn về sau. Cho bé bú ngay sau giờ đẻ còn giúp cơ thể mẹ hoàn thiện nốt quy trình cuối cùng của việc sinh nở một cách nhanh chóng và tránh các nguy cơ gây băng huyết


2. Giúp bé điều chỉnh hệ thống hoạt động của cơ thể
Những đứa trẻ được gần gũi với mẹ trong giờ sinh đầu tiên sẽ có khả năng điều chỉnh nhiệt độ và hoạt động hô hấp tốt hơn. Thông thường, cơ thể trẻ sơ sinh sẽ phải mất đến 9 tháng để có thể tự điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với môi trường xung quanh. Khả năng này sẽ được cải thiện nếu bé được gần mẹ ngay sau khi chào đời.
Ngoài ra, sự gần gũi sau sinh còn có tác dụng giảm thiểu nguy cơ hạ đường huyết trong cơ thể bé. Trẻ sơ sinh có thể “nhịn đói” bằng cách sản sinh ra lượng glucose cần thiết từ nguồn năng lượng dự trữ của cơ thể. Tuy nhiên, nếu không được cho bú nhanh, bé sẽ khó lòng mà duy trì lượng glucose đó và dần bị hạ đường huyết.
3. Thuận lợi hơn cho việc ngưng cắt dây rốn
Nghe có vẻ hơi lạ nhưng việc ngưng cắt dây rốn có vai trò khá quan trọng với cơ thể bé. Khi chào đời, phần dây rốn vẫn giữ một lượng máu lớn truyền vào cơ thể bé. Cắt dây rốn quá nhanh sẽ khiến bé bị mất máu và ảnh hưởng không tốt cho cơ thể. Nếu mẹ và bé được gần nhau ngay khi bé vừa chào đời, quy trình cắt dây rốn sẽ được làm chậm lại và tốt cho bé hơn.
4. Giúp mẹ yêu con nhiều hơn
Các mẹ sẽ càng thêm yêu con nếu có cơ hội ôm bé trong những phút chào đời đầu tiên. Mẹ được tiếp xúc với con trong giờ sinh đầu sẽ thêm tự tin và thoải mái mỗi lần ôm con hơn. Hiện tượng này diễn ra là do các cơ quan thụ cảm oxytocin thể hiện bản năng làm mẹ sẽ gia tăng hoạt động khi mẹ ôm và cho bé bú trong giờ đầu sau sinh. Mẹ sẽ có những biểu hiện như ôm con, hôn con nhiều hơn và những biểu hiện âu yếm này sẽ được duy trì trong các giai đoạn về sau.
5. Giúp bé “nhận diện” mẹ tốt hơn

Những bé được tiếp xúc với mẹ ngay sau khi sinh sẽ bắt được những tín hiệu đầu tiên của cơ thể của mẹ như mùi hương, giọng nói hay làn da. Từ đó, bé hình thành trí nhớ và dần gắn bó với mẹ hơn.
6. Tăng cường hệ thống miễn dịch cho trẻ
Khi còn ở trong bụng mẹ, bé dần học cách phân biệt giữa “cái xấu” và “cái tốt” cho cơ thể thông qua sự tiếp xúc với một số vi khuẩn trong người mẹ. Hệ thống miễn dịch của bé dần được kích hoạt để chống lây nhiễm vi khuẩn có hại và bảo vệ cơ thể tốt hơn trong tương lai.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những trẻ không được gần mẹ trong giờ đầu sau sinh sẽ mất đi cơ hội tiếp xúc với vi khuẩn trong người mẹ, từ đó hệ thống miễn dịch khó mà có được khả năng hoạt động tối đa, làm tăng các nguy cơ nhiễm bệnh cho bé.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn