Trong quá trình chăm sóc bé sơ sinh, đôi lúc cha mẹ sơ ý mắc phải những sai lầm có thể gây nguy hiểm cho bé. Vì thế bố mẹ cần chú ý những lỗi chăm sóc bé như dưới đây nhé.






1. Lắc bé khi bế

Rất nhiều người khi bế trẻ sơ sinh đều có thói quen rung lắc, đung đưa trẻ. Nếu rung lắc nhẹ nhàng thì gần như không ảnh hưởng nhiều đến bé. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ lại thích chơi đùa với con bằng cách nhấc bổng con lên cao rồi hạ xuống. Khi làm như vậy, bé thường cười nắc nẻ vì thích thú và bạn sẽ tưởng rằng điều đó thật tốt. Nhưng đó hoàn toàn là một sai lầm.

Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 10 tháng tuổi trở xuống, việc lắc mạnh hay thay đổi tư thế quá đột ngột vô cùng nguy hiểm. Bởi thời gian này, cổ bé còn yếu và phần não rất mềm, chưa cố định vào hộp sọ. Khi lắc mạnh hoặc đột ngột thay đổi tư thế, xoay người mạnh sẽ khiến phần não bị trấn động, va chạm vào hộp sọ. Những trường hợp nặng, mạch máu có thể bị rách và gây tổn thương não vĩnh viễn. Nhẹ hơn thì gây chấn động não, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của bé sau này.

Do đó, cha mẹ tuyệt đối không lắc mạnh con, chơi trò tung trẻ lên cao hoặc xoay người đột ngột, đặc biệt là với trẻ dưới 10 tháng tuổi.

2. Để phần bụng bé bị nhiễm lạnh

Phần bụng, đặc biệt là khu vực quanh rốn vô cũng mẫn cảm với nhiệt độ và rất sợ lạnh. Khi bế con, nhiều mẹ vô tình để phần áo của trẻ bị kéo lên, khiến vùng bụng bị hở và nhiễm lạnh. Khi bụng trẻ sơ sinh bị lạnh, nhu động ruột sẽ tăng lên gây ra đau bụng, đi ngoài. Từ đó ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ dinh dưỡng của bé dẫn đến sức đề kháng giảm và bé sẽ dễ bị mắc nhiều bệnh truyền nhiễm hơn.

3. Chọc bé cười để đút ăn

Nhiều người vì muốn dỗ con ăn nhanh nên thường vui đùa hoặc chọc cho bé cười để dễ đút thức ăn hơn. Nhưng điều này lại rất nguy hiểm. Bởi phần yết hầu là cửa ngõ của khí quản và thực quản, vừa ăn vừa cười rất dễ khiến cho thức ăn rơi vào khí quản, gây ho không dứt. Nếu những thức ăn cứng rơi vào khí quản thì rất có thể mất khí quản hoặc một nhánh của khí quản, khiến việc hô hấp của bé gặp khó khăn, thậm chí đã có trường hợp tử vong do tắc khí quản đấy.

4. Cho bé mang giày da, giày có thiết kế phức tạp để tập đi

Khi bé bắt đầu tập đi, nhiều mẹ thích sắm cho con những đôi giày da hoặc những đôi giày có kiểu dáng thật bắt mắt. Tuy nhiên, điều này không hề tốt cho bé.

Giày da thường có phần mũi và đế khá cứng, làm hạn chế hoạt động của đôi chân bé, khiến con cảm thấy khó chịu. Bé mới tập đi đã đi giày da hoặc những đôi giày có thiết kế phức tạp rất dễ bị đau chân. Vì thế, tốt nhất mẹ hãy chọn cho con một đôi giày mềm mại và thoải mái để bé tập đi dễ dàng hơn nhé.

5. Rửa chân cho bé bằng nước nóng

Khi cảm thấy nhức mỏi, người lớn chúng ta thường chọn ngâm chân nước nóng để thư giãn. Tuy nhiên với trẻ nhỏ điều này là không phù hợp.

Trẻ sơ sinh có bàn chân mũm mĩm và hầu hết lòng bàn chân bẹt. Vòm bàn chân hình thành vào khoảng 2-3 tuổi rồi hoàn chỉnh dần đến khi 10 tuổi. Vòm bàn chân có tác dụng làm cho chân chuyển động mềm mại khi bé bước và chạy, bảo vệ mạch máu và dây thần kinh ở gan bàn chân. Dùng nước nóng để rửa hoặc ngâm chân cho bé sẽ khiến dây chằng ở bàn chân bị giãn ra, từ đó chân bé sẽ trở nên “bẹt”, và không hình thành vòm chân như bình thường.

6. Lấy ráy tai cho bé

Ráy tai không phải là bẩn hoàn toàn mà cũng có những công dụng nhất định của nó, ví dụ như cản bụi bẩn, côn trùng bay vào tai, giảm tiếng ồn, bảo vệ màng nhĩ… Đôi tai của trẻ sơ sinh chưa phát triển toàn diện, da và sụn còn rất mềm. Các mẹ lấy ráy tai cho bé nếu không cẩn thận sẽ rất dễ làm rách lớp da mỏng manh trong tai gây ra viêm nhiễm, nặng hơn là có thể làm tổn thương màng nhĩ, ảnh hưởng đến thính lực của bé.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn