Trong những ngày nắng nóng, bố mẹ cần có hiểu biết và kỹ năng cơ bản để chăm sóc con em mình thật tốt.






Những ngày này, nắng nóng đang kéo dài. Nhiệt độ ngoài trời có lúc nên đến 40 độ C. Đã có trường hợp trẻ bị tử vong do nắng nóng đáng tiếc xảy ra tại Trung Quốc vì bố mẹ để quên ở ghế sau ô tô và đỗ giữa trời nắng 40 độ. Được biết trước đó bố mẹ cậu bé đã đưa con đi tiêm chủng bằng xe ô tô của nhà. Sau đó mọi người xuống xe và bỏ quên con trên xe. Đến khi nhớ ra thì bé trai tử vong trong xe.

Đây cũng là một lời cảnh tỉnh cho các ông bố bà mẹ khác hãy chú ý hơn và cần phải có những hiểu biết và kỹ năng cơ bản để chăm sóc con em mình thật tốt.
Dưới đây là những tình huống vô tình có hại đến tính mạng của trẻ trong những ngày nắng nóng bố mẹ cần tránh:
- Để con chơi quá lâu trong điều kiện thời tiết nhiệt độ cao hoặc đi quá lâu dưới ánh nắng mặt trời trong những ngày nhiệt độ cao, đỉnh điểm là thời gian buổi trưa hoặc chiều.sẽ dẫn đến hiện tượng trẻ bị say nắng, say nóng.
- Để trẻ ngủ dưới nắng dù có che chắn nắng.

- Để cho trẻ đi xe ô tô thời gian dài dưới trời nắng nóng, nhất là trong khoảng thời gian từ 12 đến 16 giờ.
- Chở trẻ đi xa, đi lâu dưới trời nắng nóng bằng xe gắn máy.
- Tắm ở hồ bơi, bể bơi không có mái che, tắm biển, đá banh ngoài nắng

- Đi ra đi vào từ phòng điều hòa mát lạnh ra ngoài khu vực có nắng nóng, nhiệt độ chênh lệch cao.
- Sử dụng quạt hơi nước, phun sương cho trẻ. Hoặc nhiều nhà sử dụng điều hòa nhưng vẫn để thêm một chậu nước trong phòng. Điều này rất nguy hiểm vì đang nóng lại cho hơi nước vào, hơi nước sẽ thu hút các bụi bẩn, vi trùng gây bệnh.
- Nhiều bậc cha mẹ vô tình cho trẻ mặc quần áo quá dày, khi ra mồ hôi nhiều sẽ làm ướt hết áo quần hoặc tã lót khiến mồ hôi không kịp khô, từ đó khiến trẻ dễ bị cảm lạnh, viêm đường hô hấp trên hoặc viêm phổi.
Tất cả những trường hợp trên đều khá nguy hiểm vì hệ thống miễn dịch của trẻ yếu, một số bộ phận chức năng của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh nên khi tiếp xúc với nhiệt độ cao ngoài trời, cơ thể trẻ không thể điều hòa thân nhiệt kịp thời dễ gây những biến chứng khó lường.
Để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra do nắng nóng đối với trẻ, bố mẹ cần:
- Tránh để trẻ bị sốc nhiệt do ngồi trong phòng điều hòa mát lạnh lại di chuyển ra khu vực nắng nóng. Nếu trong nhà đang bật điều hòa, cần cho trẻ làm quen dần với nhiệt độ thấp hơn hoặc tắt điều hòa trước khi ra ngoài trời nắng, giữ trẻ ngồi trong phòng vài phút sau khi tắt điều hòa đế không làm trẻ bị sốc nhiệt, đặc biệt là những trẻ có sức khỏe yếu, thể trạng kém, huyết áp thấp…
- Khi ra nắng phải đội mũ rộng vành, cho trẻ mặc quần áo thoáng mát bằng vải sợi bông, thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi. Trẻ nhỏ không nên quấn chăn mền quá dày, ủ trẻ với quá nhiều khăn, tã…
- Nếu cần thiết phải di chuyển giữa trời nắng nóng cần che nắng cẩn thận. Nếu phải đi xa cần chọn những chặng dừng chân ở nơi thoáng mát, cởi bớt quần áo và quạt mát, rửa mặt, cho trẻ uống nước, nghỉ ngơi rồi mới đi tiếp.
- Không cho trẻ tập luyện, hoạt động thể lực ngay từ đầu với cường độ cao, thời gian lâu trong thời tiết nắng nóng mà không không có quá trình giúp bé thích nghi dần.
- Chủ động cho bé uống nước thường xuyên chứ không đợi đến khi bé khát nước.
- Dù trẻ hiếu động đến mấy cũng không nên cho trẻ ra ngoài trời từ lúc nắng gắt khoảng 11h-15h. Nếu có điều kiện, cho trẻ chơi quanh bóng râm mát, tránh xa những nơi có ánh sáng phản chiếu mạnh như mặt cát, mặt kính, gương…
- Không được để trẻ một mình trong xe hơi khi thời tiết nóng bức, bởi làm như vậy trẻ có thể tự ý ra ngoài chơi hoặc cũng bị say nắng do nhiệt độ ngoài trời quá cao chiếu vào xe

- Cho trẻ ăn nhiều rau xanh và trái cây như: bí đao, mướp đắng, dưa chuột, bí đỏ, cà chua, xà lách… để giúp bổ sung lượng nước cho cơ thể đồng thời có tác dụng chống say nắng hiệu quả.
Đề phòng đuối nước cho trẻ trong ngày hè
Tai nạn chết đuối tuy không nhiều nhưng vẫn thường xảy ra, đặc biệt cần lưu ý trong dịp nghỉ hè có nhiều trẻ rủ nhau đi tập bơi, tắm mát ở biển, sông, hồ... Nếu không được sơ cứu kịp thời dễ dẫn tới tử vong. Khi trẻ chìm vào nước bị ngạt nước, ngừng thở hoặc co thắt thanh quản sẽ xảy ra. Hậu quả là giảm oxy máu dẫn đến mất tri giác, trụy tuần hoàn. Ngoài ra khi ngạt nước, do phản xạ gây ra thở hút dồn dập làm hút nước vào thêm dẫn đến phù phổi. Từ giảm oxy máu, mất tri giác, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tổn thương thần kinh trung ương từ phút thứ tư đến phút thứ sáu. Giảm oxy còn dẫn đến toan hóa máu, tăng áp lực nội sọ, phù não, tái phân bố bất thường ở hệ tuần hoàn.
Gặp những trường hợp này phải khẩn trương cấp cứu ngay từ dưới nước. Nắm tóc đứa trẻ bị nạn để đầu nhô lên mặt nước, lôi vào bờ. Ngay khi chân người cứu đã chạm đất, cần đặt miệng mình vào miệng trẻ hà hơi thổi ngạt ngay. Khi đã đưa được trẻ lên bờ, cởi bỏ quần áo ướt, móc họng khai thông miệng ngay. Để trẻ nằm úp sấp, vòng tay qua bụng, nâng lên đặt xuống 10 lần cho nước ộc ra - đó cũng là những động tác hô hấp nhân tạo. Hoặc đặt trẻ nằm sấp, đầu nghiêng một bên , đặt hai bàn tay phía sau lưng, ấn xuống để nước thoát ra, sau đó thả ra để ngực nở ra, rồi lại ấn tiếp đều đặn 30 lần/phút (phương pháp hô hấp Schaffer). Nếu là trẻ nhỏ, cầm hai chân dốc ngược lên, lấy lòng bàn tay đập vào vùng giữa lưng 10 lần. Lấy khăn lau sạch mũi, họng, miệng, rồi tiến hành hà hơi thổi ngạt (miệng qua miệng), kết hợp với xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Cần kiên nhẫm làm liên tục cho đến khi trẻ thở lại.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn