Khi đưa trẻ đi khám bệnh, nhiều bà mẹ không thể trả lời rõ ràng những câu hỏi của bác sĩ về tình trạng của con, nên ảnh hưởng đến việc chẩn đoán và điều trị. Do vậy, bạn cần nắm bắt và hiểu rõ những vấn đề sau, trước khi cho con đi khám bệnh.





Cần có sự chuẩn bị tốt nhất
Sau khi vào phòng khám, bác sĩ thường hỏi người mẹ về tình hình của trẻ, rồi mới bắt đầu tiến hành kiểm tra, thăm khám. Trong quá trình này, các bác sĩ vẫn không ngừng trao đổi với bạn để có được những thông tin cần thiết. Nếu bạn có thể cung cấp những điều mình quan sát và ghi nhớ một cách tỉ mỉ về tình trạng của con, sẽ giúp ích rất nhiều cho sự hội chẩn của bác sĩ. Do đó, ngay từ khi con có triệu chứng không khỏe, bạn cần chú ý và ghi nhớ mọi diễn biến cho tới khi đưa bé đến gặp bác sĩ, tránh trường hợp bác sĩ hỏi gì bạn cũng không biết, không nhớ.
Ngoài ra, nếu bác sĩ không nói rõ nguyên nhân và bệnh trạng của trẻ, bạn cũng phải chủ động hỏi những vấn đề cần thiết như con mắc bệnh gì, nguyên nhân do đâu, cần uống thuốc gì, bao lâu có thể khỏi, khi nào tái khám, ăn uống sinh hoạt có cần kiêng cữ gì không v.v… Những điều này cần được làm rõ để hỗ trợ tốt cho việc điều trị và tránh những vấn đề phát sinh ngoài ý muốn.
Những vấn đề mẹ cần nắm rõ
* Thời gian phát bệnh: Thông tin này rất quan trọng, bao gồm thời gian phát bệnh, thời gian thuyên giảm hay tăng nặng, giúp bác sĩ dễ dàng phân loại bệnh một cách chính xác.
* Sự thay đổi thân nhiệt: Nếu lúc ở nhà, bạn đã tiến hành đo thân nhiệt cho trẻ thì nên nói rõ cho bác sĩ biết đã đo lúc nào, tổng cộng bao nhiêu lần, thân nhiệt cao nhất là bao nhiêu. Ngoài ra, còn chú ý trẻ bị sốt theo chu kỳ hay không theo quy luật nào, sự khác nhau giữa nhiệt độ ở lòng bàn tay, bàn chân và lưng bàn tay, bàn chân ra sao. Kèm theo sốt thì trẻ có biểu hiện nào khác không v.v…
* Tình trạng cơ thể: Lúc phát bệnh, tứ chi của trẻ hoạt động có bình thường không, thần thái có tỉnh táo không, hay xuất hiện trạng thái bất an, khóc quấy, ngủ nhiều, ho liên tục v.v… Nếu trẻ có thêm đau bụng, tiêu chảy thì bạn phải nắm rõ được vị trí đau, thời gian bắt đầu đau và kéo dài bao lâu…
* Tình hình tăng giảm ăn uống: Mọi bệnh tật đều ảnh hưởng không nhỏ đến việc ăn uống của trẻ. Vì vậy, bạn cần cho bác sĩ biết sự thay đổi trong lượng ăn, số lần ăn của trẻ. Ngoài ra, chú ý thêm trước khi phát bệnh, trẻ có ăn uống thứ gì kém vệ sinh hay không, hoặc thức ăn dễ kích thích, dị ứng.
* Tình trạng tiểu tiện và đại tiện: Nếu trẻ bị đau bụng, bạn nhất định phải nói chi tiết với bác sĩ số lần đi đại tiện của trẻ. Tình trạng, tính chất, màu sắc, mùi phân cũng cần quan sát kỹ.
* Chất lượng giấc ngủ: Thời gian ngủ, trạng thái ngủ của trẻ có bình thường hay không. Trẻ có xuất hiện tình trạng ngủ li bì hay dễ giật mình, khóc quấy không?
* Tiểu sử bệnh: Bao gồm cả tiểu sử bệnh của trẻ và những thành viên trong gia đình. Bạn phải trình bày rõ với bác sĩ để hỗ trợ cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh tốt nhất cho trẻ.
Theo Bau

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn