Trẻ con tuổi tập đi cũng như phần lớn người lớn chúng ta, không phải lúc nào cũng chịu lắng nghe. Trên thực tế, ở tuổi này, trẻ cần bạn dạy cho bé cách để tập trung. Nhưng khi các bậc cha mẹ nhắc lại thứ gì đến lần thứ 10, họ bắt đầu phạt con; vậy điều gì khiến một đứa trẻ không chịu nghe lời đến khi bố mẹ chúng nhắc đến lần thứ 10?





<br style="text-align: justify;">Bằng cách không chịu nghe lời, con bạn buộc bạn phải quan tâm đến bé nhiều hơn; nhưng nếu nghe tốt, trẻ sẽ có nền tảng tốt cho việc học tập sau này, biết nhận ra các dấu hiệu nguy hiểm, xử sự tốt với cha mẹ, thầy cô và những người lớn mà bé phải tôn trọng, cũng như có khả năng kết bạn tốt hơn. Có nhiều phương pháp để dạy trẻ biết nghe lời, và bạn cần phải áp dụng thật nhất quán để có hiệu quả tốt. Và bạn hãy nhớ rằng không bao giờ là quá sớm để bắt đầu dạy con; bé sẽ chưa thể nghe tốt đến khi được 5 tuổi, nhưng bé vẫn sẽ học được rất nhiều ngay từ khi còn rất nhỏ.

Nói chuyện cùng tầm cao với bé
Sớm muộn gì thì các bậc phụ huynh cũng nhận ra là nếu cứ đứng thẳng lưng mà nói với trẻ hay nói vọng từ các phòng khác thì hiếm khi lời nói của bạn có tác động với trẻ. Hãy cúi hoặc ngồi thấp xuống cùng tầm với trẻ khi nói chuyện, để bạn có thể nhìn vào mắt bé và kéo sự tập trung của bé vào bạn. Bé sẽ nghe tốt hơn khi bạn ngồi xuống cạnh bé bên bàn ăn khi nhắc bé ăn hết bữa sáng, hoặc cúi xuống bên giường bé để thủ thỉ với con là bạn sẽ tắt đèn cho bé ngủ. Tiếp xúc ánh mắt là rất quan trọng và việc đó hiệu quả nhất khi bạn mặt đối mặt với con.

Nói rõ ràng

Nếu bạn muốn con nghe lời và thực hiện đúng ý bạn, hãy nói thật rõ ràng, đơn giản và ngắn gọn. Con bạn sẽ bị phân tâm nếu bạn diễn giải quá dài dòng. Bé sẽ không thế bắt được ý chính của bạn khi bạn nói “Trời bên ngoại rất lạnh, con sẽ bị ốm đấy, nên mẹ muốn con mặc thêm áo trước khi chúng ta đi siêu thị.” Thật khó cho con trẻ phải không nào? Thay vào đó, bạn chỉ cần nói ngắn gọn: “Mặc áo ấm vào đi con!”; và con bạn sẽ khó mà hiểu sai ý bạn trong câu này được.

Bạn cũng đừng dùng dạng câu hỏi để ra mệnh lệnh cho con nếu bé thực sự không được lựa chọn. Sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu bạn nói “Leo lên xe nào con!” thay cho “Con có leo lên xe không nào?” Nhưng cũng rất tốt nếu bạn cho con được lựa chọn, miễn là bạn cung cấp cho con những lựa chọn mà nếu bé chọn cái nào bạn cũng thấy ổn cả, và chỉ nên giới hạn ở hai lựa chọn mà thôi. Khi được lựa chọn, bé sẽ cảm thấy mình có quyền chủ động còn bạn thì hài lòng vì con thực hiện đúng ý mình.

Quán triệt và dứt khoát

Hãy đảm bảo là các mệnh lệnh và nguyên tắc bạn đưa ra đều được thực hiện quán triệt. Chẳng hạn, nếu bạn nói: “Con phải uống sữa trong bữa tối.” thì đừng cho con ăn bánh hay uống nước trái cây; nếu bạn ra điều kiện rằng bé sẽ bị phạt nếu đánh em, thì đừng nhân nhượng khi bé vi phạm.

Bạn cũng cần thống nhất với chồng hoặc người cùng trông trẻ những nguyên tắc này để tất cả mọi người trong nhà đều thực hiện nhất quán, trước sau như một; tránh trường hợp mẹ nói vậy mà bố thì khác sẽ khiến bé rất khó bảo sau này.

Không chỉ cần thực hiện quán triệt, bạn còn cần phản ứng nhanh đi kèm những gì bạn nói. Chắc chắn bạn sẽ không muốn gào lên 5 lần 7 lượt rằng “Không được chạy qua đường!” cho đến khi bé để ý đến lời của bạn. Điều này rất quan trọng trong các tình huống nguy hiểm và khẩn cấp. Hãy luôn nắm tay chặt tay bé khi băng qua đường. Trong các tình huống ít nguy hiểm hơn, bạn cũng cần nói dứt khoát, tránh lặp đi lặp lại và có hành động hướng dẫn đi kèm; chẳng hạn, để nhắc con “Đặt ly lên bàn đi con!”, bạn hãy đồng thời cầm tay bé hướng dẫn bé đặt ly lên bàn.

Nhấn mạnh điều muốn nói

Bên cạnh nói, bạn có thể làm một loạt những hành động khác để hỗ trợ và nhấn mạnh vào thông điệp bạn muốn bé nghe. Chẳng hạn, với câu nói “Đi ngủ nào!”, bạn hãy hạ độ sáng của đèn, đặt tay lên vai bé để kéo con đến giường ngủ, nhẹ nhàng lấy lại đồ chơi, hôn tạm biệt, vỗ vỗ nhẹ nhẹ lên người bé và chúc bé ngủ ngon. Con bạn liệu có thể cố tình không hiểu yêu cầu của bạn nếu mọi thứ đã quá rõ ràng và thuyết phục như vậy?

Báo trước cho bé

Hãy thông báo cho bé những việc bé sắp phải làm, đặc biệt nếu bé đang mê mẩn chơi với đồ chơi và các bạn của bé. Chẳng hạn, trước khi đi đâu, hãy nói với con: “Chúng ta sẽ rời nhà trong vài phút nữa. Khi mẹ gọi, con phải cất đất nặn và đi rửa tay nhé!”

Yêu cầu cụ thể và thực tế - nếu vui thì càng tốt

Nếu bạn bảo đứa bé 2 tuổi của mình cất đồ chơi đi, bé sẽ nhìn quanh và không hiểu bạn nói gì. Hãy cho bé các chỉ dẫn cụ thể hơn, như “Con bỏ cục màu vàng vào thùng nào. Ngoan quá! Giờ bỏ tiếp cục màu xanh vào thùng đi!”

Tạo động lực cho bé

Quát tháo thường là có kết quả (tất nhiên không phải trẻ nào cũng chịu nghe), nhưng không ai thích cách đó hết. Hầu hết các bé phản ứng tốt hơn nếu bạn nói chuyện nhỏ nhẹ với con. Bạn cũng có thể nói chuyện với con bằng giọng con nít hoặc ghép nhạc vào để hát, có thể hiệu quả bất ngờ đấy.

Hãy nhấn mạnh vào các lợi ích mà bé có được khi nghe lời bố mẹ thay vì doạ nạt bé. Hãy nói “Đánh răng xong rồi mẹ sẽ kể chuyện cho con nghe nhé!” thay vì “Đánh răng đi, không thì con sâu sẽ ăn hết răng của con” hay “Đi đánh răng ngay!” Và đừng quên khen con “Ngoan lắm!” sau khi bé đã hoàn thành yêu cầu của bạn.

Chính sự hài hước, tình cảm và tin tưởng con sẽ khuyến khích bé chú ý và nghe lời bạn hơn, vì bé hiểu rằng bạn yêu thương, tôn trọng và xem bé thật đặc biệt. Đây là một yếu tố quan trọng ngay cả với những phương pháp dạy con cứng rắn nhất. Nghiêm khắc không có nghĩa là cau có quát mắng, bạn vẫn có thể dành cho con những cái ôm và nụ cười trìu mến mà không hề làm giảm sút quyền lực phụ huynh chút nào.

Làm gương tốt cho con

Con bạn sẽ biết nghe hơn nếu bé quan sát thấy bạn rất biết lắng nghe người khác. Hãy chăm chú lắng nghe và tỏ ra tôn trọng khi bé nói chuyện với bạn cũng giống như khi bạn nói chuyện với người lớn. Hãy nhìn bé khi bé nói chuyện với bạn, trả lời con thật lịch sự, và để bé nói hết mà không ngắt lời bé.

Điều này có thể hơi khó trong một số tình huống, như khi bạn đang nấu ăn và bé thì nói với bạn liên hồi, hãy cố gắng đừng đi lướt qua mặt bé hoặc đứng quay lưng về phía con, bạn có thể liên tục quay mặt về phía bé để bé thấy bạn vẫn đang nghe bé nói.

Ghi nhận và khen những phản ứng tốt của bé

Bạn có hay cằn nhằn con khi bé làm sai? Hãy đặt mình vào vị trí của bé, liệu bạn có thích nghe ai chỉ chăm chăm chì chiết lỗi lầm của mình không? Con bạn sẽ chịu nghe hơn nếu bạn nhận xét và khen bé nhiều hơn về những lần bé làm đúng và có hành vi tốt, chẳng hạn “Giỏi lắm, con đã cất đồ chơi ngay khi mẹ bảo.” hay “Con chơi với em rất ngoan, mẹ rất vui.” Hãy dành cho bé những nhận xét tích cực và bạn sẽ sớm nhận ra hình như dạo này bé ngày càng chịu nghe lời bạn hơn.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn