Tâm lý chung của các mẹ khi nuôi con là luôn lo lắng con bị thấp còi. Lo lắng đó gây ra nhiều áp lực cho các mẹ khiến việc nuôi con cao lớn trở thành một vòng luẩn quẩn với nhiều sai lầm.





Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn, Trưởng khoa Nhi tại một phòng khám quốc tế ở TP HCM, người có nhiều những bài viết chăm sóc sức khỏe khoa học cho trẻ được hàng nghìn lượt chia sẻ của các mẹ từng chia sẻ: “Khi các phụ huynh đưa con mình đi khám định kỳ, một trong các mối lo hay quan tâm nhất là cân nặng và chiều cao của bé. Ai cũng muốn con mình thật cao to sau này, nên nếu như từ giai đoạn đầu đời bé có nhỏ hơn những bé khác hay có ai đó nhận xét con mình nhỏ quá thì các phụ huynh đó lại lo sốt vó và… thi nhau nhồi nhét hết những thức ăn đồ uống (sữa) vào bé, để rồi gây ra bao nhiêu cuộc chiến trong gia đình”.
Đó cũng chính là một trong 4 sai lầm mà các mẹ cần tránh để có thể giúp con phát triển toàn diện, đặc biệt là phát huy được chiều cao tối ưu qua từng giai đoạn phát triển, trưởng thành của con.
1. Cứ ăn là… cao lớn



“Ám ảnh” cân nặng của con là “bệnh” chung của nhiều bà mẹ, từ đó dẫn đến tình trạng thường xuyên nhồi nhét con ăn bằng mọi cách. Khi bị ép ăn, tâm lý của trẻ rất dễ bị tổn thương, từ đó dẫn tới khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng có trong bữa ăn bị hạn chế.
Trong một nghiên cứu của Giáo sư Vũ Yên và các đồng nghiệp tại bệnh viện Thiên Đàn (Bắc Kinh, Trung Quốc), các chuyên gia nhận thấy rằng, các tác nhân tâm lý cũng là một trong những nguyên nhân gián tiếp gây ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, sự căng thẳng về mặt tinh thần sẽ hạn chế trẻ phát triển chiều cao tối ưu mà trẻ có thể đạt được.
Trong khi đó, dinh dưỡng là một yếu tố chiếm tỉ lệ phần trăm khá lớn trong việc tác động đến sự phát triển chiều cao của trẻ (31%). Bởi vậy, ngoài việc đảm bảo một chế độ ăn cân đối, khoa học với đầy đủ các thành phần tinh bột, chất béo, chất đạm, các vitamin, nhất là vitamin C, khoáng chất và các chất xơ từ rau xanh và trái cây tươi, canxi, vitamin D… thì khả năng hấp thu các dưỡng chất đó của trẻ cũng rất quan trọng. Hãy giúp con hấp thu dưỡng chất tốt hơn bằng cách trao cho con những bữa ăn vui vẻ, tránh ép uổng và nên bổ sung các sản phẩm kích thích con ăn ngon miệng.
2. Muốn cao lớn cứ… uống sữa



Trong một cuộc offline hội các bà mẹ có con nhỏ, chị Thu Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) tỏ ra vô cùng lo lắng: “Cu Tí nhà em chẳng chịu uống sữa, hơn 2 tuổi mà mỗi ngày không uống được 500ml sữa, uống ít sữa thế nên là nhìn con còi dí, thấp hơn hẳn các bạn khác”. Cùng có chung suy nghĩ như chị Hoa về sự thấp còi của các con, cộng thêm quan điểm sữa là nguồn thực phẩm giàu canxi nên nhiều bà mẹ coi sữa là thực phẩm chính giúp con cao lớn khỏe mạnh đến mức thậm chí khuyến khích con uống sữa thay nước.
Tuy nhiên, theo các nghiên cứu khoa học, tác dụng của canxi chủ yếu là giúp xương chắc khỏe, và để canxi trong cơ thể có thể chuyển hóa tốt, trẻ cũng cần phải được bổ sung đủ vitamin D nữa. Ngoài ra, việc bổ sung quá nhiều sữa còn khiến trẻ dễ bị thiếu sắt, thiếu kẽm, những vi chất quan trọng giúp trẻ ăn ngon miệng và hấp thu tốt thức ăn nạp vào. Các mẹ cũng cần phải hiểu rõ nguồn gốc giúp con phát triển cao lớn là do sự tiết ra hóc-môn tăng trưởng từ tuyến yên của cơ thể, và thúc đẩy xương phát triển theo chiều dọc vì thế bên cạnh việc uống sữa, các mẹ có thể cho trẻ dùng bổ sung thêm các sản phẩm có tác dụng hỗ trợ giúp kích thích tuyến yên sản sinh ra hóc-môn tăng trưởng một cách tự nhiên.
3. Không có thời gian vận động cùng con



Do thiếu không gian vui chơi ngoài trời nên phần lớn trẻ em hiện nay còn ít được vận động thể chất ngoài trời, thêm vào đó, công việc hàng ngày bận rộn khiến bố mẹ chỉ tranh thủ được thời gian cuối tuần ít ỏi để cho con đi chơi công viên, chạy nhảy, đạp xe ngoài trời….
Vì vận động, tập luyện thể dục thể thao là chiếm tới 20% trong các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ, nên bố mẹ cần đảm bảo mỗi ngày con được vận động vui chơi ngoài trời ít nhất 30 phút, cần khuyến khích con tập luyện một môn thể thao nào đó như đá bóng, bơi, cầu lông hay đạp xe, đặc biệt là đối với lứa tuổi trẻ đang bước vào giai đoạn dậy thì.
4. Chưa có ý thức về vai trò của giấc ngủ



Dù biết là đi ngủ muộn không tốt cho sức khỏe, nhưng gia đình chị Linh Thủy (quận Bình Thạnh, TPHCM) không hôm nào đi ngủ được từ 9 giờ. Bố mẹ đi làm về muộn nên gần như hôm nào cũng phải 9 rưỡi anh chị mới xong xuôi việc nhà để tranh thủ kèm con học và chơi với con, có hôm mải chơi nên 11, 12 giờ cả nhà mới đi ngủ.
Nếp sống của nhiều gia đình hiện nay ảnh hưởng khá nhiều đến thời gian và chất lượng giấc ngủ của trẻ, trong khi trẻ cần ngủ sớm từ khoảng 9h tối thì phần lớn trẻ vẫn đi ngủ hơi muộn sau 10h tối hàng ngày. Giấc ngủ sâu trong khoảng thời gian trước 10h tối rất có ý nghĩa với sự phát triển cao lớn của trẻ bởi vì đây là thời điểm mà hóc-môn tăng trưởng tiết ra mạnh mẽ và nhiều nhất.
Nuôi con cao lớn là thành quả của một quá trình nuôi con khoa học và hiểu biết của các bà mẹ, cần nắm được đặc điểm phát triển của con qua từng thời kỳ để biết cách chăm sóc con bằng một chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Theo Danviet

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn