Với quy trình chăm sóc khoa học – bài bản và đầy tận tâm của các bác sĩ khoa Sơ sinh, bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec đã nuôi dưỡng thành công bé sinh non 900 gram, không có biến chứng. Tới nay, đã có hơn 200 trẻ sinh non tại Vinmec được nuôi lớn hoàn hảo như vậy, 95-97% các bé đã được trở về gia đình với thể trạng hoàn toàn khỏe mạnh.






Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec đã nuôi dưỡng trên 200 trẻ sinh non – với tỉ lệ thành công,
không có biến chứng lên tới 95 – 97%.
Chị Phạm Bích Thủy (43 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang mang thai thì phát hiện bị tăng huyết áp – đây là biểu hiện ngộ độc thai nghén khá phổ biến. Khi thai được 31 tuần 4 ngày, máu không còn tiếp tục tới nuôi dưỡng nhau thai. Theo dõi thai định kỳ cho bà mẹ, các bác sĩ Khoa sản, bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec đã quyết định chỉ định mổ đẻ lúc này để đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho bà mẹ và em bé.
Em bé ra đời (được đặt tên Đinh Thế Kiệt) chỉ nặng 900 gram, ngoài ra còn có tình trạng nước ối lẫn phân su nên nguy cơ nhiễm trùng rất cao, đồng thời có những cơn ngừng thở nên phải theo dõi ở chế độ đặc biệt. Sau gần 2 tháng được nuôi dưỡng và chăm sóc tại khoa Sơ sinh, bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec, bé Kiệt đã phát triển hoàn toàn bình thường, không gặp bất cứ biến chứng nào.
BSCK II Trần Liên Anh, Trưởng khoa Sơ sinh cho biết: “Giai đoạn đầu, ngoài thường xuyên xét nghiệm CRP và điều trị kháng sinh dự phòng nhiễm trùng, bé hoàn toàn được nuôi dưỡng bằng tĩnh mạch. Lúc này, hệ tiêu hóa của bé chưa phát triển. Sau 1 – 2 tuần, khi toàn trạng bé đã ổn định, hoàn toàn tự thở được nên bé bắt đầu được cho ăn sữa thăm dò với số lượng ít, mỗi bữa 2ml. Vài ngày sau, số lần cho bé ăn tăng dần, lên 8 lần/ngày để đảm bảo calo. Cháu bé hấp thu tốt nên các bác sĩ đã quyết định tăng lượng sữa cho mỗi bữa lên mức 10 – 15ml/ cân nặng. Bé cũng bắt đầu tập cho ăn bằng đường miệng và cuối cùng là tập bú bằng bình”.
Ở trẻ sơ sinh non tháng, các cháu có rất nhiều nguy cơ bị bội nhiễm, suy hô hấp, còn ống động mạch, xuất huyết não, viêm ruột, hoại tử dạ dày, bị bệnh võng mạc trẻ đẻ non, giảm thính lực… Đặc biệt, ở trẻ sinh non cân nặng dưới 1.000gram như thế này, các cháu còn dễ bị hạ thân nhiệt và đường máu nhanh hơn. Sức đề kháng của bé cũng yếu hơn các cháu cũng là sinh non nhưng đạt nặng trên 1kg. Vì thế, mỗi khâu chăm sóc và dinh dưỡng cho bé Kiệt, các bác sĩ, điều dưỡng đều tính toán rất cẩn trọng.

Sau gần 2 tháng được chăm sóc và nuôi dưỡng tại Vinmec, bé Đinh Thế Kiệt (ở Hà Nội)
sinh non chỉ nặng 900gram đã phát triển hoàn toàn bình thường.
Với sự chăm sóc và nuôi dưỡng khoa học, chu đáo như vậy, bé Kiệt đã tránh được tất cả những biến chứng thường gặp ở trẻ sinh non. Sau 7 tuần, bé nặng 2,75kg, được xuất viện với sức khỏe hoàn toàn bình thường. Điều này mang lại cơ hội lớn cho bé khi trưởng thành sẽ vẫn khỏe mạnh như bạn bè cùng trang lứa. Chị Phạm Bích Thủy, mẹ bé Kiệt cho biết: “Sau khi được về nhà, mỗi lần bé đã có thể ăn được 60ml. Cứ 3h mẹ lại phải cho ăn, nếu không bé sẽ khóc đòi. Điều đó chứng tỏ bé đã hấp thu rất tốt. Một tuần sau, bé đã tiếp tục tăng lên được 3,15kg – tương đương cân nặng của trẻ sinh đủ tháng”.
GS - TS Nguyễn Thanh Liêm, Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết: “Nguy cơ xảy ra với các bé đẻ non có rất nhiều. Quá trình nuôi dưỡng phải đảm bảo cùng lúc nhiều yêu cầu: Duy trì tuần hoàn, giữ thân nhiệt, tránh bội nhiễm và tránh các biến chứng do quá trình hỗ trợ hô hấp và đặc biệt là cung cấp đủ năng lượng để các bé phát triển dần bình thường. Việc chăm sóc các em bé sinh non đã được bệnh viện thực hiện bài bản, toàn diện, với sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại. Bởi vậy, phần lớn trẻ sinh non nuôi dưỡng tại Vinmec đều xuất viện khỏe mạnh. Không chỉ chăm sóc các cháu bé sinh non, Vinmec cũng đã phẫu thuật và cứu sống thành công nhiều trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh phức tạp. Đến nay, bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec đã nuôi dưỡng trên 200 trẻ sinh non – với tỉ lệ thành công, không có biến chứng lên tới 95 – 97%”.


Nguồn SKĐS




Theo bau.vn