Mỗi khi nhà có khách là bé Phương An (10 tuổi) lại trốn biệt vào phòng riêng. Mẹ gọi năm lần bảy lượt ra dọn mâm, bé chỉ “dạ” rồi để đấy… Căn bệnh lười của bé khiến ông bà, bố mẹ điên đầu.





Bố mẹ đừng tiếp tay
“Bảo quét nhà thì cháu vâng rồi đi lấy chổi. Từ phòng khách vào bếp chỉ vài bước chân nhưng cả 10 phút không thấy quay lại. Nhiều lần bực mình quá, tôi ấn vào tận tay cháu cái chổi thì nó quét được một nhát lại dừng lại xem tivi. Bực mình quá, bà nhà tôi liền đứng dậy làm luôn cho xong” – ông Tuệ, ông nội của bé Phương An kể lại.
Ông thắc mắc không hiểu sao mà con bé lại lười đến thế không biết? Mặc dù bố mẹ cháu đã giao cho con làm một số việc vặt trong nhà như: quét nhà, đổ rác, dọn cơm, lấy quần áo… nhưng không bao giờ cháu tự giác làm, chỉ rình rình trốn việc.


Trẻ lười làm việc nhà là "căn bệnh" phổ biến của trẻ
Theo TS Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, trường ĐH Sư phạm) lười làm việc nhà cũng là "căn bệnh" rất phổ biến trong giới trẻ… con. Để con có ý thức làm việc nhà không hề đơn giản. Vì thế, việcdạy con làm việc nhà cần phải tiến hành càng sớm càng tốt.
TS Hương cũng chỉ ra những sai lầm hiện nay khi có không ít cha mẹ thường nghĩ con bé bỏng không thể tự làm được mọi việc mà phải có người chăm sóc, lo lắng. Thậm chí có trẻ học lớp 3 rồi mà bữa ăn không cần phải làm gì, cơm tự chui vào miệng, mặt bẩn không cần làm gì tự khắc có người lau, đến cái bút hết mực không cần làm gì cũng tự nó đầy lên…
“Có nhiều bậc phụ huynh cười khi thấy tôi khuyên nên để trẻ 2 tuổi tự tắm. Có thể trong trường hợp này nhiều người nghĩ, ở tuổi ấy trẻ ăn còn chưa xong làm sao mà tự chăm sóc được bản thân! Thế nhưng việc này cực kỳ đơn giản. Bố mẹ chỉ cần chuẩn bị 1 chậu nước ấm thật to, con tự cởi quần áo rồi ngồi vào chậu tắm, sau đó lau người và mặc quần áo. Những việc đó đâu có khó khăn gì với lũ trẻ?” – TS Hương nhấn mạnh
Việc chăm sóc, làm hộ mọi việc cho trẻ, TS Hương cho rằng điều này thể hiện sự thiếu lòng tin của cha mẹ đối với con – cũng chính là sự thiếu sự tôn trọng con. Bởi bọn trẻ không phải là không biết gì. Những việc đơn giản như lấy cho mẹ cái khăn, lấy cho bố cái túi xách, ném bỉm, rác vào thùng rác, tự khoác balo của mình là việc mà đứa trẻ 2 tuổi nào cũng làm được.
Chung quan điểm này, chuyên gia tâm lý Ths. Hoàng Kim Xuyến (Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương) cũng cho rằng, khi người lớn yêu cầu trẻ làm việc sớm, trẻ sẽ cảm nhận được sự tin tưởng mà cha mẹ dành cho mình, chắc chắn trẻ sẽ buộc phải cố gắng để không phụ lòng tin đó của cha mẹ.
Tuyệt đối không thưởng tiền
Theo đó, sau khi trẻ đã có ý thức và làm được một số công việc vặt trong nhà, cha mẹ cần giao trách nhiệm cho trẻ, trách nhiệm đó nên có một chút quyền lực như: quyền được phê phán khi ai đó làm sai (trong phần công việc trẻ đảm nhận). Ví dụ, trẻ được giao giữ vệ sinh trong khu vực phòng khách, nếu ai đó vứt đồ đạc lung tung, trẻ có quyền khiển trách và có quyền đưa ra hình thức phạt.

Một lưu ý mà Ths Xuyến đưa ra là, sau khi bố mẹ giao quyền cho trẻ thì cần phải thực hiện việc tôn trọng các quyết định của trẻ. Nếu trong phần trách nhiệm của trẻ, trẻ có những quyết định phù hợp, cha mẹ nên tôn trọng và yêu cầu mọi người tuân thủ theo cho dù điều đó gây chút khó khăn cho cha mẹ.
“Cha mẹ cần khen ngợi trẻ, đề cao tầm quan trọng của trẻ trong công việc. Việc khen ngợi đó cần làm nhẹ nhàng và kín đáo, không nên tung hô quá nhiều khiến trẻ dễ chủ quan, coi thường mọi việc. Đơn giản và hiệu quả nhất là cha mẹ khoe “kín đáo” trẻ với người khác nhưng biết chắc chắn là trẻ “nghe lỏm” được.
Nghe lỏm được việc cha mẹ khen mình với người khác là món phần thưởng tuyệt vời nhất mà trẻ nào cũng mong muốn có. Điều đó sẽ khiến trẻ buộc phải “ngoan, giỏi” để xứng đáng với lời khen tặng” – TS Hương nói.
Dẫu con làm tốt công việc, được bố mẹ tưởng thưởng bằng những lời ngợi khen kín đáo nhưng các chuyên gia tâm lý cũng cảnh báo người lớn tuyệt đối không được thưởng tiền cũng như mọi thứ vật chất khác cho trẻ khi trẻ làm việc nhà.
Thực ra, nhiều người nghĩ đây là chất xúc tác, là động lực để trẻ hoàn thành tốt công việc được phân công. Và đó là điều khá phổ biến hiện nay tuy nhiên, TS Hương cho rằng, ban đầu có vẻ là có lợi nhưng càng về sau càng khó xử lý. Bởi đã có không ít trẻ được cha mẹ thưởng tiền khi làm việc nhà, về sau lớn lên đã không chịu làm việc nhà nữa nếu không cho tiền.
Thưởng tiền khi làm việc nhà còn khiến trẻ có suy nghĩ “Cứ làm là phải được nhận tiền công”, sau này khi ra ngoài tập thể, trẻ sẽ lười làm việc chung mà chỉ chăm lo cho chính bản thân mình hoặc những công việc có thù lao. Lúc này chắc chắn cha mẹ sẽ rất khó giải quyết cái cá tính đó của trẻ.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn