Nhiệt độ môi trường tăng cao là cơ hội thuận lợi để mầm bệnh phát triển gây các bệnh ngoài da. Bệnh lây lan nhanh chóng khiến các bé khó chịu, quấy khóc...





- Rôm sảy



Trẻ thường dễ bị rôm sảy khi trời nắng nóng. Nhiệt độ tăng cao, trung khu điều hòa nhiệt độ cơ thể sẽ điều khiển làm mát da bằng cách tiết mồ hôi nhiều. Mồ hôi không thoát ra được do chất sừng bít kín lỗ chân lông sẽ sinh ra rôm sảy. Trẻ bị rôm sảy biểu hiện bằng những sẩn đỏ ở lưng, ngực, chúng “cắn chích” gây ngứa ngáy, khó chịu.
Chính những lúc ngứa, bé dùng tay “gảy đàn” sẽ dễ gây trầy xước và nhiễm trùng da. Đã có trường hợp bị sẹo xấu chỉ vì gãi cho đã ngứa. Do đó, khi bé bị rôm sảy, nên tắm cho bé bằng nước ấm từ 35 - 370C. Lưu ý, chỉ được dùng loại xà phòng dành cho em bé. Dân gian thường dùng khổ qua giã nhuyễn nấu nước tắm để trị rôm sảy. Theo bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng - Phó chủ tịch Hội Da liễu TP.HCM, nấu nước khổ qua cho bé tắm là cách trị rôm sảy hiệu quả, an toàn.
- Bệnh chốc
Bệnh chốc là bệnh do nhiễm trùng, thường gặp nhiều nhất ở trẻ em tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Chốc thường nổi ở mặt, xung quanh miệng, chân, tay… Đầu tiên là nổi bóng nước đục, vài ba ngày sau mụt vỡ, đóng mày màu vàng như mật ong. Nếu bé được vệ sinh bằng thuốc tím pha loãng, bệnh lành nhanh.
Đông y dùng trà xanh trị chốc rất hiệu quả, chỉ cần hãm trà pha nước sạch tắm cho bé, vết chốc “co cụm” lại rồi… từ biệt. Song nếu chăm sóc không kỹ, chốc lở to, lúc này phụ huynh kiểm tra có thể phát hiện hạch ở vùng kế cận, bé bị sốt. Đã có trường hợp nhập viện do biến chứng của chốc gây phù và viêm cầu thận cấp. Do đó, cần vệ sinh kỹ lưỡng da của bé ngay khi thấy chốc “ló dạng”
- Bệnh nhọt
Bệnh nhọt thường gặp do nhiễm trùng, thoạt đầu là một cục cứng đỏ, sưng to dần và đau. Nhọt thường gặp ở cổ, đầu, mông. Giữ gìn vệ sinh da thật tốt, không điều trị thì sau một-hai tuần nhọt vỡ, chảy mủ và lành dần. Tuy nhiên, biến chứng nặng của bệnh do vệ sinh không tốt là sưng các hạch kế cận. Khi vi trùng di chuyển vào hạch bạch huyết, vào máu gây nhiễm trùng máu, làm cho bé sốt cao, li bì, bỏ ăn, bỏ chơi, có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của bé. Do đó, khi thấy nhọt to, sưng đỏ, bé khó chịu nên đi bác sĩ để được dùng thuốc phù hợp.
- Bệnh chàm
Mùa nóng ra nhiều mồ hôi khiến các bé có cơ địa bị chàm dễ bị bệnh nặng hơn. Các vùng khuỷu tay, khuỷu chân, gáy sẽ dễ xuất hiện chàm: da nổi đỏ thành từng mảng, tiết dịch và dễ bị viêm nhiễm. Chàm gây ngứa và có xu hướng nặng dần: gãi làm da đỏ hơn, dày hơn, ngứa nhiều hơn. Khi bệnh chàm xuất hiện, cần đưa bé đi bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn cách chăm sóc, ăn uống, dưỡng ẩm cho da và uống thuốc.
Ngoài ra, còn những bệnh thông thường khác do thiếu vệ sinh như: nấm da, ghẻ… cũng làm các bé khó chịu, quấy khóc, dẫn đến bỏ ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe.




Chăm sóc da hiệu quả
Bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng khuyên:
- Mùa nóng nên giữ da khô sạch bằng cách tập cho bé thói quen tắm trước khi đi học và sau khi về nhà.
- Cho bé mặc quần áo bằng sợi cotton giúp thấm hút tốt, rộng thoáng để mồ hôi dễ thoát, không gây bít lỗ chân lông, gây ngứa ngáy…
- Cắt móng tay cho bé để nếu có gãi cũng ít gây trầy xước, nhiễm trùng.
- Tránh dùng nước hoa, sữa tắm gây kích ứng da.
- Uống đủ nước để da không bị khô. Nên tập cho trẻ thói quen mỗi sáng uống một ly nước.
Khi bé bị rôm sảy, chốc, nhọt cần vệ sinh tốt và theo dõi. Nếu thấy bé sốt thì nên đưa bé đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Theo Phununew

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn