Trẻ nhỏ thường bắt chước và học theo những hành động, lời nói của người lớn hay bạn bè xung quanh. Đáng nói là trẻ cũng có thể bắt chước cả những thói quen xấu, để giúp bé bỏ thói quen bắt chước theo những điều xấu, ba mẹ có thể tham khảo những gợi ý từ dưới đây.






Chỉ cho bé biết đâu là điều nên và không nên bắt chước




Chơi game nhiều không tốt cho sức khỏe, ba mẹ nên giúp trẻ hiểu rõ điều này để không bắt chước người khác​
Trẻ nhỏ thường bắt chước mà không hề biết điều mà mình làm theo xấu hay tốt. Vì vậy, ba mẹ cần giúp trẻ phân biệt những hành động, lời nói nào là nên học hỏi hay không nên bắt chước theo.

Nên học hỏi, bắt chước: Siêng năng, học giỏi, lễ phép, vâng lời ông bà cha mẹ, hiếu thảo, biết nhường nhịn cho em, ăn nói lễ phép, ăn mặc gọn gàng, giữ gìn cơ thể sạch sẽ, hòa đồng với mọi người, yêu quý bạn bè…

Không nên bắt chước theo: Nói bậy, chửi thề, trêu đùa người khác, mê xem tivi, chơi game, không biết xin lỗi hay cám ơn, chọc phá người khác, ăn uống không vệ sinh, thức khuya…

Giải thích rõ vì sao bé không nên bắt chước




Khi con làm sai điều gì, hãy giải thích nhẹ nhàng cho con hiểu​
Đừng chỉ nói với bé rằng: “Con không được bắt chước cô/chú/anh/bạn đó, con không được làm như vậy!”. Có thể vì sợ nên trước mặt ba mẹ trẻ sẽ vâng lời nhưng sau đó trẻ sẽ tiếp tục bắt chước bởi bé không hiểu vì sao mình không được làm như vậy.

Cách tốt nhất là ba mẹ nên giải thích rõ ràng tác hại của những hành động, lời nói, thói quen xấu mà trẻ không nên làm theo. Chẳng hạn, nếu trẻ nói bậy, chửi thề sẽ trở thành người mất lịch sự, bị bạn bè xa lánh. Nếu trẻ mê xem tivi, chơi game thì sẽ bị béo phì, cận thị, không thông minh. Nếu trẻ không biết giữ vệ sinh sẽ làm vi khuẩn chui vào cơ thể gây bệnh…

Làm gương cho bé

Trẻ thường bắt chước những hành động, lời nói của người thân trong gia đình bởi đây là những người trẻ thường tiếp xúc, gần gũi. Vì vậy, ba mẹ, người thân trong gia đình cần chú ý cư xử khéo léo văn minh để trẻ không bắt chước theo những điều xấu.




Trong nhà, ba mẹ nên cư xử có chừng mực để không làm ảnh hưởng đến trẻ​
Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người có thói quen xấu

Nếu ba mẹ thấy bé thường bắt chước theo thói quen, việc làm, lời nói không tốt của người nào như hàng xóm, trẻ cùng khu phố… thì nên hạn chế cho bé tiếp xúc với những người này để tránh bị “lây nhiễm”.

Sử dụng người thật việc thật

Ba mẹ không nên chỉ nói miệng, áp dụng lý thuyết suông để dạy trẻ bỏ thói quen bắt chước theo những điều xấu. Để trẻ được “mục sở thị” điều này, ba mẹ có thể dùng người thật việc thật.

Chẳng hạn khi cùng bé ra đường, đi dạo ở khu phố, thấy những hành động xấu như vứt rác, nói bậy, ăn nói không lễ phép… thì ba me nên khuyên bé không làm theo.

Ngược lại nếu thấy những điều hay, tốt đẹp thì ba mẹ khuyến khích bé học theo.




Chỉ con biết những điều tốt và khuyến khích con làm theo​
Đừng quên khen ngợi bé

Nếu thấy bé dần bỏ thói quen bắt chước những thói quen xấu, ba mẹ đừng ngại ngần khen ngợi hay tặng cho bé những phần quà nho nhỏ, ý nghĩa. Khi được khuyến khích, bé sẽ có động lực để bỏ thói quen này nhanh hơn.
Theo Mevabe

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn