Thiết bị điện tử cầm tay đang ngày càng làm thay đổi cuộc sống của con người, tuy nhiên nó có tác động lâu dài và những ảnh hưởng không thể ngờ tới sức khỏe và trí tuệ của trẻ em.






Trẻ em ngày nay được tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm, thông qua các thiết bị điện tử cầm tay như điện thoại di động, máy tính bảng, máy chơi games.... Tuy nhiên các nhà khoa học khuyến cáo trẻ em dưới 12 tuổi không nên sử dụng các thiết bị cầm tay bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển thể chất, tâm thần của mỗi đứa trẻ. Việc loại bỏ các trò trơi vận động, trí tuệ, cho trẻ chơi các thiết bị công nghê cao, những người làm cha, làm mẹ đang “đầu độc” chính con trẻ của mình.
Mặc dù các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng công nghệ đang hủy hoại sức khỏe của trẻ em, nhưng người lớn chúng ta vẫn đang lệ thuộc vào công nghệ, giao phó con em mình cho các đồ điện tử thay vì nói chuyện hay chơi đùa với trẻ. Dưới đây là các lý do bạn không nên cho trẻ dưới 12 tuổi sử dụng thiết bị điện tử cầm tay, những đứa trẻ nếu sử dụng phải có sự giám sát của cha mẹ hoặc giới hạn về thời gian sử dụng.

Ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ
Khi mới sinh ra đến năm 2 tuổi, bộ não của một đứa trẻ sẽ phát triển gấp 3 lần và sẽ tiếp tục phát triển cho đến năm 21 tuổi. Nhưng 2 năm đầu đời là giai đoạn não bộ phát triển nhanh nhất, nó phụ thuộc nhiều vào các kích thích từ môi trường bên ngoài. Việc sử dụng các thiết bị công nghệ thời gian này sẽ làm bộ não trẻ chậm phát triển, làm đứa trẻ phụ thuộc vào các âm thanh, hình ảnh từ thiết bị điện tử, khiến chúng thiếu tập trung, chậm chạp trong nhận thức, sau này trẻ học tập kém, gia tăng tính bốc đồng và không tiết chế được bản thân. Các nhà khoa học khuyến cáo trẻ em dưới 2 tuổi tuyệt đối không được cho sử dụng các thiết bị điện tử cầm tay, thậm chí xem tivi cũng nên được hạn chế. Trẻ dưới 6 tuổi chỉ nên chơi thiết bị điện tử tối đa 1 giờ mỗi ngày.




Chậm phát triển
Các thiết bị điện tử làm trẻ nhỏ hạn chế các hoạt động vui chơi, vận động nói chung từ đó dẫn đến những hậu quả xấu như suy giảm khả năng vận động, thể chất yếu, hệ cơ và xương trẻ không được phát triển phù hợp với lứa tuổi. Khi chậm phát triển, nó lại ảnh hưởng tới trí tuệ của trẻ như giảm khả năng nhận biết, mất tập trung, trẻ sẽ chậm biết đọc biết viết hơn các bạn cùng trang lứa. Với các trẻ dưới 12 tuổi những tác động tiêu cực này có thể hình thành ngay và rõ nét nhất.

Gây béo phì
Theo nghiên cứu, những trẻ em có các thiết bị điện tử trong phòng tăng 30% nguy cơ béo phì. Tại Canada cứ 4 trẻ thì có 1 trẻ béo phì, tỷ lệ này ở Mỹ là 1:3 (tức là 1/3 số trẻ em Mỹ gặp vấn đề về cân nặng). 30 % số trẻ béo phì sẽ phát triển thành các bệnh tiểu đường, béo phì khi trưởng thành hoặc có nguy cơ cao bị đột quỵ, đau tim, giảm tuổi thọ sau này. Các chuyên gia y tế dự báo, trẻ em ở thế kỷ 21 có thể là những thế hệ đầu tiên không sống lâu bằng thế hệ cha mẹ của họ vì các hậu quả của sự phát triển công nghệ.

Mất ngủ
Điều tra cho biết, 60% các bậc cha mẹ không quản lý việc sử dụng công nghệ của con em họ, 75% trẻ em được phép sử dụng công nghệ trong phòng ngủ của mình. Có tới 75% trẻ em từ 9-10 tuổi bị thiếu ngủ dẫn làm ảnh hưởng đến kết quả học tập.

Bệnh tâm thần
Khi công nghệ bị lạm dụng quá mức, khiến gia tăng tình trạng trầm cảm ở trẻ em, các chứng lo âu, rối loạn nhận thức, thiếu tập trung, tự kỷ, rối loạn tâm thần, và hành vi ở trẻ xuất hiện ngày một nhiều. Ở Canada, cứ 6 trẻ thì có 1 em được chẩn đoán mắc một dạng của bệnh tâm thần.

Tạo ra tính hung hăng
Các đồ chơi bạo lực hoặc những hình ảnh có tính bạo lực trên các thiết bị kỹ thuật cao có thể tạo cho con trẻ sự hung hăng. Những điều này trẻ em “học” được không chỉ trên các thiết bị cầm tay mà còn cả trên truyền hình hay bất cứ phương tiện truyền thông nào khác. Tại Mỹ đã cho biết lọai bạo lực do truyền thông đem lại mang tới những rủi ro cho hệ thống y tế, làm cho trẻ em có tính hung bạo và trở thành những người vô cảm khi trưởng thành.
Suy giảm trí nhớ
Khi trẻ xem các nội dung có tốc độ hình ảnh, âm thanh và nội dung lớn, bộ não trẻ không phải vận động, nó làm trẻ không cần tập trung cao để suy nghĩ, làm suy giảm sự chú ý, giảm khả năng ghi nhớ của não bộ. Trẻ em không thể chú ý dẫn đến việc học tập không thể có kết quả cao.
Nghiện đồ công nghệ
Khi cha mẹ càng trang bị thêm nhiều thiết bị công nghệ cho con cái của mình, điều này đồng nghĩa với việc họ ngày càng tách rời khỏi con trẻ. Nhất là khi cha mẹ vắng nhà, trẻ em luôn làm bạn với các đồ vật này, lâu dần sẽ khiến trẻ em trở nên phụ thuộc, thậm chí “nghiện” đồ công nghệ. Theo các thống kê gần đây cứ 11 trẻ em từ 8 -18 tuổi thì có 1 em nghiện công nghệ.
Ảnh hưởng bức xạ
Vào tháng 5/2011, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phân loại điện thoại di động và các thiết bị không dây khác có thể tạo ra các bức xạ, ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí chúng được xếp vào nhóm 2B – tức là bức xạ có khả năng gây bệnh ung thư. Tuy nhiên đến năm 2013, Tiến sĩ Anthony Miller từ trường Đại Học Y tế Công cộng thuộc Đại học Toronto đã chứng minh bằng nghiên cứu, cho rằng những tiếp xúc tạo ra các bức xạ có thể gây ung thư ở nhóm 2A chứ không phải 2B. Mặc dù vậy chúng ta cũng không thể coi nhẹ bức xạ từ các thiết bị điện tử không dây nhất là đối với trẻ em.
Phát triển lệch lạc
Trẻ em thời công nghệ số trở nên máy móc, thiếu sự sáng tạo, những kỹ năng mềm trong cuộc sống không được ưu tiên. Điều này làm những đứa trẻ của chúng ta trở thành “robot”, tương lai phải phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ trong cuộc sống.

Gây các bệnh về mắt
Đây là căn bệnh phổ biến đối với bất cứ ai sử dụng thiết bị điện tử, nó ảnh hưởng nặng hơn đối với trẻ em. Chúng thường làm mắt trẻ bị mỏi, thường được gọi là hội chứng thị lực do máy tính, nặng hơn có thể bị cận thị hoặc loạn thị. Bạn có thể giúp trẻ tránh được các bệnh này bằng cách cứ sau 30 phút dùng máy tính, ngừng nhìn màn hình và tập cho mắt nhìn vào một điểm.
Bệnh khớp

Việc sử dụng công nghệ hay các thiết bị smart làm cho trẻ em bị xuất hiện các bệnh về khớp hơn thế hệ trước. Sau những giờ dùng máy tính, các khớp ngón tay mỏi, tê, thậm chí đau. Đó là do việc sử dụng quá nhiều một số khớp trên bàn tay.
Theo Beyeu

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn