Ăn đa dạng được xem là 'chuẩn' đầu tiên cho một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Làm sao để bé ăn phong phú, nhiều món khác nhau trong ngày? Làm sao để thay vì đòi ăn trứng suốt cả tuần, bé cưng của bạn sẽ chịu linh động thay đổi nhiều loại thịt, cá, trứng, sữa khác nhau? Giúp bé ăn đa dạng bằng một số “mẹo” dưới đây nào!







1. Cho trẻ tham gia vào bữa ăn gia đình

Việc trẻ ngồi ăn cùng bố mẹ sẽ mang lại những lợi ích nhất định như: Bé sẽ ăn nhiều hơn, nguy cơ rối loạn tiêu hóa ít xảy ra, bé thấy bố mẹ ăn ngon lành món mới thì có tâm lý muốn thử, thấy món đó an toàn và tò mò. Thế nhưng, thông thường với nhịp sống tại thành phố, do công việc quá bận rộn, bố mẹ thường không có thời gian để dùng bữa với con. Thậm chí trẻ chỉ luôn ăn riêng một mình với tô cơm được xúc sẵn, mắt thì vẫn dán vào màn hình tivi.

>> Giải pháp:

Từ khi con bắt đầu bước vào tuổi ăn dặm, bạn đã nên để bé tham gia vào bữa ăn chung của gia đình. Có thể thức ăn của bé khác bạn hoàn toàn, nhưng tâm lý bé từ lúc này đã bắt đầu thấy vui mỗi khi đến giờ cơm.

2. Không “kiêng cữ” quá nhiều

Trẻ ảnh hưởng sâu sắc từ thói quen chế biến món ăn của mẹ. Nếu mẹ có suy nghĩ quá “kiêng khem” ngay từ khi con còn bé, cái gì cũng sợ bé ăn không được, chỉ dám cho con ăn một vài món nhất định thì đừng trách tại sao lớn lên bé có thói quen chỉ chịu ăn đơn điệu vài ba món.

>> Giải pháp:

Mẹ nên tập cho bé nếm thử nhiều mùi vị khác nhau ngay từ khi con còn bé. Có thể mẹ sợ một số món ăn và không ăn được (như không ăn khổ qua vì sợ đắng) nhưng mẹ đừng nghĩ mình ăn không được thì con cũng ăn không được. Cho bé nếm càng nhiều vị khác nhau càng tốt, nhưng nhớ là mỗi thứ chỉ riêng lẻ và ở lượng rất ít. Bằng cách đó, bé sẽ có thói quen ít sợ món mới, dễ ăn, món nào ăn cũng được.

Khi bé đã ở tuổi ăn cơm tốt, bạn nên chuẩn bị mỗi bữa ăn nhiều món khác nhau, trong đó có món bé thích. Cách này giúp bé cảm thấy mình có nhiều lựa chọn và sau khi đã “măm” một chút các món mình thích rồi, bé vẫn có thể thử thêm vài món mới.

3. Tạo không khí bữa ăn tươi vui

Nếu bố mẹ ngồi vào bàn với vẻ thờ ơ, trẻ cũng sẽ bắt chước mà coi nhẹ bữa ăn. Trẻ tranh thủ ăn qua loa, sau đó chạy đi chơi tiếp chứ không muốn tập trung ăn, thưởng thức và cảm nhận vị ngon của từng món khác nhau.

>> Giải pháp:

Bạn nên tạo sự ngạc nhiên cho bé trong bữa ăn vì đối với trẻ con, chính những chi tiết nhỏ nhặt lại khiến chúng cảm thấy thích thú. Chẳng hạn, một món ăn bên những ngọn nến lấp lánh, nhiều sắc màu đủ tạo nên sự tò mò trong mắt trẻ. Một món ăn được trang trí sinh động sẽ khiến trẻ thèm.

4. Khuyến khích và khen ngợi con

Hầu hết trẻ đều rất nhạy cảm và thích thú với sự động viên, khen ngợi của mọi người. Chỉ cần bé làm được một chút thay đổi, dù nhỏ nhất, chẳng hạn như bé vẫn đòi ăn món cũ nhưng chịu “nếm” thêm 1-2 muỗng món mới, bạn cũng đã nên nhân cơ hội đó để khuyến khích, khen ngợi bé rồi.

>> Giải pháp:

Đề nghị con cùng bạn “thử một chút thôi” những món ăn mới. Không ép buộc và la mắng trẻ, thay vào đó nên chọn cách ăn trước mặt bé, khuyến khích con thử một muỗng thật nhỏ và không ngừng khen ngợi sự “can đảm” của con. Nhiều lần “nếm thử” như thế sẽ giúp bé nhận ra hương vị của món mới cũng không đến nỗi nào, từ đó giảm thiểu thói quen ăn đơn điệu.

5. Thử nấu nhiều kiểu khác nhau cho mỗi nguyên liệu

Khi thấy con có dấu hiệu “ghét” một loại thực phẩm nào đấy, bạn đừng vội bỏ cuộc ngay. Bởi lẽ, chỉ cần bạn linh động thay đổi kiểu chế biến khác nhau, con có thể lại thích thú món ấy.

>> Giải pháp:

Ví dụ như bạn muốn bé ăn khoai tây, hãy thử với nhiều cách: Khoai tây chiên, khoai tây nghiền, khoai tây cắt thành từng miếng nấu thành súp rau củ với cà rốt, su su… Bằng cách thay đổi như thế này, bé của bạn sẽ cảm thấy bữa ăn trở nên phong phú, đầy thú vị.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn