Khi bé ăn uống đơn điệu, thiếu chất, dinh dưỡng mất cân bằng, cơ thể bé sẽ “báo động” bằng những cách khác nhau sau đây.






1. Mỏi mệt

Con không linh hoạt như những đứa trẻ khác mà uể oải, chóng mệt. Để thay đổi, chỉ cần giúp bé thường xuyên cân bằng chế độ ăn uống, nhất là ăn bữa sáng thật đầy đủ chất.

2. Khó ngủ

Trẻ nhỏ rất dễ ngủ. Khi thấy con trằn trọc, khó ngủ, hay thức dậy lúc nửa đêm, bạn cần xem lại ngay chế độ ăn uống của con có ổn định, đa dạng, phong phú không.

3. Còi cọc, móng tay dễ gãy, rụng tóc…

Các protein rất cần thiết để thay mới các mô (tóc, da, móng tay...). Việc thiếu protein làm cạn kiệt nguồn dự trữ và ảnh hưởng xấu đến tình trạng của tóc, da và móng tay và màng nhầy. Ngoài ra, cơ thể thiếu vitamin A (cà rốt, rau xanh đậm màu, quả mơ), vitamin B (ngũ cốc, cá, sữa chua, trứng), vitamin E (trái cây sấy khô, dầu, mầm lúa), Kẽm (hàu, gia cầm, ngũ cốc và trái cây có dầu)… cũng dễ làm rụng tóc, gãy móng tay, còi cọc.

4. Táo bón

Táo bón là cách cơ thể “báo động” bé ăn uống mất cân bằng và quá ít chất xơ. Cách điều trị thật đơn giản: Cho con ăn nhiều rau, ăn nhiều trái cây, củ quả. Tuy nhiên, lượng chất xơ cũng cần cung cấp vừa đủ chứ không quá dư. Vì nếu ăn rau củ quá nhiều, bé dễ no ngang, không còn muốn ăn những chất khác và lại rơi vào vòng luẩn quẩn của thiếu chất.

Mẹ cần biết: Trái cây: Không phải càng nhiều càng… tốt!

Trái cây chứa những vitamin giúp bé tăng cường sức đề kháng, phát triển hoàn thiện mỗi ngày. Tuy nhiên, đừng cho rằng con mình ăn càng nhiều trái cây càng tốt.

Trẻ không nên ăn trái cây trước bữa ăn vì sẽ bị đầy bụng, no ngang, không còn “hứng thú” để ăn các món khác dẫn đến dễ thiếu chất. Bạn cũng nên chú ý rằng nhiều loại trái cây có hàm lượng đường cao (quả quá ngọt), hoặc hàm lượng axit cao (quả quá chua). Cho trẻ ăn nhiều những loại quả này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe chứ không phải càng ăn nhiều càng tốt như bạn tưởng.
Đừng chiều không đúng chỗ!

Khi thấy con ăn ngon miệng với một món nào đó, mẹ hay có xu hướng tâm lý rất mừng và ghi nhớ món này, nấu đi nấu lại nhiều lần trong tuần cho con ăn (với hi vọng con tiếp tục ngon miệng và sẽ ăn được nhiều hơn).

Tuy nhiên, cách làm đó không hoàn toàn đúng. Tập cho trẻ làm quen với nhiều loại thực phẩm khác nhau là rất quan trọng. Vì vậy, cho dù thấy bé hứng thú đặc biệt với một món thì bạn cũng đừng khăng khăng tập trung nấu món ấy. Cần giúp trẻ quen thêm nhiều món mới. Mẹ cũng có thể kết hợp món ăn bé thích với các loại thức ăn khác cho bé làm quen.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn