Các mẹ thường gần gũi con gái, mong muốn con gái sau này khéo léo, đảm đang, làm bếp giỏi, vừa phụ giúp ba mẹ vừa được nhiều chàng trai quý mến. Một trong những cách để có được điều đó là ngay từ bây giờ, các mẹ hãy cho bé cùng vào bếp với mình nhé!







Vào bếp cùng mẹ sớm sẽ giúp bé gái thêm đảm đang​


Lợi ích từ việc mẹ cho bé gái vào bếp
- Giúp bé gần gũi, quấn quýt bên mẹ, thắt chặt tình cảm mẹ con.
- Bé sẽ khôn lớn dần theo thời gian, học được nhiều kỹ năng tốt cho đôi tay, sự khéo léo, nhanh nhẹn, linh hoạt.
- Bé sẽ quen và yêu việc làm bếp, không ngại vào bếp, lớn lên sẽ trở thành người đảm đang việc gia đình.
- Bé sẽ học được tính tự lập, trở nên tự tin hơn.


Với những lợi ích đó, các mẹ nên tạo thói quen cho con vào vào bếp cùng mình nhé. Tuy nhiên, cần lưu ý những nguyên tắc sau:

1. Cho bé đi chợ, siêu thị cùng mẹ

Vào những ngày cuối tuần hay buổi tối rảnh rỗi, bạn nên dẫn bé di chợ, đi siêu thị cùng với mình. Được cùng mẹ chọn các nguyên liệu nấu ăn, được mẹ giải thích về tên gọi, các món ăn chế biến từ nguyên liệu đó chắc chắn sẽ thu hút bé muốn vào bếp hơn.




Dạy bé cách chọn thực phẩm khi đi siêu thị. Ảnh minh họa​
2. Đừng bắt con làm ngay việc khó

Việc gì cũng vậy, dục tốc bất đạt, chưa kể ở tuổi lên 3-6, chắc chắn trẻ chưa thể đủ kỹ năng, sự khéo léo và cả nhận thức để làm được những việc bếp nặng nhọc, khó khăn. Vì vậy, tuần tự vi tiến, các mẹ nên tập cho bé làm từ những việc nhỏ, đơn giản trước, chẳng hạn nhờ trẻ lấy giúp mình cái chén, đôi đũa, nhặt rau cùng mình…

Ngay cả những việc nhỏ như vậy cũng có thể trẻ chưa thể làm tốt ngay từ lần đầu, do vậy các mẹ nên tập cho trẻ nhiều lần, trẻ sẽ quen và thành thục. Rồi sẽ đến những việc khó hơn chút nữa, từng bước một.

3. Giao “trách nhiệm” cho trẻ

Dù là việc bếp đơn giản, dễ dàng hay khó khăn, phức tạp, khi nhờ trẻ làm các mẹ nên nói: “Việc này mẹ giao con làm, con cố gắng làm tốt nhé”, hay: “Tuy việc này nhỏ thôi, nhưng con phải có trách nhiệm hoàn thành cho xong thì mới ngoan, mới giỏi nha!”. Khi các mẹ cho con biết con sẽ là người đảm trách việc bếp đó, phải có trách nhiệm với nó thì trẻ sẽ thấy hào hứng, tự hào và lo tập trung làm tốt hơn.

Bạn nên may, mua cho bé chiếc tạp dề nhỏ để bé hào hứng, cảm thấy giống người lớn hơn khi vào bé.

4. Bày ra thì phải biết dọn dẹp




Dạy bé thói quen ngăn nắp, gọn gàng sau khi làm bánh, nấu ăn xong. Ảnh minh họa​
Khi con làm bất kỳ việc bếp nào, nếu có sự bày ra bừa bộn thì sau khi làm xong, mẹ hãy bảo cùng mẹ thu dọn mọi thứ lại cho ngăn nắp nhé. Nếu việc đó đơn giản đến mức trẻ có thể tự làm thì các mẹ không cần giúp. Việc này sẽ dạy cho bé thói quen gọn gàng, ngăn nắp, làm đâu thì phải thu dọn sạch sẽ đến đó. Đây là một trong những kỹ năng rất quan trọng của người làm bếp giỏi.

5. Giám sát con để đảm bảo an toàn

Khu vực bếp núc có nhiều vật dụng có thể không an toàn cho trẻ, vì vậy, dù bất cứ trong hoàn cảnh nào hay làm bất cứ việc gì, các mẹ cũng cần quan sát con luôn luôn, dặn dò con cẩn thận và thay con làm những việc khó, nguy hiểm nhưng đụng đến dao kéo…
Theo Suckhoe

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn