Các bà mẹ hiện đại cho rằng muốn con tự lập và mạnh mẽ nên để chúng học cách tự vượt qua những vấn đề của mình. Ngay cả trong chuyện bé khóc, nhiều nghĩ cứ việc để mặc rồi tự khắc trẻ mệt lả và tự nín. Vậy nhưng điều này lại ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, sự phát triển thể chất và trí não của trẻ.






Tiếng khóc bản năng là ngôn ngữ đầu tiên của trẻ


Tiếng khóc của trẻ là một phản xạ mang tính bản năng và hoàn toàn tự nhiên.​
Mọi trẻ em trên thế giới đều sử dụng tiếng khóc làm ngôn ngữ đầu tiên khi muốn giao tiếp trước khi hình thành những âm bi ba bi bô. Nó xuất phát từ một phản xạ mang tính bản năng và hoàn toàn tự nhiên. Chính vì vậy, những gì đi ngược lại tự nhiên đều gây sự ức chế.

Về mặt sinh lý, trẻ nhỏ khóc nhiều và kéo dài có thể làm tăng hoạt động của hormone căng thẳng, đồng thời kìm hãm các hormone tăng trưởng. Theo các nhà nghiên cứu thuộc Trường y Harvard, các trẻ nhũ nhi sống trong sự căng thẳng kéo dài sẽ tác động mạnh mẽ đến xung não thần kinh và làm biến đổi các cấu trúc tế bào não, đồng làm suy giảm hệ thống miễn dịch.

Về mặt tâm lý, một đứa trẻ thường xuyên bị phớt lờ mỗi lúc khóc sẽ dẫn đến những ngộ nhận. Trẻ có thể hiểu chúng chỉ được quan tâm với những biểu hiện khác như cười hoặc các cử chỉ khua tay, múa chân. Dần dà, trẻ sẽ mất phương hướng trong việc quyết định loại phản ứng để biểu thị nhu cầu của mình.

Nên nhớ, cho dù khóc chỉ là một đòi hỏi cơ bản thì đó cũng là một nhu cầu cần được đáp ứng. Chưa kể, những lúc trẻ muốn thông báo về một trạng thái bệnh lý trầm trọng hơn. Vì vậy, bố mẹ cần tỏ ra sự quan tâm, hỏi han mỗi khi trẻ cất tiếng khóc để trẻ có được cảm giác an toàn, tránh dẫn đến những rối loạn cảm xúc.


Quan tâm đúng mực đến tiếng khóc của trẻ.
Tuy nhiên, quan tâm đến tiếng khóc của trẻ không đồng nghĩa bạn phải ngay lập tức chạy bổ đến vỗ về con mỗi lúc nó cất tiếng khóc. Trẻ con có thể trở thành những “ông vua” của cả nhà nếu mọi nhu cầu của nó đều được đáp ứng ngay tức thì.

Nói tóm lại, bằng sự quan tâm đúng mực với tiếng khóc của trẻ, bố mẹ sẽ giúp con tránh khỏi những trạng thái trầm cảm, có được những cảm xúc lành mạnh để phát triển các cung bậc xúc cảm phức tạp hơn trên hành trình của sự trưởng thành.

Ảnh hưởng xấu đến tiến trình phát triển ngôn ngữ

Điều này là một thực tế bố mẹ cần nhìn nhận. Hãy thử nghĩ, khi muốn bày tỏ một nhu cầu hoặc sự khó chịu, nhưng không ai muốn nghe điều đó. Hẳn bé sẽ cảm thấy mọi người quay lưng lại với những gì mình muốn bày tỏ. Dần dà, trẻ ngại bộc lộ những điều ấy và không cố gắng để lắng nghe, bắt chước những âm thanh và phát thành tiếng để giao tiếp. Hơn thế, khi bố mẹ thờ ơ với tiếng khóc của trẻ, họ sẽ bỏ đi nơi khác mà không lại gần hỏi han để hiểu được bé muốn gì. Vì thế, họ cũng không thể tập cho bé phát âm được các từ nó cần nói. Chính những căn nguyên này đã khiến trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, gặp khó khăn trong giao tiếp bằng các từ ngữ, câu cú.

Rối loạn cảm xúc


Trẻ luôn muốn người khác chú ý và khóc là một phương thế thực hiện điều đó.​
Khi tiếng khóc là một biểu hiện của tâm trạng xấu thì hành động phớt lờ tiếng khóc sẽ bị đánh đồng là điều gì vui không được người lớn chú ý. Theo các nhà phân tâm học, trong những năm đầu đời, trẻ con luôn muốn người khác dồn sự chú ý về phía mình giống như thể mọi người chỉ được nhìn thấy nó chứ không phải cái gì và không phải ai khác. Chính vì vậy, trẻ sẽ chọn lựa cách gây sự chú ý khác khi tiếng khóc trở nên phản tác dụng. Đứa trẻ vẫn phải lớn lên với những chống chọi nội tâm bằng sự dồn nén các xúc cảm tự nhiên. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến những hành vi lệch lạc và một tâm hồn rối loạn cảm xúc.

Hình thành cảm xúc tiêu cực

Một đứa trẻ bị chối từ quá nhiều với tiếng khóc, nó sẽ tự cho rằng trong mắt bố mẹ, chúng không quan trọng, chẳng mang chút giá trị gì. Chúng sẽ lớn lên với suy nghĩ đầy mặc cảm và tự ti. Kéo theo đó, chúng sẽ hạn chế sự giao tiếp với thế giới bên ngoài và sống trong vỏ bọc của chính mình. Điều này thực sự nghiêm trọng khi trẻ đến tuổi dậy thì với những thay đổi lớn từ tâm sinh lý. Vì vậy, bố mẹ cần phải có những nguyên tắc cư xử phù hợp để trẻ vừa nhận ra được sự quan tâm của bạn dành cho nó vừa thấy được nó cần học cách để trở nên rắn rỏi.

Tạo nên những đứa trẻ lãnh đạm

Một đứa trẻ được nuôi dưỡng bằng gì sẽ lớn lên bằng điều ấy. Nó mặc nhiên nhìn nhận thế giới chỉ cần sống cho chính mình khi bản thân nó không nhận được sự quan tâm. Vì thế khi nhìn ra bên ngoài, với những người cô đơn, vất vưởng nó cũng sẽ chai sạn cảm xúc thương cảm. Bạn sẽ khó khăn hơn để dạy con phải biết yêu thương, chia sẻ và quan tâm đến người khác trong khi những lúc con bạn khóc lại thường bị bỏ rơi. Và nếu như mọi đứa trẻ đều trở nên thờ ơ với tất cả hẳn thế giới này cũng trở nên lạnh lẽo đến ghê sợ.

Không ai muốn các con mình trở nên những kẻ ủy mị, nhất là những đứa trẻ của thời hiện đại. Nhưng cũng đừng vì thế mà chọn cho mình cách cư xử thái quá khi bỏ rơi tiếng khóc của một đứa trẻ. Nên nhớ, trước khi bạn muốn con đứng vững hãy cho nó đôi chân thật khỏe mạnh.
Theo Eva.vn

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn