Những năm tháng đầu đời có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cả bé lẫn bố mẹ. Chính trong thời gian này, bé sẽ đạt đến những cột mốc phát triển vượt trội từ thể chất đến trí tuệ để sẵn sàng cho những khám phá mới ở giai đoạn tiếp theo.






Trẻ 1 tháng tuổi


Bé sẽ để ý nhiều đến gương mặt bạn nếu bạn cố gắng nhìn ngắm gương mặt thiên thần của bé.
Bé sẽ để ý nhiều đến gương mặt bạn nếu bạn cố gắng nhìn ngắm gương mặt thiên thần của bé đấy! Đơn giản vì mọi vật xung quanh bé chỉ ở trong phạm vi từ 20-38cm mà thôi! Thế nên, thay vì tất tả với những việc vặt hoặc cảm thấy bối rối với những sự khởi đầu lạ lầm trong vai trò mới, hãy cùng bé yêu tận hưởng những khoảnh khắc thư giãn bên nhau nhiều hơn nhé! Chỉ cần bạn áp sát mặt mình gần bé hơn và thỏ thẻ một câu hát ru trìu mến là quá đủ để bé cảm thấy yên tâm rồi!

Trẻ 2 tháng tuổi

Bé sẽ bắt đầu điều khiển đôi tay của mình và phóng tầm nhìn xa hơn. Do đó, mẹ hãy nắm lấy tay bé, tập cho đôi bàn tay vỗ vào nhau trên nền những bài hát ngộ nghĩnh của mẹ. Các động tác này sẽ dần trở nên thuần thục và giọng nói của mẹ cũng sẽ trở thành những vật liệu xây dựng nền tảng ngôn ngữ cho bé về sau đấy!

Do thị lực lúc này đã phát triển hơn nên bé có thể quan sát được nhiều hơn và ở khoảng cách xa hơn. Các biểu cảm trên gương mặt của bạn hoặc những ai bé thường xuyên tiếp xúc sẽ được ghi lại trong bộ nhớ và não bộ sẽ sử dụng chúng để giúp bé có được khả năng bắt chước trong những tháng tiếp theo. Sẽ rất nhanh, bạn có thể nhìn thấy bé nhăn mặt, cười toe hoặc chau mày đấy!

Trẻ 3 tháng tuổi

Đôi tay của bé đã trở nên linh hoạt hơn. Chúng sẽ trở thành một trò vui với trẻ. Bé không ngừng nghịch tay, quơ vào tất cả đồ vật trong tầm với. Lúc này, mẹ hãy bắt đầu giúp bé kết hợp chuyển động của đôi tay và đôi mắt bằng cách cho bé với bắt lấy những chiếc lục lạc trên tay bạn. Hãy khích lệ bé nằm trên bụng thay vì trên lưng để hoạt động cơ được linh hoạt hơn. Thời gian này, bạn cũng nên cho bé làm quen với mình trong gương để hình thành những bài học giao tiếp cơ bản nhé!

Trẻ 4 tháng tuổi

Đây chính là mốc phát triển quan trọng từ nhận thức đến ngôn ngữ. Một số bé đã bắt đầu phát ra những tiếng “bi ba bi bô” như một cách để giao tiếp hoặc phản ứng lại với những phát hiện mới của mình chẳng hạn thấy đồ vật bỗng dưng sáng lên và làu bàu cau có khi bạn cố lấy đi món đồ bé đang chơi. Phản xạ nhột khi bị kích thích cũng xuất hiện trong giai đoạn này, vì thế nếu muốn thử xem bạn có thể cù léc vào chân hoặc nách bé.

Trẻ 5 tháng tuổi

Mắt và tai của bé lúc này đã đạt đến mức hoàn thiện gần như người trưởng thành. Thỉnh thoảng bố mẹ sẽ nghe bé nói bập bẹ “ba ba, ma ma”. Để khuyến khích bé phát triển ngôn từ nhanh hơn, những lúc bé phát âm hãy tiếp nhận ngay và lặp lại những từ bé vừa nói, đồng thời bổ sung thêm những vốn từ đơn giản cho bé. Gọi tên những con vật, đồ chơi bé thường tiếp xúc cũng là cách hay để bé phát triển ngôn ngữ. Ngoài ra, mỗi tối bạn có thể dành ra 5-10 phút để đọc cho bé nghe những mẩu chuyện lý thú như một cách giúp bé làm giàu thêm vốn từ cho mình.

Trẻ 6 tháng tuổi



Bé 6 tháng tuổi đã có thể ngồi vững và di chuyển thân mình nhiều hơn. ​
Lúc này bé đã có thể ngồi vững và di chuyển thân mình nhiều hơn. Hãy khuyến khích bé vận động bằng cách đặt một món đồ chơi phía xa và cho bé được với người đến lấy. Nhiều bé trong giai đoạn này đã mọc những chiếc răng đầu tiên của mình nên thường hay gặm nhắm mọi thứ có được. Vì thế, để đảm bảo bé không nuốt dị vật, hãy cho bé chơi những món đồ lớn hơn khuôn miệng bé. Đồng thời, luôn vệ sinh sạch sẽ các vật dụng bé hay cầm nắm và đem gặm.

Trẻ 7 tháng tuổi

Kỹ năng với để chụp bắt món đồ mình muốn đến thời điểm này đã phát triển gần như hoàn thiện. Chỉ trong ít tháng nữa thôi, bé sẽ vòng đôi tay ôm trọn đồ vật. Hãy tiếp tục tập cho bé phát triển kỹ năng vận động cơ thể để chụp bắt đồ hoặc bạn có thể giấu một món đồ chơi bé yêu thích và cùng bé đi tìm chúng.

Trẻ 8 tháng tuổi

Đây chính là khoảng thời gian để ngôn ngữ của trẻ tiến viết tiếp những bước tiến mới. Trẻ bắt đầu sẽ cảm nhận về không gian và xác định vị trí nhiều hơn nên bạn cần tạo ra sự kích thích. Bạn có thể kiểm tra khả năng nhận thức của trẻ về vị trí bằng cách cho trẻ soi gương và quẹt lên trán bé một ít màu, bé dùng tay lau đi vết màu trên trán chứng tỏ bé bắt đầu nhận thức về vị trí các bộ phận trên cơ thể mình. Ngược lại nếu bé vẫn chùi vết bẩn trong gương chứng tỏ bé còn đang trong quá trình đạt đến nhận thức. Hoặc bạn có thể kết hợp cho bé vận dụng cả hai nhận thức bằng cách hỏi xem “Mắt, mũi, miệng… bé đâu”. Trong lúc xác định vị trí bé sẽ học thêm được nhiều từ vựng căn bản.

Trẻ 9 tháng tuổi

Bé bắt đầu tò mò với những đồ vật tháo lắp hoặc có thể kéo ra kéo vào. Hãy chắc chắn mọi đồ vật quan trọng của bạn đã được cất giữ ở nơi an toàn và các cánh cửa đã dán miếng mút bảo vệ nhé! Tuy nhiên, đừng quá ngăn cản bé đến với những trò chơi tháo lắp và đóng mở vì chúng là một bài học rất tốt giúp phát triển trí não và cả kỹ năng phối hợp tay – mắt đấy!

Trẻ 10 tháng tuổi

Bé quan tâm nhiều hơn với những gì “cố tỏ ra bí ẩn”. Bạn để ý mà xem, khi bạn cố cất món đồ nào đó, bé sẽ càng tò mò đi theo và lấy nó ra cho bằng được. Thay vì cứ phải giấu giếm khổ sở như thế, bạn hãy cùng bé chơi trò “Nó đâu rồi” để giúp bé phát triển. Hãy chôn một món đồ có màu sắc bắt mắt dưới ụ cát trắng đồ chơi và cho trẻ đặt tay lên đó. Sau đó, bạn lại giấu chúng đi và yêu cầu bé tìm thấy. Hãy tin rằng, trò này với trẻ cũng chẳng phải thách đố gì to lớn!

Trẻ 11 tháng tuổi

Dạy cho bé nhiều bài hát khác nhau và kể cho bé những câu chuyện có kết cấu rõ ràng để giúp trẻ tiếp tục phát triển ngôn ngữ. Hãy để bé được ra ngoài và gặp gỡ với nhiều người, chơi với nhiều trẻ khác nhau thay vì nhốt chúng ở nhà và bật ti vi lên hoặc cho chúng tự cầm lấy những thiết bị công nghệ hiện đại. Những phương tiện này sẽ chỉ càng khiến trẻ lười tư duy và biếng vận động hơn mà thôi! Song song với tất cả, đừng để bé tự độc thoại mà hãy trở thành những người cùng đối thoại với bé.

Bé tròn một tuổi



Một số trẻ 12 tháng đã có thể bước đi chập chững.​
Một số trẻ đã có thể nói rõ được từng từ một và thậm chí còn có thể bước đi chập chững. Đôi tay và đôi mắt đã bắt đầu hợp tác ăn ý với nhau. Bé đã hoàn toàn sẵn sàng cho những khám phá trước mắt ở giai đoạn tiếp theo.

Kết

Hành trình 12 tháng với trẻ không phải quá dài nhưng lại đánh dấu những mốc phát triển quan trọng đầu đời. Từ những chiếc răng đầu tiên, lần lẫy người đầu tiên, lần bò đầu tiên, tiếng nói đầu đời, bước đi đầu đời… tất cả đều mang một ý nghĩa to lớn, đánh dấu sự phát triển nhận thức và kỹ năng vận động. Tuy nhiên, với mỗi trẻ khác nhau, những bước tiến này cũng có sự nhanh chậm khác nhau. Do đó, bố mẹ không nhất thiết phải rập khuôn hoặc so sánh với những trẻ khác mà hãy cùng con đồng hành với hành trình riêng của bé nhé!
Theo Yeutre

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn