Một sáng đẹp trời lượn lờ trên mạng, tôi bắt gặp cô bạn đồng nghiệp của tôi gào lên trên facebook: “Mình muốn phát rồ với con. Sao con bám mẹ quá vậy?” cùng với rất nhiều biểu cảm đau khổ. Status đó nhận được không biết bao nhiêu lượt like của các bà mẹ khác, với rất nhiều đồng cảm.






Dĩ nhiên, con cái thường bám mẹ hơn bất cứ ai trong gia đình. Chỉ có số ít đeo bám ba, một số khác bám bà, và hiếm hoi lắm mới có bé từ nhỏ đã không bám mẹ như keo dán sắt.

Bé thường bám mẹ khi cảm thấy lo lắng, sợ hãi...

Trường hợp người bạn đồng nghiệp của tôi, do hai mẹ con ở nhà tự chăm nhau từ khi bé mới sinh. Chồng cô ấy đầu tắt mặt tối đi làm kiếm tiền nên ít chơi cùng con. Ông bà nội ngoại ở xa không nhờ trông cháu được. Và cô ấy cũng thương con nên chấp nhận nghỉ không lương 6 tháng sau kỳ thai sản để ở nhà chăm con. Có lẽ quanh đi quẩn lại chỉ có hai mẹ con, và bé hơi nhút nhát nên bé bám mẹ quá mức bình thường: mẹ đi khuất mặt: khóc, ngủ dậy không thấy mẹ đâu: khóc, người lạ bế: khóc… sau bài khóc là nôn trớ. Mẹ cứ vừa phải bế dỗ con, vừa dọn dẹp bãi chiến trường con mới ói.

Tôi từng chứng kiến cô ấy phải vừa bế con, vừa lau nhà, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, và thậm chí là vừa ủi đồ vừa bế con. Cứ đặt con xuống, cho con chơi vài món đồ chơi, mẹ tranh thủ làm việc. Con khóc là lại bế con lên. Có lần, khi tôi gọi điện hỏi thăm, cô ấy phải vừa nghe điện thoại vừa bế con, và câu chuyện của chúng tôi ngưng nửa chừng do con cô ấy giành máy điện thoại trên tay mẹ. Chuyện cả hai mẹ con ôm nhau trong toilet cũng là điều bình thường. Bây giờ bé đã hơn 1 tuổi, đã biết đi, vẫn cứ lẽo đẽo bám nhằng nhẵng sau lưng mẹ và thường xuyên xảy ra tình trạng “vừa đi vừa khóc”.

Hoặc bám mẹ do bé nhõng nhẽo...

Vài người mẹ cùng tình cảnh này đỡ mệt hơn vì bé chỉ bám mẹ mỗi khi có mẹ ở nhà, khi mẹ đi làm thì bé vẫn chơi rất ngoan với ông bà hay người giúp việc. Nhưng riêng với đứa trẻ này thì nếu không có mẹ là bé sẽ gào khóc thảm thiết hơn. Và status trên là kết quả sau một lần đi chợ về, cô bạn tôi thấy con khóc đển lả người mà ba bé không dỗ được.
Giải pháp nào khả thi?

Thường thì mọi người sẽ kết luận ngay rằng trẻ bám mẹ là hậu quả của việc lúc con còn bé, mẹ ôm ấp, bồng bế, quấn quýt với con quá nhiều. Đó cũng là nguyên nhân mà các mẹ cần chú ý để đưa ra giải pháp thích hợp. Những bà mẹ “cá chuối đắm đuối vì con” vì yêu và cưng con quá đà nên lúc nào cũng để con trong tầm mắt, tầm tay của mình. Lâu dần sẽ tập cho con thói quen dính chặt lấy mẹ. Lúc này, có thể là tập cho con cách li dần khỏi mẹ bằng cách mẹ tách bé trong một khoảng thời gian phù hợp trong ngày, cho bé chơi chỗ đông trẻ em cùng lứa để bé tập thói quen giao tiếp sớm, cho bé làm quen với người khác để bé đỡ nhút nhát… Mưa dầm thấm lâu, dần bé sẽ đỡ quấn mẹ hơn.

Nhưng cũng có thể, bé bạm mẹ vì bé cảm thấy ở bên mẹ bé được an toàn

Khi đã lên kế hoạch giúp con đỡ bám mẹ, mẹ phải thật kiên trì và cương quyết. Các con dù rất nhỏ, nhưng rất nhạy cảm và khôn. Chỉ cần mẹ mềm lòng một lần là lần sau chúng sẽ… làm tới. Nhưng mẹ cứ yên tâm, sau một vài tuần căng thẳng, bé sẽ quen dần và bớt bám mẹ ngay thôi.

Đừng quá trách móc con khi con bám mẹ. Một đứa trẻ biết đòi hỏi chứng tỏ chúng khôn sớm. Tình trạng bám mẹ sẽ giảm dần theo thời gian, theo thói quen. Hoặc là bạn tập dần cho con tự lập, hoặc hãy cho con thời gian để con cảm thấy yên tâm hơn ngay cả khi không có mẹ bên cạnh.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn