Khi con đã hào hứng làm việc nhà mà các cha mẹ lại "dội nước đá" vào con thì cái niềm phấn khởi ấy sẽ nhanh chóng nguội tanh. Các cha mẹ nên khen ngơi con nhưng đừng khen quá đáng.





Ngày nay, rất nhiều gia đình chỉ có 1 con, công việc trong nhà cũng đơn giản, lại có sự trợ giúp của giúp việc nên hầu như trẻ em mẫu giáo thường chưa bao giờ phải làm việc nhà. Tuy nhiên, ở nước ngoài, hầu hết các gia đình đều sống riêng, tự lập, cha mẹ không dựa dẫm ông bà, con cái không dựa dẫm cha mẹ, giúp việc không có, hầu hết trẻ em đều phải tự làm việc nhà từ khi còn rất nhỏ.
Cho trẻ làm việc nhà, đối với phụ huynh phương Tây, không chỉ là một cách giảm bớt gánh nặng công việc trong gia đình mà đơn giản hơn, trẻ biết làm việc nhà sẽ học được rất nhiều thứ. Bởi theo họ, khi trẻ làm việc nhà trẻ biết được:
Cảm giác hoàn thành:
Đối với một số người, mỗi cảm giác hoàn thành là được bước thêm một bước lên đỉnh cao. Với trẻ em cũng vậy, nỗ lực hoàn thành một cộng việc và cảm giác tự mình hoàn thành nó sẽ tạo cho trẻ cảm giác tích cực. Bản thân trẻ cũng sẽ tự tin hơn với suy nghĩ: mình có thể làm được
Trách nhiệm:
Sau khi một đứa trẻ biết cách lau nhà rồi, và cho rằng mình đã chinh phục, đã có “cảm giác hoàn thành”. Điều gì khiến trẻ sẽ tiếp tục làm việc? Đó chính là trách nhiệm. Hãy nói với con, bé là một thành viên trong gia đình, mỗi người một nhiệm vụ, một trách nhiệm và bé cũng vậy. Điều này cho con cảm giác về trọng trách và vị trí bản thân.
Lòng biết ơn:
Biết mọi người đã vất vả như thế nào để hoàn thành công việc sẽ cho trẻ không còn cảm giác “đương nhiên người lớn phải làm”. Cho con làm việc nhà cũng là cung cấp cho bé cơ hội để trải nghiệm giá trị cuộc sống, biết ơn mọi người, cha mẹ ông bà, hành động giáo dục này trị giá hơn cả ngàn câu nói dạy dỗ.

Trẻ có thể học được rất nhiều điều qua thói quen làm việc nhà (ảnh minh hoạ)
Gắn bó với gia đình:
Cha mẹ cũng có thể tạo cho con cảm giác gắn bó với gia đình bằng cách để cho con tự chọn việc nhà mà con thích làm. Hãy cố gắng đưa ra một danh sách thật nhiều việc nhà để con lựa chọn và cho cả bạn nữa. Bạn có thể sẽ phải dành thời gian để hướng dẫn trẻ làm việc nhà. Nhưng một khi con bạn đã nắm rõ mình phải làm gì thì những điều đó sẽ theo suốt chúng cho tới khi trưởng thành. Hãy chỉ cho con thấy rằng mỗi người đều phải có trách nhiệm với mọi việc và đừng ngại ngùng cho con thấy có lúc bạn cũng mệt mỏi vì công việc.
Vậy cha mẹ nên giao việc cho con như thế nào cho phải?
Dạy con làm việc nhà từ rất sớm
Càng dạy sớm, việc con làm càng nhanh chóng trở thành thói quen. Các con nên được bắt đầu với những nhiệm vụ khả thi đơn giản như bỏ rác vào thùng, đi "chợ" (sang nhà bác hàng xóm mua gói muối về chẳng hạn)...
Không chê bai nếu con làm không tốt
Khi con đã hào hứng làm mà các cha mẹ lại "dội nước đá" vào con thì cái niềm phấn khởi ấy sẽ nhanh chóng nguội tanh. Các cha mẹ nên khen ngơi con nhưng đừng khen quá đáng. Chỉ cần thái độ ngạc nhiên theo kiểu: "Ơ, con làm được à, ở tuổi con, mẹ chưa làm được đâu"... cũng đủ làm các bé vô cùng sung sướng và hãnh diện rồi.
“Hãy chú ý đến mục đích của việc giao việc nhà cho trẻ:
Đó là để dạy con, để con được làm điều đó, làm một mình và làm thành công. Đừng giao việc quá đơn giản, cũng không nên quá nặng nhọc, càng không được làm giúp con. Trẻ con ở từng độ tuổi đã có thể làm được nhiều việc vừa sức rồi:
- 9-24 tháng: Mẹ có thể cung cấp cho trẻ làm một số việc đơn giản, chẳng hạn như để cho bé ném tã bẩn vào thùng rác.

- 2-3 tuổi: Dưới sự chỉ đạo của mẹ, cho trẻ tự ném rác vào thùng rác, hoặc có thể cầm giúp một cái gì đó khi bố mẹ yêu cầu giúp đỡ, giúp mẹ phơi quần áo, sử dụng nhà vệ sinh; đánh răng; làm vườn, ban đêm trước khi đi ngủ biết tự cất dọn đồ chơi
- 3-4 tuổi: Sử dụng nhà vệ sinh thành thạo; rửa tay; đánh răng; dọn giường sau khi ngủ dậy, dọn bát đũa vào bếp sau bữa ăn cho mẹ rửa, gập quần áo cất vào tủ, quần áo bẩn biết tự bỏ vào giỏ đồ bẩn.
- 4-5 tuổi: Không chỉ quen và thành thạo những công việc ngày nhỏ, trẻ cần biết tự dọn bàn ăn, dọn giường. Sáng dậy biết tự mặc quần áo.
- 5-6 tuổi: Giúp mẹ lau bàn, ghế, quét nhà, lau nhà.
- 6-7 năm: Biết rửa chén bát không cần cha mẹ hỗ trợ
- 7-12 tuổi: biết dọn nhà tắm, sử dụng máy giặt, đổ rác.
- 13 tuổi: biết sử dụng bếp, lò vi sóng, nấu ăn, sửa chữa một số vật dụng nhỏ.
Ghi nhận công sức của trẻ:
Ở mọi nơi mọi lúc, khi nói đến việc nhà là nhấn mạnh tầm quan trọng của con. Tuy con có lúc lười biếng nhưng chắc chắn chúng đóng góp công sức rất nhiều. Vì thế, nếu chúng cứ âm thầm làm mà không được ghi nhận thì chúng sẽ chóng oải thôi.
Theo Phununew

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn