Bạn nghĩ ai sẽ là người dạy cho trẻ biết yêu thương? Nếu bạn muốn trực tiếp chỉ dạy cho con trẻ về lòng yêu thương thì hãy tham khảo những cách tuyệt vời dưới đây.






Ảnh minh họa.
Khi xem phim hoạt hình Tom và Jerry, mỗi lần mèo Tom bị chuột Jerry đánh bầm dập thì cô con gái năm tuổi của tôi lại thích thú reo hò. Hình như đó là phản ứng bình thường của những người xem loạt phim này. Liệu phản ứng đó có đúng và hợp lý không? Có lần tôi hỏi con: “Vì sao con thấy thích khi mèo Tom bị ăn hiếp?”, con gái trả lời ngay: “Tom đâu có bị ăn hiếp, chỉ có Jerry mới bị ăn hiếp chứ! Jerry trả thù là phải rồi”. Tôi giải thích cho con hiểu: “Phim Tom và Jerry thể hiện câu chuyện một kẻ nhỏ yếu hay bị kẻ mạnh hơn dọa nạt, tấn công, nhưng nhờ thông minh hơn, chuột Jerry thường giành chiến thắng. Đó là chuyện trong phim, chứ còn ở ngoài, chuột là loại gặm nhấm có hại cho con người, còn mèo là vật nuôi có ích, giúp con người bắt chuột…”.
Như vậy, trong một hình tượng nhưng thái độ yêu ghét có thể hoàn toàn trái ngược nhau, tùy thuộc vào góc nhìn. Do đó, trước khi con đủ lớn để tự nhận biết thì cha mẹ phải giải thích, định hướng một cách cặn kẽ, nếu không có thể gây ngộ nhận hoặc lệch lạc.
Anh bạn tôi có lần kể, con anh rất “kết” nhân vật Chaien trong truyện tranh Doreamon. Anh hỏi vì sao thì con trả lời, do Chaien mạnh mẽ, thương em và nhất là… hay đánh đòn Nobita vì cái tội “hậu đậu”. Câu trả lời của con làm anh giật mình. Mạnh mẽ, yêu em là rất quý, thích là phải rồi, nhưng chuyện hay ăn hiếp Nobita cũng là một “ưu điểm” thì e là khó chấp nhận. Như vậy chẳng lẽ thằng bé ủng hộ bạo lực, cổ động cho lối “lớn hiếp nhỏ” với những lý do hết sức vu vơ? Sợ con có nhận thức lệch lạc, anh kiên trì giải thích cho con hiểu: Chaien cũng như các bạn khác, có nhiều tính tốt cần được biểu dương, cổ vũ, tức là có thể yêu quý Chaien ở mặt đó. Tuy nhiên, Chaien hay ỷ mình lớn, khỏe mà bắt nạt bạn là không tốt, dù bất kỳ lý do gì. Như vậy, cái yêu và cái ghét của trẻ có thể biểu lộ một đặc điểm về tình cảm, về tính cách, về thái độ, nếu cha mẹ không quan tâm và điều chỉnh khi có biểu hiện chưa phù hợp thì có thể dẫn đến nhiều điều không hay.
Trên thực tế, các mặt tốt xấu thường đan xen nhau, khó có thể đánh giá một cách rạch ròi là đối tượng đó thuần tốt hay thuần xấu. Cũng như trường hợp của nhân vật Chaien, không thể nói là cậu bé này chỉ có tốt hoặc xấu. Do đó, nên vạch rõ mặt hay mặt dở, cái tốt cái xấu để trẻ hiểu và có tình cảm đúng mực, cái nào tốt thì quý, ủng hộ, cái nào chưa tốt thì rút kinh nghiệm hoặc phê phán. Tương tự, trong cùng một đối tượng, một sự việc, lúc này thì tốt nhưng lúc khác lại xấu. Như mèo Tom có lúc quá quắt, luôn tấn công chuột Jerry nhưng cũng có lúc đoàn kết với Jerry, có lúc biết giúp đỡ kẻ khác… Vì vậy, không thể nhận định một cách tuyệt đối để chỉ có yêu hoặc chỉ có ghét mà phải biết phân biệt, chọn lọc.
Ngoài ra, khi yêu hay ghét cũng không thể thái quá, cực đoan. Yêu nhưng không được biến củ ấu thành tròn, ghét nhưng không được biến quả bồ hòn thành méo. Cần dạy trẻ biết trung thực, khách quan khi nhận xét, đánh giá về các sự vật, hiện tượng, người khác, không được thiên kiến, phiến diện, chủ quan. Chẳng hạn, khi nghe con nói ghét bạn nào đó vì bạn không cho xem bài thì rõ ràng cái ghét đó không hợp lý. Bạn không cho xem bài lúc kiểm tra hoặc thi thì ghét bạn là không nên, cần phải góp ý với con ngay; nhưng nếu bạn vì ích kỷ mà không cho con xem bài thì nên vạch rõ đó là quyền của bạn, dù không phải là cách tốt nhất, đồng thời nên chỉ cho con thấy đó là một kinh nghiệm, nếu con không giúp đỡ bạn thì có thể bạn khác cũng sẽ không thích con…
Cách biểu hiện yêu và ghét thế nào cũng cần đúng mực. Chẳng hạn không nên vì bạn không tốt với con mà con tẩy chay bạn, kêu gọi các bạn khác không chơi với bạn mà có thể vẫn cư xử tốt với bạn, giúp đỡ bạn để bạn hiểu mà thay đổi suy nghĩ; Cũng như không vì yêu quý bạn mà chỉ bài cho bạn lúc kiểm tra hay lấy trộm đồ của người khác để tặng bạn. Tức là, dù yêu hay ghét ai đó cũng cần có sự tôn trọng, bởi chính điều đó thể hiện tư cách của bản thân.
Nghệ thuật dạy trẻ biết yêu thương
Điều quan trọng nhất chính là giúp trẻ cảm thấy mình luôn được yêu thương, trước tiên là tình yêu, sự quan tâm của gia đình, họ hàng. Bất cứ ai cũng có thể phạm sai lầm nhưng cảm giác bị ghen ghét rất có thể khiến trẻ có những suy nghĩ lệch lạc.
Chú ý, lắng nghe trẻ là một giải pháp hay để trẻ cảm nhận rõ ràng sự yêu thương của cha mẹ. Sự chia sẻ nhẹ nhàng để tìm hiểu tâm trạng, hướng dẫn giải pháp hiệu quả cho con khi con gặp phải vấn đề nào đó (và phải nghiêm túc, cứng rắn khi cần để trẻ cảm nhận được “quy tắc” ứng xử của cha mẹ).
Cảm nhận được tình yêu thương, sự chăm sóc tận tình của cha mẹ, trẻ sẽ củng cố được sự tự tin và cảm giác an toàn cần thiết.
Ngoài ra, bạn cũng phải dạy cho trẻ hiểu rằng có rất nhiều cách để thể hiện tình yêu như: quan tâm, hỏi han mọi người, chia sẻ, giúp đỡ khi họ cần hay đơn giản chỉ là cố gắng chăm ngoan, học tốt để vui lòng ông bà, cha mẹ…
Chú ý, khi nói chuyện về vấn đề này cần sử dụng ngôn từ rõ ràng, dễ hiểu và nêu những ví dụ minh họa cụ thể. Việc đọc/kể cho con nghe những câu chuyện nêu gương rồi hỏi suy nghĩ, cảm nhận của trẻ, sau đó giảng giải nội dung cần thiết cũng có hiệu quả tích cực.
Tuy vậy, bạn cũng cần phải kiên nhẫn vì trẻ không thể hiểu được về tình yêu trong 1, 2 ngày. Đây có thể là vấn đề cần học tập suốt đời nhưng luôn ghi nhớ rằng tình yêu trong gia đình là yếu tố tác động trực tiếp và sâu rộng tới thái độ ứng xử ích cực của trẻ với người khác.
Theo Phununew

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn