Trước khi cha mẹ có ý định cho con ăn dặm theo kiểu Mỹ thì cần tìm hiểu kỹ phương pháp ăn dặm này có phù hợp với con hay không. Hãy bỏ túi cho mình những kiến thức sau.






Tìm hiểu kỹ phương pháp ăn kiểu Mỹ trước khi áp dụng cho con​

Ưu điểm của phương pháp ăn dặm kiểu Mỹ

- Đơn giản và khoa học: Ăn dặm kiểu Mỹ không quá cầu kỳ như nhiều phương pháp ăn dặm khác. Sự đơn giản khoa học được các mẹ Mỹ đặt lên hàng đầu.

- Tôn trọng đứa trẻ.

- Dạy trẻ tự lập khi còn nhỏ.

- Không áp đặt từng bữa ăn cho trẻ. Thay vì áp đặt “con ơi thức ăn này ngon lắm”, người mẹ sẽ hỏi con có thích món ăn đó không thông qua các biểu hiện trên mặt, tay chân.

Thời điểm ăn dặm tốt nhất

Theo các bà mẹ Mỹ, lựa chọn thời điểm ăn dặm quyết định rất lớn đến việc thành công hay thất bại trong quá trình tập ăn dặm cho bé. Nếu lựa chọn sớm, hệ tiêu hóa của bé chưa đủ lớn có thể dẫn tới các bệnh về tiêu hóa và gây áp lực cho bé. Còn nếu ăn dặm quá muộn thì có thể bỏ lỡ những dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.

Vì vậy, thời điểm các bà mẹ Mỹ cho con ăn dặm là khi trẻ được 4 tháng - 6 tháng tuổi. Thực đơn ăn dặm, độ loãng, đặc, sệt sẽ được tăng dần tùy theo từng tháng tuổi.

Mẹ Mỹ chuẩn bị những gì trước khi cho trẻ ăn dặm?

- Chuẩn bị tinh thần và sự am hiểu tâm lý trẻ: Các bà mẹ Mỹ không chỉ luôn giữ cho mình tâm trạng thoải mái, vui vẻ khi bước vào “cuộc chiến” ăn dặm mà còn tìm hiểu xem tâm lý, sở thích của con để đáp ứng tốt nhất.



Chuẩn bị ghế ngồi thật thoải mái cho bé khi ăn dặm​
- Ghế ngồi cho bé thật thoải mái.

- Sử dụng thìa nhựa thay vì kim loại để tránh làm tổn thương vòm miệng của bé.

- Chuẩn bị khăn, yếm và khăn trải cẩn thận.

- Lên kế hoạch thực đơn cho bé.

Quy tắc ăn dặm

- Mẹ Mỹ sẽ giới thiệu 1 loại thực phẩm cho bé trong vòng 3 ngày. Khi bé đã quen với thực phẩm này, mẹ mới bắt đầu chuyển sang thực phẩm khác. Nhờ vậy, mẹ sẽ biết được bé thích hay không thích, có bị dị ứng với thực phẩm này hay không.

- Nếu bé từ chối món mới ngay ngày đầu tiên, mẹ Mỹ sẽ không ép bé ăn ngay sau đó. Các mẹ sẽ cho bé thử lại sau vài ngày, vì có thể khi đó bé sẽ không ghét món ăn đó nữa.

- Trẻ sẽ được mẹ cho ăn cùng gia đình, vì đây là cơ hội để bé quan sát các thành viên khác và học cách ăn nhanh nhất.

- Không ngại khi bé ăn bừa bộn, thức ăn đổ ra quần áo, vì đây là một phần của quá trình học ăn.

- Mỗi ngày, mẹ Mỹ sẽ cho con ăn 3 bữa chính và 1 bữa phụ. Nếu bữa đầu bé ăn ít, thì ngay lập tức bữa sau bé sẽ đói nhanh và nhu cầu ăn cao hơn. Thời gian mẹ cho bé ăn không quá 30 phút. Dù bé ăn hết hay chưa hết thì việc ăn cũng sẽ dừng lại. Nhờ đó, bé sẽ từ bỏ thói quen mè nheo và đòi hỏi việc ăn uống từ mẹ.

- Theo các bà mẹ Mỹ, họ sẽ chịu trách nhiệm về việc cho con ăn gì, ăn ở đâu và ăn khi nào. Còn đứa trẻ sẽ quyết định ăn bao nhiêu, ăn hay không ăn, ăn như thế nào. Đây chính là thể hiện sự tôn trọng của cha mẹ đối với đứa trẻ, đồng thời, đứa trẻ cũng cần có trách nhiệm với việc làm của chúng.

Thực phẩm ăn dặm của mẹ Mỹ


Nên cho bé ăn thực phẩm giàu sắt như cá hồi​
Trong vòng 6 tháng đầu, các bà mẹ Mỹ sẽ cho trẻ làm quen với các thực phẩm giàu sắt như thịt, cá, đậu phụ, ngũ cốc, các loại rau củ quả. Trong đó, các loại rau củ sẽ được nấu mềm và xay nhuyễn như khoai lang, khoai tây, cà rốt, bí đỏ. Các loại trái cây như táo, lê, mơ cũng được xay nhuyễn, sau đó nấu chín. Với những loại trái cây mềm như chuối, bơ, mẹ Mỹ sẽ cho bé ăn bốc.

Ngoài ra, khi bắt đầu cho bé ăn dặm, thực đơn của trẻ sẽ là một thìa cà phê bột trẻ em + sữa mẹ (hoặc sữa công thức) trộn lại với nhau, sau đó cho bé ăn từ 1 - 2 lần sau bữa sữa của bé. Mỗi ngày, mẹ sẽ tăng thêm 1 - 2 thìa canh để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ở bé.

Khi bé bắt đầu làm quen với thức ăn đặc, lượng thức ăn sẽ được tăng nhiều hơn.

Những lưu ý khác khi cho bé ăn dặm

- Thực phẩm rau củ cho bé ăn phải được nấu mềm, xay nhuyễn kỹ.

- Mẹ nên mua những loại rau củ được làm sẵn bởi những công ty chuyên về dinh dưỡng cho trẻ thay vì tự làm như: cà rốt, củ dền, đậu cô-ve, súp lơ xanh, cải thảo... Vì nếu tự làm, có thể các loại thực phẩm trên vẫn chứa hàm lượng nitrates cao gây thiếu máu ở trẻ.

- Nếu bé vẫn đang bú, nên cho bé ăn thêm nhiều thịt, rau củ hơn trái cây.

- Tuyệt đối không ép, nài nỉ bé ăn. Nếu bé có biểu hiện không ăn, quấy phá mẹ nên cho bé bú hay uống sữa như cũ. Qua bữa sau, mẹ từ từ cho bé học ăn dặm tiếp.
Theo Phununew

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn