Ăn dặm là một giai đoạn dinh dưỡng quan trọng đối với bé, khi bé chuyển từ ăn sữa hoàn toàn sang ăn thức ăn. Với trẻ nhỏ, hệ miễn dịch và tiêu hóa của bé còn non nớt do vậy việc chuẩn bị thức ăn cho bé cần hết sức cẩn trọng, tuy vậy mẹ không nên quá căng thẳng vì thực ra việc chuẩn bị thức ăn dặm cho bé lại dễ dàng hơn so với mẹ hình dung.






Khi bé được khoảng 6 tháng tuổi, bé đã sẵn sàng để mở rộng khẩu vị của mình và nếm những món ăn đầu tiên trong đời. Bạn luôn muốn tự tay chuẩn bị những thứ tuyệt với nhất cho con mình, và một trong số đó chính là những bữa ăn ngon lành cho con yêu. Hơn thế, với những bữa ăn do chính tay mẹ chuẩn bị, mẹ luôn biết được chính xác bé đang được ăn những gì và giá trị dinh dưỡng của nó, và tất nhiên các bữa ăn chuẩn bị tại nhà thì luôn tiết kiệm hơn là mua sẵn.

Nhiều bà mẹ băn khoăn là khi bé được 6 tháng tuổi, họ đã đi làm trở lại và thời gian dành cho con không còn được như trước, vậy làm sao có thể chuẩn bị được thức ăn cho con chu đáo nếu như không có người giúp việc? Bạn đừng lo, nấu ăn cho trẻ thực ra cũng không phức tạp hơn việc nấu nướng thông thường là mấy; vẫn chỉ là những nguyên liệu tự nhiên và giàu dinh dưỡng mà gia đình bạn vẫn dùng, chỉ khác ở cách chế biến mà thôi.

Đảm bảo an toàn thực phẩm

Chúng ta đều biết rằng việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong bếp nhà giúp bảo vệ chúng ta khỏi nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhưng khi bạn bắt đầu nấu nướng cho bé, việc này càng cần phải nâng cao hơn nữa vì hệ tiêu hóa và miễn dịch còn rất non nớt của bé.

Giữ sạch bếp núc: Bạn không cần phải khử trùng tất tật mọi thứ trong bếp, nhưng hãy luôn giữ tủ chạn và các vật dụng, thiết bị nhà bếp sạch sẽ. Tạo thói quen luôn rửa tay trước khi bắt đầu làm bếp. Giữ cho khăn lau, giẻ và bọt biển luôn sạch.

Tránh nhiễm bẩn chéo: Mầm bệnh có thể chuyển từ thịt cá sống sang các loại thực phẩm khác. Cất trữ riêng biệt các loại thực phẩm tươi sống trong ngăn riêng của tủ lạnh và rửa sạch tay, tủ chạn, thớt, dụng cụ và chén đĩa có tiếp xúc với các loại thực phẩm này. Nấu chín thịt, trứng và cá trước khi ăn, không cho trẻ ăn đồ tái sống.

Nhiệt độ bảo quản: Vi trùng và mầm bệnh sinh sôi mạnh nhất khi nhiệt độ ở giữa ngưỡng nóng và lạnh – tức môi trường ấm. Vì vậy, hãy giữ thức ăn ở mức lạnh hoặc nóng. Không để thức ăn của bé ở nhiệt độ phòng bình thường lâu hơn 2 giờ và đổ bỏ những thức ăn thừa để lâu quá giới hạn này.

Không dùng lại thức ăn thừa mà bé đã không ăn hết. Đừng tiếc bạn nhé! Một khi thìa thức ăn đã được đút vào miệng, nó có thể đem theo vi khuẩn từ miệng vào chỗ thức ăn còn lại và sinh sôi.

Cách chế biến từng loại bột ăn dặm cho bé

Một khi bạn bắt tay vào việc chế biến thức ăn dặm cho bé, bạn sẽ có rất nhiều câu hỏi xoay quanh việc này. Cẩm nang đơn giản này dành cho các bà mẹ có con trong giai đoạn ăn dặm – từ 6 đến 9 tháng tuổi.

Rau củ quả nấu chín

Củ cải, bông cải xanh, bông cải trắng, bắp cải, cà rốt, bắp ngô, đậu xanh, rau xanh, khoai tây, bí đỏ, bí xanh, củ dền, khoai lang, đậu hạt, táo, xoài, lê là những nguyên liệu phổ biến bạn có thể dùng để chế biến bột ăn dặm cho bé.

Các bước chế biến cơ bản:
1. Rửa sạch và bóc vỏ; loại bỏ hạt, cuống và lõi.
2. Hấp, luộc hoặc bỏ lò cho đến khi chín nhừ.
3. Thêm nước lọc hoặc nước dùng để tạo thành một hỗn hợp bột sệt.
4. Đựng trong hũ đậy nắp kín, trữ trong tủ lạnh hoặc ngăn đông.

Các loại trái cây nghiền nhuyễn không cần phải qua bước nấu chín.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn