Cũng giống như bất kỳ phương pháp ăn dặm khác, trước khi cho con ăn dặm theo kiểu Nhật, mẹ cũng cần phải tìm hiểu kỹ về phương pháp đó có phù hợp với con hay không.





Dưới đây là một vài câu hỏi thường gặp về phương pháp ăn dặm theo kiểu Nhật mà mẹ có thể tham khảo để sẵn sàng cho “cuộc chiến” ăn dặm mới của bé.


Mẹ cần tìm hiểu kỹ phương pháp ăn dặm theo kiểu Nhật có phù hợp với con hay không​

Ăn dặm theo kiểu Nhật có ưu điểm gì?

- Kích thích vị giác: Mục đích chính của ăn dặm theo kiểu Nhật chính là giúp con kích thích vị giác, có hứng thú với chuyện ăn uống và tạo thói quen ăn uống tốt. Khác với những phương pháp ăn dặm khác, ăn dặm theo mẹ Nhật không tập trung vào lượng thức ăn, mà tập trung và chất lượng bữa ăn và hướng dẫn thành công cách ăn uống cho con.

- Trẻ tự lập trong ăn uống: Sau một thời gian rèn luyện, bé có thể không cần mẹ đút hay ẵm đi khắp nơi để hoàn thành bữa ăn. Bé có thể tự ngồi, ăn và sử dụng thành thạo thìa.

- Không nhàm chán: Với từng bước tập cho bé ăn một cách khoa học và ăn từ thực phẩm lỏng tới mềm, cứng nên bé sẽ không bị nhàm chán trong quá trình học ăn.

- Hoàn thiện kỹ năng nhai.

Thời điểm cho con ăn dặm theo kiểu Nhật tốt nhất?

Sau khi bé tròn 100 ngày, mẹ có thể lên kế hoạch và tập cho bé ăn dặm theo kiểu Nhật. Thời điểm này, mẹ chỉ cho bé làm quen sớm với các hương vị thức ăn khác nhau ngoài sữa chứ chưa phải là bữa ăn chính. Lúc này, sữa mẹ vẫn là thức ăn chính của bé trong ngày.

Tập cho bé ăn như thế nào?

- Bé từ 3 – 5 tháng: Mẹ chỉ cho bé nếm hương vị và nhận biết hương vị thông qua cháo loãng, rau củ quả xay nhuyễn. Mỗi thứ mẹ cho bé nếm một chút chứ không chủ động cho ăn dặm ngay. Sữa vẫn rất quan trong đối với bé trong giai đoạn này.


Bé 7 – 8 tháng tuổi đã có thể ăn được rau củ mềm​
- Bé từ 5 – 6 tháng: Mẹ bắt đầu tập cho bé ăn cháo loãng, rau củ quả xay nhuyễn. Mẹ chọn các loại rau củ quả dễ tiêu bởi hệ tiêu hoá của bé còn yếu, nếu thực phẩm khó tiêu có thể khiến bé bị rối loạn tiêu hoá, ốm, sốt, đi ngoài… Thức ăn của bé trong giai đoạn này phải đuợc xay mịn, nhuyễn. Nếu bé không thích ăn, mẹ không ép bé và chờ thêm 2 – 3 ngày tiếp theo, mẹ cho bé thử lại.

- Bé từ 7 – 8 tháng tuổi: Mẹ bắt đầu cho bé làm quen với thực phẩm đặc hơn một chút như cháo đặc, thức ăn thô. Đây là giai đoạn mẹ cho bé làm quen với hương vị thức ăn hỗn hợp nên mẹ có thể cho bé ăn nhiều loại cùng thời điểm. Nhờ đó, mẹ sẽ biết bé thích loại thực phẩm nào hơn để cân đối bữa ăn trong những bữa ăn khác. Từ 7 – 8 tháng tuổi, bé nên được cho ăn dặm 2 bữa/ ngày + uống sữa.

- Bé từ 9 – 12 tháng tuổi: Lượng thức ăn cần được tăng lên sau mỗi bữa ăn và hình thức chế biến cũng cần phải thô hơn so với những giai đoạn trên. Thời điểm này, một số bé đã có thể nhai thức ăn được, mẹ nên cho bé tập nhai với rau củ mềm, cơm mềm để hoàn thiện kỹ năng nhai của bé.

Con có tăng cân nhanh sau khi học ăn dặm?


Bé sẽ tăng cân chậm vì mẹ cho bé ăn từ lượng nhỏ sau đó mới tăng dần

Trước khi cho con ăn dặm theo kiểu Nhật, mẹ cần xác định rằng, con sẽ tăng cân chậm trong thời gian đầu. Do phương pháp này tập trung vào việc hướng dẫn con ăn và nhận biết thực phẩm chứ không chú trọng vào số lượng thức ăn. Thời gian đầu, mẹ cho con ăn rất ít để con làm quen với thực phẩm và học cách cầm, bốc, nhai, nuốt. Sau một thời gian, mẹ mới bắt đầu tăng số lượng thức ăn.

Vì vậy, mẹ cần phải kiên trì theo đuổi phương pháp này. Sau khi vượt qua giai đoạn làm quen, con mới bắt đầu thích thú với chuyện ăn và tăng cân.

Mẹ phải chuẩn bị những gì trước khi cho con học ăn dặm?


Mẹ không ngại bé bẩn khi ăn dặm​
Mẹ cần phải chuẩn bị thời gian và sự quyết tâm. Phương pháp ăn dặm này cần rất nhiều thời gian để thành công. Mẹ phải thực sự quyết tâm mới có thể giúp con hoàn thành khoá học xuất sắc. Thậm chí, mẹ không đuợc ngại khi con bẩn, không ngại mất thời gian khi rửa ráy cho con sau mỗi lần học ăn. Đặc biệt, mẹ phải quyết tâm cho con học ăn dặm trước sự phản đối của người thân, vì không ít mẹ bỏ cuộc giữa chừng để yên chuyện trong nhà.

Gợi ý thực đơn ăn dặm cho bé

- Bé từ 5 – 6 tháng tuổi, mẹ cần đảm bảo thực đơn ăn dặm phải đầy đủ tinh bột (gạo, mì, khoai, chuối), đạm (đậu hũ, lòng đỏ trứng, sữa chua, pho mai), vitamin (củ cải, cà rốt, táo, cam, dâu, hành tây).

- Bé từ 7 – 8 tháng tuổi: Ngoài tinh bột, bé cần được bổ sung thêm yến mạch, mì ống, ngũ cốc, gan, gà, nấm…

- Bé từ 9 – 12 tháng tuổi có thể ăn thêm thịt bò, heo, sò…

Dưới đây là gợi ý thực đơn ăn dặm cho bé giai đoạn từ 5 – 6 tháng tuổi trong 1 tháng mẹ có thể tham khảo:


Thực đơn ăn dặm theo mẫu​
Mẹ cũng lưu ý, không nêm gia vị trong thức ăn, mỗi loại thức ăn sau khi chế biến cần để riêng để tránh bị lẫn mùi vị. Với thức ăn mới, mẹ cần phải cho bé thử nghiệm 3 – 4 ngày để bé làm quen như hình minh hoạ trên.
Theo Yeutre

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn