Mẹ hãy liệt kê các việc cần phải làm và cho trẻ cơ hội lựa chọn. Trẻ sẽ thấy mình không bị bắt ép mà được tự do lựa chọn những việc mình thích. Để đảm bảo tính công bằng, mọi thành viên trong gia đình đều có cơ hội lựa chọn số lượng việc cần làm.





Hiện nay trong nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình sống ở thành phố, bố mẹ hay lĩnh phần làm hết việc nhà hoặc khoán trắng cho người giúp việc. Cha mẹ thường đưa ra lý do là bố trí thời gian để con cái học hành và nghỉ ngơi.

Chính quan điểm này đã khiến cho trẻ trở thành những “cậu ấm, cô chiêu” chỉ biết hưởng thụ mà không biết làm việc. Thêm vào đó, do không được chỉ dạy cách làm việc, trẻ sẽ đánh mất cơ hội được rèn luyện những kỹ năng sống cơ bản. Từ đó làm nảy sinh ở các em thái độ ích kỷ, chỉ muốn người khác phục vụ mình.

Ngoài ra, việc bố mẹ lo lắng hết mọi công việc nhà đã vô tình làm mất đi một kênh giao tiếp thân thiện giữa bố mẹ và con cái. Chẳng những thế, nhiều khi vì khi làm việc mệt mỏi, bố mẹ hay bực bội, la mắng con cái dù các em chỉ gây ra một lỗi nhỏ. Điều này phát sinh hiểu lầm và làm trẻ nghĩ rằng cha mẹ ghét mình.
1. Dạy trẻ làm việc nhà sẽ giúp trẻ hiểu được giá trị của lao động

Dạy trẻ làm việc nhà sẽ giúp các em cảm nhận được giá trị tinh thần cũng như vật chất của lao động. Từ đó giáo dục trẻ biết quý trọng thành quả lao động của mình và của người khác.

Cũng theo quan điểm của chuyên gia tâm lý này, bố mẹ cần tập cho các em làm việc nhà từ những công việc phù hợp và vừa sức. Chính nhờ biết làm công việc nhà, sẽ tạo cho các em sự tự tin, thói quen làm việc và qua đó sẽ vun đắp thêm mối quan hệ thân thiết giữa bố mẹ và con cái. Khi cùng làm việc với cha mẹ, trẻ dễ dàng tâm sự cởi mở những chuyện mà các em quan tâm thắc mắc.
2. Chấp nhận những rủi ro mà các bé gặp phải khi làm việc nhà


Điều quan trọng là khi đưa các em tham gia vào làm việc nhà, bố mẹ phải chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra lúc đầu do các em chưa quen việc, chẳng hạn như gây ra những hư hỏng ngoài ý muốn, kết quả chưa được như ý. Do đó, thời gian đầu, tốt nhất bố mẹ nên hướng dẫn và cùng làm với con, đồng thời biết cách động viên, khen ngợi những kết quả công việc do em mang lại.
3. Không chê bai nếu con làm không tốt

Trong qua trình làm việc nhà chắc chắn trẻ sẽ không thể nào làm tốt như mọi ngày bạn vẫn làm, bố mẹ đừng vội chê bai trẻ khiến trẻ như bị "dội nước đá" vào niềm phấn khởi trẻ. Việc khen ngợi trẻ không nên kiểu chung chung hay khen ngợi con quá đáng. Đôi khi mẹ chỉ cần ngạc nhiên theo kiểu : "Ơ, con làm được à, ở tuổi con, mẹ chưa làm được đâu"... cũng đủ làm các bé vô cùng sung sướng và hãnh diện rồi.
4. Giúp con hiểu việc nhà là việc chung của mọi thành viên

Trong quá trình làm việc nhà, mẹ phải giúp bé hiểu rõ công việc nhà là việc chung của mọi thành viên trong gia đình và ai cũng cần phải có trách nhiệm.

Nếu bạn trả công cho con khi con làm việc nhà, con sẽ mặc định việc đó là của bố mẹ, khi con thích hoặc cần tiền thì con sẽ làm, không thì thôi. Càng về sau, khi cơn lười biếng dâng lên, con sẽ càng tức tối, khó chịu khi phải làm việc nhà. Đến lúc đó mọi lời dạy bảo trở nên đã quá muộn.
5. Cho trẻ tự chọn việc phải làm

Mẹ hãy liệt kê các việc cần phải làm và cho trẻ cơ hội lựa chọn. Trẻ sẽ thấy mình không bị bắt ép mà được tự do lựa chọn những việc mình thích. Để đảm bảo tính công bằng, mọi thành viên trong gia đình đều có cơ hội lựa chọn số lượng việc cần làm. Cho con chọn trước, sau đó yêu cầu tất cả mọi người thực hiện cho đúng. Dĩ nhiên, cũng cần có chút trọng số trong việc giao việc này.

Ví dụ: Nếu bố cũng đi đổ rác và quét sân thì con sẽ không cảm thấy khó chịu khi rửa bát. Hoặc tối nay con rửa bát thì tối mai mẹ rửa. Giao khoán hẳn một công việc cho trẻ thường sẽ khiến trẻ ghét công việc và bực bội.
6. Giao quyền cho trẻ


Ở một số công việc nhà, khi con đã đủ lớn, cha mẹ có thể giao cho con quản hẳn việc đó như kiểu quản gia. Con có quyền chia sớt việc thành nhiều công đoạn nhỏ và giao cho mỗi người một phần, cách đó sẽ khiến con cảm thấy mình được tôn trọng và sẽ có trách nhiệm cao với công việc được giao.

Ví dụ: Chuẩn bị Tết, khi con đã lên cấp 2, mẹ có thể giao cho con việc lên kế hoạch sắm Tết. Mọi thứ nên được lập kế hoạch nghiêm chỉnh ra giấy, ghi tên người thực hiển rõ ràng.

Sau khi con làm xong, mẹ cho ý kiến chỉnh sửa, hỏi toàn bộ các thành viên trong gia đình. Sau đó cứ theo bản phân công mà làm và giao cho con làm tổng chi huy. Các cha mẹ đừng lo, lũ trẻ sẽ làm việc nghiêm túc và trách nhiệm lắm đấy.
Theo Phununew

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn