Đối với trẻ còn bú, dưới 12 tháng tuổi, chúng ta dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực, một phương pháp đơn giản mà bất cứ người chăm sóc trẻ nào cũng làm được để cấp cứu tại chỗ khi bé bị sặc sữa





Vào lúc 15 giờ ngày 3/2/2015, mẹ của bé Nguyễn Thị Mỹ Ng, 3 tháng tuổi, nhà ở Bình Đại, Bến Tre, bồng bé Ng. vào bệnh viện Tiền Giang trong tình trạng bé bị tím tái, thở yếu. Bác sĩ nhanh chóng cấp cứu giúp thở, chích thuốc, truyền dịch cho bé Ng. Mẹ cho bác sĩ biết cháu đang bú mẹ, bỗng ho sặc sụa, tím tái, mẹ vội đưa đến bệnh viện ngay. Bác sĩ giải thích cho mẹ Ng. biết là tình trạng cháu rất nặng, nguy hiểm đến tính mạng, bệnh viện tập trung cứu chữa cho cháu với tất cả khả năng của mình.

Sau một tuần điều trị, cháu Ng. vẫn trong tình trạng hôn mê, phải thở máy liên tục, thỉnh thoảng cháu co gồng từng cơn, tay chân duỗi thẳng. Bà mẹ lo lắng hỏi bác sĩ tình trạng cháu sẽ như thế nào? Bác sĩ nói hiện tại cháu vẫn còn nặng, vì não đã bị tổn thương nhiều và lan rộng do thiếu dưỡng khí đến nuôi não kéo dài, nên sau này dù có phục hồi, cháu vẫn không thể trở về bình thường hoàn toàn, mà có khả năng bị di chứng bại não, tuy nhiên bệnh viện đang điều trị nhằm ngăn chặn sự tổn thương tiến triển thêm của tế bào não và phục hồi tối đa những phần não còn lại của bé Ng.

Đây là một trường hợp bé bị sặc sữa nặng mà chưa được sơ cứu đúng cách tại nhà. Về mặt chuyên môn, nếu não bị ngưng cung cấp oxy sau 5 phút thì tế bào não sẽ tổn thương không hồi phục. Các tế bào não lại không có khả năng tạo ra tế bào mới sau khi các tế bào cũ đã bị chết hoặc bị tổn thương. Như vậy, khi bé bị ngạt thở quá lâu thì khả năng bị tổn thương não và sẽ để lại di chứng thần kinh không nhiều thì ít. Trong trường hợp này, chúng ta cần nhanh chóng cung cấp oxy cho não ngay lập tức khi thấy bé bị sặc sữa mà có dấu hiệu ngưng tim, ngưng thở trong 5 phút đầu tiên, đó là khoảng thời gian vàng cho não. Đối với trẻ còn bú, dưới 12 tháng tuổi, chúng ta dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực, một phương pháp đơn giản mà bất cứ người chăm sóc trẻ nào cũng làm được để cấp cứu tại chỗ khi bé bị sặc sữa, chỉ cần vỗ lưng năm cái, ấn ngực 5 cái, cụ thể như sau:

Đặt trẻ nằm sấp, đầu để thấp trên cánh tay trái. Dùng lòng bàn tay phải vỗ vào lưng bé 5 lần, mạnh, nhanh, có hiệu quả. Vị trí vỗ ngay chính giữa xương sống, nằm giữa hai xương bả vai, nhằm tạo ra một áp lực ở ngực để tống sữa ra khỏi đường thở. Sau đó lật ngửa trẻ, nếu còn khó thở dùng 2 ngón tay ấn ngực 5 lần, vị trí giữa xương ức, nơi đường nối hai núm vú của bé kéo ngang. Chu trình này có thể lập lại 5 đến 6 lần vỗ lưng ấn ngực. Nếu bé thở lại được thì đưa vào cơ sở y tế gần nhất. Nếu sau 6 lần vỗ lưng ấn ngực mà bé vẫn chưa thở được thì phải thổi ngạt và bóp tim ngoài lồng ngực, làm liên tục kể cả trên đường chuyển vào bệnh viện.
Đề phòng bị sặc sữa, cần bồng bé bú ở tư thế đầu hơi cao. Trong trường hợp trẻ mệt do bị bệnh hoặc không muốn bú, sữa còn trong miệng thì phải dừng cho bú, không cố ép bé bú, sau khi trẻ khỏe lại thì cho bú từ từ một cách thận trọng. Sau khi bú xong nên bồng bé lên nằm gác trên vai hoặc ngực mẹ, vỗ lưng nhẹ để bé ợ bớt hơi trong dạ dày, tránh đầy hơi sẽ kích thích gây sặc. Nếu bé bú bình thì lỗ thông đầu vú không nên đục quá rộng, tốt nhất đục một, hai lỗ bằng đầu kim băng ở bên núm vú. Khi cho trẻ bú, nên nghiêng bình sữa khoảng 45 độ để sữa ngập lỗ thông đầu vú nhằm giúp bé không mút phải nhiềukhông khí, dẫn đến nôn trớ sau khi bú. Khi bé đang ngủ hoặc quấy khóc thì không nên cho bú, vì lúc đó bé rất dễ bị hít sữa vào trong đường thở.
Theo Suckhoevadoisong

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn