Với một số bố mẹ, cho bé đi ngủ là một nỗi lo thường trực vào mỗi tối. Bé cần ngủ bao nhiêu là đủ? Có thể đắp chăn cho bé và để bé ngủ cùng gấu bông không? Nào, chúng ta cùng đi tìm lời giải cho những câu hỏi này nhé!






Khi nào có thể cho bé ngủ với chăn đắp?

Môi trường tốt nhất để ngủ là vững chãi, yên tĩnh, tối và có nhiệt độ tương đối mát mẻ ổn định. Chăn thì không tệ, nhưng nó có thể dễ dàng góp phần làm trẻ bị xiết chặt và gò bó. Vì vậy, nếu đứa trẻ đủ thoải mái và ấm áp thì nên để trẻ ngủ một mình, đừng dùng thêm chăn.

Nếu nhiệt độ thấp dưới mức lý tưởng, phụ huynh có thể dùng thêm chăn cho con nhưng nên chọn các loại vải mỏng, cố định chăn bằng cách tém xuống dưới đệm và chỉ nên đắp vừa đến ngực trẻ. Bố mẹ cần lưu ý không bao giờ được để chăn phủ qua đầu trẻ.

Khi nào con tôi có thể được ngủ với thú bông và búp bê?

Có thể bé yêu của bạn nhận được chú gấu bông mềm mại đáng yêu này từ ông bà khi bé mới được sinh ra và bạn thì rất muốn con vui thích với món đồ chơi ý nghĩa này, nhưng liệu có an toàn khi đặt nó vào nôi của bé?

Theo các chuyên gia, những đồ vật có độ mềm và bông như gối, một số loại chăn bông, thú bông và đồ chơi được khuyến cáo là có nguy cơ cao đối với trẻ dưới 6 tháng. Khi đứa trẻ vô tình chèn những đồ vật này lên mặt mình trong lúc ngủ, nó sẽ góp phần vào nguy cơ tử vong trong giấc ngủ của trẻ. Độ tuổi cao điểm của nguy cơ tử vong trong giấc ngủ là từ 4 – 16 tuần tuổi.

Sau 8 tháng tuổi hoặc đến trên 1 tuổi, trẻ đã có thể cảm thấy âu lo với việc bố mẹ không ở sát bên khi đi ngủ, lúc này những món đồ chơi hay thú bông an toàn có thể được phép “ngù” cùng với trẻ để trẻ cảm thấy yên tâm hơn.
Làm sao để biết lúc nào con tôi sẵn sàng đi ngủ mà không phải ôm theo bình sữa?

Có hai vấn đề tách bạch trong câu hỏi này. Đầu tiên là nhu cầu ăn của trẻ trước khi đi ngủ. Hầu hết trẻ dưới 1 tuổi cần được ăn no trước khi đi ngủ nhằm duy trì năng lượng và kéo dài thời gian ngủ vào ban đêm. Một bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ cũng được khuyến khích cho những trẻ lớn hơn.

Dùng thức ăn để dỗ trẻ ngủ lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Sau 3-4 tháng tuổi, khi trẻ đã có thể thường xuyên ngủ từ 6-8 giờ vào ban đêm, vấn đề nghiêm trọng hơn vì điều này có thể vô tình làm trẻ bị lệ thuộc vào bình sữa hoặc vú mẹ để chìm vào giấc ngủ. Bố mẹ có thể cho trẻ ăn, sau đó đưa bé vào cũi khi đang lim dim nhưng vẫn còn thức; với cách này, khi trẻ thức dậy trong đêm, trẻ sẽ không đòi ăn để ngủ trở lại và giấc ngủ của bố mẹ không bị gián đoạn.
Khi nào con tôi không cần một giấc ngủ ngắn nữa?

Mọi đứa trẻ đều khác nhau, chuyện ngù trưa của chúng lại càng không đứa nào giống đứa nào. Một số trẻ 1 tuổi hiếu động không ngủ trưa (hoặc có những giấc ngủ vạ vật ngắn thay thế) trong khi một số trẻ 5 tuổi khác vẫn ngủ sau giờ học mẫu giáo sáng. Bố mẹ cần xây dựng cho trẻ một thời khóa biểu sinh hoạt theo ngày hợp lý và nhất quán, khi đó hầu hết trẻ em sẽ tự ngủ khi chúng thấy cần, nhưng một số trẻ thực sự cần ngủ lại không thể ngủ dễ dàng, điều này sẽ dẫn đến tình trạng suy nhược, mệt mỏi và mất tập trung ở trẻ.
Khi nào là an toàn để tắt thiết bị theo dõi trẻ?

Câu trả lời là bất cứ lúc nào bạn thấy thoải mái với việc đó, bởi đơn giản là hàng triệu trẻ em trên thế giới vẫn lớn lên bình thường khỏe mạnh mà đâu cần một thiết bị theo dõi nào.

Vậy có cần phải sử dụng thiết bị theo dõi cho bé sơ sinh vào ban đêm? Một thiết bị theo dõi trẻ sơ sinh phổ biến không thể phát tiếng động báo động khi trẻ ngưng thở, vậy nó thực sự chỉ có tác dụng báo cho phụ huynh khi em bé quấy phá mà thôi. Phụ huynh luôn có thể nghe và nhận diện tiếng khóc của con mình mà không cần một thiết bị theo dõi nào cả. Chúng thực sự không còn hữu dụng nữa.

Nếu thiết bị theo dõi được dùng để làm cầu nối khoảng cách – ví dụ mẹ ở ngoài vườn trong khi em bé đang tuổi chập chững ngủ trong nôi – nó vẫn có thể hữu dụng suốt cả những năm mẫu giáo của trẻ.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn