Có một thực tế là nhiều đứa trẻ dậy sớm kinh khủng. Vì trẻ nhỏ đặc biệt nhạy cảm với ánh sáng, nên ngay cả những tia nắng sớm mảnh mai yếu ớt nhất cũng có thể là tín hiệu báo cho não của bé rằng… trời sáng rồi đó!






Một mặt thì sự nhạy sáng này là cần thiết để các bé con của chúng ta dần thích nghi với cuộc sống ngoài bụng mẹ, giúp cơ thể bé điều chỉnh để hoạt động theo đúng nhịp sinh học. Nhưng trẻ sơ sinh cần ngủ ít nhất 10 tiếng rưỡi đến 11 tiếng mỗi đêm (bao gồm cả những lần thức đêm); và với giờ ngủ thường là 7 rưỡi tối, việc bé dậy sớm sẽ khiến khoảng thời gian quan trọng này bị rút ngắn lại. Không chỉ vậy, cảm giác bạn phải thức dậy pha cà phê, ăn sáng, cho con ăn, thay tã, chơi với con… trong khi thế giới vẫn đang say giấc nồng thật là không thoải mái chút nào.

Bạn có vài lựa chọn để kéo dài giấc ngủ của con vào buổi sáng, chẳng hạn như:

Lắp thêm rèm cửa hoặc đơn giản là treo một cái chăn / khăn dày che cửa sổ để tăng cường chắn ánh sáng len vào.

Cố gắng hiểu nhu cầu của con để có cách điều chỉnh

Nếu con bạn tỉnh giấc trước 6 giờ sáng và ọ ẹ thì hãy đợi vài phút để cố gắng hiểu và phân biệt tiếng khóc của con. Nếu con bạn chỉ ngọ nguậy, vặn người, tìm cách để tự ngủ lại, bạn có thể tạo điều kiện, giúp bé thoải mái làm điều này?

Nếu bạn có thể chịu đựng được việc để con ồn ào và chắc chắn rằng con không đói và cần ăn (hầu hết bé sơ sinh từ khoảng 6 tháng tuổi đã có thể ngủ suốt 8 tiếng không cần ăn mà vẫn phát triển khỏe mạnh bình thường) thì đừng bế con lên mà hãy chỉ đến kiểm tra và bảo với bé rằng trời vẫn còn tối, vẫn là giờ ngủ, và bạn sẽ ở ngay gần bé thôi. Việc làm này có thể khiến tiếng ọ ẹ trở thành tiếng khóc cho ra trò, nhưng nếu bạn phản ứng nhất quán và phù hợp, cách khoảng 5-10 phút lại vào xem thì bé sẽ hiểu được điều bạn muốn.

Hãy tìm cách dỗ dành con và chỉ bắt đầu một ngày mới khi đồng hồ chỉ 6 giờ, rồi thì cơ thể con sẽ hiểu và điều chỉnh lại được để chào buổi sáng vào đúng lúc hơn.

Cho bú đêm

Có khi cái bụng đói là thứ đã đánh thức con dậy, và cách giải quyết cho bạn là hãy chủ động cho con ăn. Trước khi bạn đi ngủ, hãy bế con lên khi bé đang ngủ, cho bú trong bóng tối và không hoàn toàn đánh thức bé dậy, rồi đặt bé lại vào cũi (lưu ý là thường phải mất vài đêm thì bé mới quen được với việc cho bú như thế này).

Nếu con bạn vẫn đang trong thời gian cần bú vào khuya, và bạn nghĩ rằng con đói thì hãy cho bé bú mà không có quá nhiều tương tác không cần thiết, đừng bật đèn sáng và mọi thao tác được thực hiện ở trong phòng bé chứ không bế ra ngoài. Sau đó bạn cố gắng đưa lại bé vào cũi/ giường, dỗ bé ngủ lại hoặc ít nhất là nằm yên đến 6 giờ sáng (hoặc ít nhất là đủ 10 tiếng rưỡi kể từ lúc bé ngủ). Làm như thế này có thể kéo dài giấc ngủ buổi sáng.

Hãy tiếp tục cho con ngủ sớm

Nhiều bố mẹ dễ nghĩ rằng cho con ngủ muộn hơn sẽ kéo theo bé dậy muộn hơn vào sáng hôm sau, nhưng hầu hết các em bé không dễ chiều bố mẹ như vậy đâu. Thực tế, việc đẩy giờ ngủ muộn lại có thể chỉ khiến cho giấc ngủ đêm của các bé ngắn hơn trong khi giờ thức dậy vẫn vậy. Tốt nhất bạn vẫn nên cho con ngủ trong khoảng từ 7-8 giờ tối nhé.

Có hai điều cần nhớ:

- Đầu tiên, việc thức dậy sớm là rất phổ biến trong năm đầu đời của bé, nên bạn không phải là người làm bố mẹ duy nhất phải thức theo trong khi thế giới còn đang ngủ.

- Và thứ hai, đến khi các con đến tuổi đã chập chững tập đi tập nói, nếu bạn vẫn duy trì những thói quen ngủ tốt và có thời gian biểu nhất quán thì hầu hết các bé sẽ tự nhiên biết ngủ thêm một chút. Hãy nhớ vẫn cho bé đi ngủ sớm, giữ thời gian biểu cho các giấc ngủ ngày của bé nhé. Người ta nói không sai đâu, giấc ngủ sẽ nuôi dưỡng giấc ngủ.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn