Làm mẹ là thiên chức thiêng liêng nhất của người phụ nữ, và cho con bú chính là kỹ năng cơ bản nhất mà một người mẹ cần phải có. Thế nhưng, cho con bú đúng cách không hẳn là điều đơn giản, đặc biệt là với những người lần đầu làm mẹ. Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp nhất của các bà mẹ xoay quanh việc cho con bú.






Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất cho bé và mọi bà mẹ đều được khuyên rằng hãy cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời của bé. Với những bà mẹ có con lần đầu, sẽ có đôi chút khó khăn để bạn làm quen với kỹ năng này, những giải đáp sau sẽ giúp bạn đỡ lúng túng và tự tin hơn khi cho con bú mẹ:

Hỏi: Làm thể nào để bé ngậm được vào vú mẹ?

Đáp: Để giúp bé ngậm được vào vú mẹ, mẹ cần bế bé ở tư thế bụng đối bụng và cằm đối cằm giữa mẹ và con. Dùng một tay nâng bầu vú và đưa vào miệng bé sao cho miệng bé ngậm vừa đủ hết quầng vú. Khi bé đã tiếp nhận vú mẹ, kéo bé lại gần phía ngực mẹ, đôi môi của bé sẽ hơi loe ra để ngậm khớp với đầu vú của mẹ. Dấu hiệu nhận biết bé được cho bú đúng cách là sự chuyển động cơ hàm mà động tác nuốt thành tiếng của bé.

Hỏi: Mẹ cần cho bé bú bao nhiêu lần mỗi ngày?

Đáp: Em bé sơ sinh có dạ dày rất nhỏ và không thể tiếp nhận quá nhiều sữa trong một lúc – nên có thể mẹ sẽ cảm thấy mình chẳng làm gì được ngoài cho con bú trong những ngày đầu. Sáu đến tám cữ bú mỗi ngày là hoàn toàn bình thường ở trẻ sơ sinh. Khi bé lớn hơn một chút, bé sẽ bú tốt hơn và nạp vào nhiều sữa hơn, vì thế mà các cữ bú của bé cũng giãn dần ra.

Hỏi: Phải làm sao nếu mẹ bị đau vú?

Đáp: Khá nhiều bà mẹ bị đau đầu vú khi họ cho con bú lần đầu, nhưng tình hình sẽ được cải thiện sau vài ngày hoặc tuần. Cách cho bé ngậm vú sai là nguyên nhân phổ biến nhất của chứng đau đầu vú, vì vậy đừng ngại kéo bé ra và thử cho bú lại. Sử dụng kem bôi nhũ hoa sau mỗi lần cho bú có thể giúp cải thiện tình hình, đồng thời để đầu nhũ hoa của mẹ được thoáng khí. Nếu một trong hai bầu vú của mẹ cảm thấy nóng đỏ và kích ứng, có thể mẹ đã bị viêm vú. Triệu chứng này thường không quá nghiêm trọng, hãy thăm khám với bác sĩ để được điều trị và cảm thấy dễ chịu hơn.

Hỏi: Làm thế nào để biết bé đã bú đủ?

Đáp: Bằng cách cảm nhận bầu vú của mình sau khi bé bú. Nếu vú mẹ mềm, tức là bé đã bú cạn sữa, và nếu bé đã bú đủ, bé sẽ tự buông vú mẹ ra. Ngoài ra, nếu mẹ quan sát thấy phân bé có màu vàng mù tạt là tốt, số lần bé đi ngoài khoảng từ 6-8 lần 24 giờ.

Hỏi: Hiện tượng nứt cổ gà có phải do mẹ cho bú không đúng cách?

Đáp: Có thể do cách bé tiếp nhận vú mẹ không đúng, mẹ hãy thử bế bé sao cho đầu vú của mẹ ở vị trí trên miệng bé và cằm bé càng cách xa phần gốc núm vú càng tốt trong khi đưa đầu vú mẹ vào miệng bé. Đừng để bé ngậm hết cả đầu vú của mẹ. Việc cho con bú không nên là một việc gây đau đớn, vì vậy nếu tình hình không được cải thiện, mẹ nên tham khảo ý kiến của nữ hộ sinh hoặc bác sĩ để được giúp đỡ.

Hỏi: Liệu bé có bú đủ sữa hay không?

Đáp: Mẹ nên ghi nhận các dấu hiệu cho thấy việc cho con bú hiệu quả như nghe tiếng nuốt của bé và quan sát sữa ở khóe miệng bé, cảm nhận bầu vú của mình trong và sau khi bé bú để ước chừng lượng sữa bé đã bú. Đa số trẻ bú mẹ sẽ giảm cân nhẹ ban đầu nhưng sẽ tăng bình thường trở lại từ ngày tuổi thứ 10. Nếu mẹ vẫn thấy lo lắng, hãy hỏi bác sĩ về việc này.

Sau thời gian bú mẹ hoàn toàn, bé có thể chuyển từ một phần đến hoàn toàn bú bình. Bé cũng có thể phải chuyển sang bú bình từ trước đó do nhiều nguyên do. Cho bé bú bình đòi hỏi mẹ đầu tư công sức nhiều hơn và thời gian này cũng kéo dài hơn so với thời gian cho bé bú mẹ. Vậy một người mẹ cần chuẩn bị kiến thức gì cho việc này?

Hỏi: Chuẩn bị bình sữa cho bé như thế nào?

Đáp: Trẻ sơ sinh rất dễ bị rối loạn tiêu hóa, do vậy việc đảm bảo vệ sinh là cực kỳ quan trọng khi mẹ chuẩn bị bình sữa cho bé. Hãy rửa sạch tay trước khi bắt đầu chuẩn bị bình sữa và phải đảm bảo bình sữa của bé sạch sẽ và vô trùng. Đổ nước đun sôi để nguội vừa vào bình theo đúng định mức, dùng thìa đong đúng lượng sữa bột cho vào bình, tra phần núm vú sau đó đậy nắp và lắc đều đến khi nước và sữa bột hòa trộn hết với nhau. Chỉ pha sữa khi bé cần được ăn, mẹ không nên trữ sữa pha sẵn trong tủ lạnh cho lần sau.

Hỏi: Có phải bé bú bình bị trớ sữa nhiều hơn bé bú mẹ?

Đáp: Tất cả các em bé đều có thể bị trớ sữa trong hoặc sau khi bú, bất kể là bé bú mẹ hay bú bình. Một số bé có thể bị trớ sữa nhiều hơn các bé khác, và điều này là do bé vẫn đang học tiếp nhận với sữa mẹ hay sữa công thức. Nếu bé vẫn khỏe và tăng cân đều, chẳng có vấn đề gì mà mẹ phải lo lắng cả. Nhưng nếu vẫn lấn cấn, mẹ vẫn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ.

Hỏi: Cho bé bú bình có lợi gì so với cho bé bú mẹ?

Đáp: Với việc cho bé bú bình, mẹ có thể xác định được chính xác lượng sữa mà bé bú, thêm vào đó, giờ đây ngay cả bố cũng có thể “cho con bú”, điều này sẽ giúp quan hệ vợ chồng của bố mẹ thêm gắn kết và mẹ đỡ căng thẳng hơn sau khi sinh con.



Nguồn SKĐS




Theo bau.vn