Thanh quản nằm trong cuống họng, là một miếng sụn hình ống, tương tự như phần sụn của tai và mũi. Bộ phận này giúp con người có thể nói cười, la hét, hát, hoặc tạo ra nhiều âm thanh khác nhau. Vì thế, nó được xem là nguồn gốc của giọng nói…






Sự hình thành của giọng nói
Khi nói, không khí được đẩy vào từ phổi và làm các dây thanh âm rung lên, tạo thành âm thanh của giọng nói. Trước giai đoạn dậy thì, thanh quản của trẻ thường khá nhỏ và dây thanh âm cũng nhỏ và mỏng, nên giọng nói có khuynh hướng cao hơn so với giọng người lớn. Đến tuổi dậy thì, thanh quản lớn hơn, dây thanh âm cũng dài và dày hơn, nên giọng nói sẽ trầm hơn. Ở bé trai, do cơ thể tiết ra nhiều testosterone, nên thanh quản sẽ lớn dần và dây thanh âm cũng phát triển dày và dài hơn. Khi cơ thể có khả năng tự điều chỉnh sự thay đổi của bộ phận này, giọng nói của trẻ nghe như bị “bể tiếng”. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ kéo dài khoảng vài tháng. Khi thanh quản ngừng phát triển, giọng nói sẽ trở lại như bình thường.
Hoạt động của giọng nói
Bên trong thanh quản có có hai dải bắp thịt gọi là dây thanh âm. Khi hít thở, dây thanh âm được thư giãn và mở ra để có thể đưa không khí ra - vào hai lá phổi. Khi nói, các dây thanh âm sẽ hoạt động cùng lúc và làm cho không khí rung lên. Những âm thanh phát ra từ hoạt động rung này được đẩy lên cuống họng và đưa ra miệng. Dây thanh âm có khả năng giúp tạo ra những âm thanh dài hoặc ngắn, trầm bổng khác nhau. Nếu nói với giọng trầm, dây thanh âm sẽ được kéo dài ra. Khi nói cao giọng, dây thanh âm sẽ bị siết chặt và thu nhỏ lại.
Bệnh viêm thanh quản
Khi bị bệnh viêm thanh quản, giọng nói của trẻ trở nên khàn khàn và khó nghe hơn thường lệ. Nguyên nhân là do trẻ la hét quá nhiều, khiến dây thanh âm bị kích thích, sưng phồng. Triệu chứng thông thường là giọng nói trở nên khàn đặc, khô khốc, có khi bị tắt tiếng, không nói được và chỉ phát ra những âm thanh the thé. Cũng có trường hợp bệnh do bao tử gây nên, khi lượng acid trong bao tử bị trào ngược lên ống dẫn thức ăn, khiến dây thanh âm bị kích thích. Sự dị ứng hoặc khói thuốc lá cũng gây kích thích dây thanh âm. Nói chung, nhiễm trùng từ vi khuẩn chính là nguyên nhân chính gây viêm phế quản ở trẻ. Đôi khi, dây thanh âm bị nhiễm trùng cùng loại vi khuẩn bệnh sổ mũi và cảm cúm. Đó cũng là lý do khi trẻ bị cúm hoặc ho nhiều, giọng nói cũng trở nên khó nghe hơn.
Bảo vệ thanh quản cho trẻ
Nếu viêm phế quản do virus gây nên, cần đưa trẻ đi khám để được nhỏ thuốc. Hạn chế cho trẻ nói chuyện nhiều để tránh làm đau rát cuống họng, thay thế giao tiếp bằng cử chỉ hoặc cho trẻ viết ra giấy. Nếu do bao tử, bác sĩ sẽ kê thuốc, khuyến khích thay đổi cách ăn uống để loại trừ một số thức ăn có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Để bảo vệ thanh quản tốt nhất cho con, bạn không để bé la hét quá lớn trong khi vui chơi, không cho trẻ tiếp xúc nhiều với hệ thống máy giữ độ ẩm không khí, tránh để trẻ tiếp xúc với môi trường có khói, bụi, thuốc lá…, cách ly trẻ với người bệnh nhằm tránh lây lan và dạy trẻ che miệng khi ho, hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi.

Thạch Thảo
Tạp Chí Bầu số 67/12/2014

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn