Nhiều người vẫn có quan niệm sai lầm là cho bé ăn dặm sớm để bé cứng cáp, bụ bẫm. Tuy nhiên theo các chuyên gia sức khỏe trẻ em thì việc ăn dặm sớm đã khiến bé dễ mắc bệnh.





Dù mẹ cho bé ăn nước cháo hay nước cơm cũng sẽ khiến sức khỏe của bé bị ảnh hưởng.

Hấp thu kém
Thức ăn bổ sung thường là tinh bột. Để tiêu hóa tinh bột phải có men amylasa. Men này có rất ít ở tuyến nước bọt và tuyến tụy ở trẻ 3 tháng tuổi, chỉ bằng 10% so với người lớn. Việc cho trẻ ăn bột sớm sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thụ các chất dinh dưỡng khác, dẫn tới những nguy cơ về sức khỏe của trẻ trong hiện tại và cả tương lai.
Dễ bị tăng huyết áp

Trong sữa mẹ, hàm lượng natri thấp, khoảng 15 mg%, đủ đáp ứng nhu cầu cho trẻ. Khi ăn bổ sung, lượng natri đưa vào cơ thể tăng lên rất nhiều lần, đặc biệt là khi bà mẹ có thói quen ăn mặn. Đây là một trong những yếu tố chính gây ra bệnh tăng huyết áp.
Nguy cơ mắc bệnh béo phì

Trẻ dễ mắc bệnh béo phì nếu cho ăn dặm sớm
Nhiều công cuộc nghiên cứu của các nhà y khoa đã khẳng định rằng trẻ em ngừng bú sữa mẹ và ăn dặm trước 4 tháng tuổi sẽ có nguy cơ mắc bệnh béo phì ở tuổi lên 3 cao hơn so với những bé ăn dặm đúng chuẩn. Khi mới thay đổi chế độ ăn, trẻ có thể chưa quen nên không muốn ăn, nôn oẹ, bị rối loạn tiêu hóa... Nhưng khi trẻ đã thích nghi và đón nhận chế độ ăn dặm sớm một cách bình thường thì các bà mẹ lại tiến hành tẩm bổ cho con và đến lúc trẻ ăn quá nhiều đã trở thành thói quen thì tất yếu sẽ dẫn đến tăng cân quá mức và bệnh béo phì xuất hiện.
Bé dễ bị tổn thương dạ dày

Một trong các tác hại khi cho trẻ ăn dặm sớm là bé dễ bị tổn thương dạ dày.Dạ dày của bé còn non nớt, lớp niêm mạc bề mặt và lớp dịch nhầy bảo vệ mỏng. Nếu cho bé ăn dặm sớm, khi dạ dày co bóp, thực phẩm đặc có kết cấu hoàn toàn khác sữa cọ xát vào thành dạ dày gây tổn thương. Điều này dễ dẫn đến các bệnh lý của dạ dày khi bé đến tuổi trưởng thành.
Đêm ngủ không ngon giấc

Khi dạ dày bé còn quá nhỏ đã phải lấp đầy một số lượng lớn đồ ăn dặm hay bột ngũ cố, điều này sẽ khiến trẻ gặp vấn đề về tiêu hóa dẫn đến chứng đầy bụng và ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ.
Dị ứng thức ăn

Một nghiên cứu được tiến hành với nhóm trẻ từ lúc mới sinh đến 3 tuổi cho thấy, ở những trẻ được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và sau đó ăn bổ sung hợp lý, tỷ lệ bị eczema (bệnh chàm ngoài da) thấp hơn nhiều so với nhóm ăn bổ sung quá sớm.
Dễ mắc chứng khó tiêu, táo bón

Bé dưới 6 tháng tuổi, hệ tiêu hoá của bé chưa hoàn thiện, và bé chỉ có thể hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất thông qua sữa dạng lỏng. Vì thế, khi mẹ cho bé ăn dặm sớm thì có thể gây ra các triệu chứng bé khó tiêu, đầy hơi, rối loạn tiêu hoá như táo bón…

Vì các nguy cơ sức khoẻ khi cho bé ăn dặm sớm như trên, mẹ cần phải cẩn thận khi quyết định cho con ăn dặm nhé. Tốt nhất là mẹ nên kiên nhẫn đợi đến khi bé đủ 6 tháng tuổi thì hãy bắt đầu cho bé ăn dặm.
Theo Phununew

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn