Sau một cữ bú, bé có vẻ như vẫn thòm thèm, đòi ăn nữa hoặc “nhìn mồm” người lớn, đó là thời điểm thích hợp để mẹ tập cho bé ăn đặc.









Để bé không kén ăn

Từ 4 tháng trở đi, bé đã bắt đầu ăn dặm. Đến 6 tháng, bé sẽ quen dần với suất bột/cháo dành riêng cho mình và muốn nếm thử mùi vị thức ăn của người lớn. Vào độ tuổi này, bé nào hay ăn, sau một cữ bú (kể cả bú mẹ hay bú bình), bé có vẻ như vẫn thòm thèm, đòi ăn nữa hoặc “nhìn mồm” người lớn khi cả gia đình ăn cơm. Đó cũng là thời điểm thích hợp để mẹ tập cho bé ăn đặc.

Nên tập cho bé ăn từ lỏng đến đặc dần. Riêng với thịt, rau, mẹ cần tập cho bé ăn từ dạng mịn đến thô dần để bé tập nhai. Các mẹ hạn chế sử dụng máy xay sinh tố mà nên băm nhỏ ra cho con ăn. Từ những lần đầu tiên nếm tí ti mùi vị thức ăn đặc, bé sẽ tập ăn đặc dần dần nhiều hơn mỗi bữa. Đến khi bé tròn 1 tuổi, bé không cần phải bú mẹ/bú bình mà hoàn toàn chỉ cần ăn đặc chóng lớn.

Mẹ hãy cho bé tập ăn càng nhiều thức ăn mới càng tốt. Chỉ cần là thức ăn cả nhà vẫn hay ăn chứ không phải thức ăn lạ, cả nhà chưa ăn bao giờ. Điều đó giúp bé quen ăn một chế độ ăn đa dạng và không tỏ vẻ nghi ngờ khi gặp mùi vị hay thể chất xúc giác mới lạ. Mỗi bữa ăn, mẹ nên để bé tự nhiên lựa chọn thức ăn mà bé thích, không nên ép bé phải ăn món nọ, món kia. Mẹ chỉ định lượng bé nên ăn bao nhiêu là đủ. Các nghiên cứu khoa học cho rằng, làm như thế, bé sẽ biết mình được tôn trọng và rất “hợp tác” với mẹ trong khoản ăn uống. Không lười ăn, khảnh ăn và ghét ăn.

Đồ dùng cho bé tập ăn đặc

Một chiếc thìa sạch, một bát con và một yếm dãi. Đó là những đồ cần thiết để bé nếm những mùi vị thức ăn đầu tiên. Lúc này, mẹ không cần tiệt trùng các đồ dùng đó. Chỉ cần rửa toàn bộ bằng nước thật nóng, tráng lại, để cho ráo và lau khô. Với bé nào còn ăn bình, mẹ vẫn phải tiệt trùng bình sữa. Mẹ chú ý chọn mua các đồ dùng bằng nhựa, tránh con làm rơi, vỡ, mảnh vụn sắc nhọn dễ làm con bị thương, hoặc đồ dùng quá nặng con không thể cầm/bưng được.

Bát bằng nhựa: các mẹ chú ý mua đồ nhựa tốt, có ký hiệu sử dụng được trong lò vi sóng, có nắp đậy và tay cầm cho tiện.

Muỗng/Thìa: Mua các cỡ từ to đến bé, ban đầu mẹ dùng loại nông lòng. Dần dần đổi sang các loại thìa to hơn và sâu lòng hơn. Nên dùng thìa nhựa hoặc thìa silicon.

Cốc: Chọn mua loại cốc có vòi để ngăn không cho nước đổ ra ngoài, có hai quai để con cầm.

Các loại yếm (xây)

Yếm dãi bằng vải thấm nước có lót plastic (nhựa) phía sau: Đây là loại yếm dãi tốt nhất từ những tháng đầu con đã có thế dùng. Lớp plastic lót phía sau và các dải cột hai bên bảo đảm quần áo con bạn được giữ sạch. Nếu yếm nào có lót nilon sẽ rất bí cho con.

Kiểu yếm có tay áo: Kiểu yếm này giúp cho bé tập tự bốc, tự xúc thức ăn một cách thoải mái. Yếm bằng nhựa có rãnh hứng vụn: rất sạch sẽ và tiện cho con “nghịch” thức ăn. Tuy nhiên, khi bé đeo yếm này, hầu hết bé hay xúc thức ăn đổ vào rãnh nhựa.

Yếm dãi dùng 1 lần: rất tiện khi bé đi chơi xa nhưng hơi bị đắt và “xa xỉ”.

Ghế cao: Khi bé ngồi đã vững, mẹ nên cho ngồi ghế để tập ăn đặc. Cần chọn mua loại ghế bé ngồi chắc và thoải mái. Có thể đặt ghế lên trên 1 tấm lót sàn nhựa (để bảo quản nền nhà và giúp mẹ lau dọn dễ) và cho bé tham gia vào các bữa ăn gia đình. Cho bé ngồi ghế ăn giúp bé không chạy đi lung tung hoặc lộn qua lộn lại như lúc nằm trên giường khi ăn.

Máy xay thực phẩm, xay tay hoặc xay điện hoặc dùng 1 máy xay sinh tố: Nếu có điều kiện, mẹ nên dùng máy xay cầm tay đi. Máy đo rất tiện dụng, nhất là khi xay lượng thức ăn nhỏ cho con. Thông thường, các mẹ dùng máy xay sinh tố, lượng thức ăn cho vào quá ít, chỉ dính đáy cối.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn