Bác sĩ Nguyễn Thành, Trưởng khoa Khám bệnh, Viện Da liễu quốc gia, cho biết, bệnh thủy đậu thường xảy ra từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm và “rộ” nhất vào tháng 3. Bệnh có khả năng lây lan tạo thành các ổ dịch, cả trẻ em và người lớn đều có thể mắc.






Hiện, trung bình mỗi ngày khoa Khám bệnh, Viện Da liễu quốc gia và khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM tiếp nhận 4 – 5 trường hợp bị bệnh thủy đậu đến khám. Các bác sĩ cho biết, vào thời điểm đỉnh dịch, số bệnh nhân nhập viện có thể lên tới gần 20 người mỗi ngày.
Kiêng tắm rửa khiến bệnh càng nặng

Chị Lan ở đường Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng thấy cu Tí (7 tuổi) có biểu hiện sốt nhẹ. Nghĩ rằng con bị cảm sốt thông thường nên chị mua thuốc hạ sốt về cho con uống. Tuy nhiên, đến ngày thứ 3 chị thấy trên cẳng tay cu Tí bắt đầu xuất hiện các vết dát đỏ, sau đó nổi các mụn nước. Chỉ sau 1 ngày các mụn nước này lan ra toàn thân. Do biết đây là bệnh thủy đậu nên chị đưa con đi khám ngay tại Khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai.

Cách phòng ngừa tốt nhất thủy đậu tốt nhất là tiêm vắc – xin phòng bệnh

Cũng phát hiện ra bệnh thủy đậu của con nhưng chỉ vì kiêng không đúng cách nên bé Hoa (8 tuổi), con chị Tâm ở Quang Trung, Hà Đông, bị biến chứng. Từ lúc chỉ có vài mụn nước mọc ở chân tay đến lúc chúng lan nhanh đến toàn thân, thậm chí mọc ở trong vòm họng. Thấy con phát bệnh, chị Tâm cấm con không được ra ngoài, không cho con động vào nước. Một tuần liền, bé Hoa không được tắm rửa, vệ sinh nên toàn thân ngứa ngáy, khó chịu. Những lúc không chịu được, bé đưa tay chà vào các mụn nước khiến chúng bị vỡ ra, mưng mủ. Lúc này, chị Tâm mới đưa con đến bệnh viện khám. Các bác sĩ cho biết, việc vệ sinh không đúng cách là nguyên nhân khiến các mụn nước mưng mủ, gây nhiễm trùng da tại chỗ. Nguy hiểm hơn, kể cả khi khỏi bệnh, cháu Hoa rất dễ bị sẹo, gây mất thẩm mỹ.

Các bác sĩ cảnh báo, nhiều người cho rằng khi bị thủy đậu tuyệt đối không được tắm rửa, động đến nước hay ra gió (trong khi thời gian bị bệnh có thể kéo dài 7-14 ngày) – đây là quan niệm rất sai lầm. Bởi theo các bác sĩ, nếu không được vệ sinh, tắm rửa sạch, các vi khuẩn trên da sẽ tấn công vùng da bị tổn thương, nơi có các mụn nước gây biến chứng. Biến chứng nhẹ là viêm da mủ tại chỗ, nặng thì dẫn đến nhiễm trùng máu, viêm màng não.
Thai phụ đặc biệt cẩn trọng

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai cho biết, độ tuổi trẻ hay mắc thủy đậu nhất là từ 2 – 10 tuổi. Tuy nhiên, có 2 nhóm tuổi khi bị thủy đậu lại hay gặp biến chứng nặng như viêm não, viêm màng não là trẻ dưới 6 tháng tuổi và trẻ lớn từ 14 tuổi trở lên.

Thai phụ cũng là nhóm đối tượng dễ gặp nguy hiểm khi bị thủy đậu. TS.BS Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng Khám thai, bệnh viện Từ Dũ TP HCM, giải thích: thai phụ nhiễm bệnh thủy đậu có nguy cơ viêm phổi do vi-rút varicella khá cao, trong số người viêm phổi do vi-rút này nguy cơ tử vong lên đến 40%. Nếu người mẹ nhiễm bệnh trong vòng 5 ngày trước sinh và 2 ngày sau sinh, bé sơ sinh dễ bị bệnh thủy đậu do mẹ chưa có đủ thời gian tạo kháng thể truyền cho thai nhi trước sinh. Tỷ lệ tử vong bé sơ sinh lúc này lên đến 25 – 30% số trường hợp bị nhiễm.

Các bác sĩ khuyến cáo, cách phòng ngừa tốt nhất là tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ ngay từ bé hoặc ít nhất 3 tháng đối với phụ nữ trước khi mang thai. Khi đã bị thủy đậu, hạn chế không gãi, hoặc làm vỡ các mụn nước; tuyệt đối không được sử dụng các dung dịch sát khuẩn vì có thể làm loét các mụn nước gây nhiễm trùng da. Giữ cơ thể luôn được sạch sẽ bằng cách tắm nước ấm nhưng không được chà xát mạnh. Có thể bôi xanh metilen nhưng không tự ý dùng thuốc kháng sinh.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn