Hầu hết các mẹ đều nghĩ rằng “ăn dặm vì sữa mẹ chẳng còn chất gì”. Thực tế, ăn dặm để bổ sung thêm dưỡng chất cho con khi sữa mẹ không còn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bé.





Chọn bột hay cháo xay?

Mẹ thường chọn cho bé ăn bột khi bắt đầu ăn dặm. Các mẹ cẩn thận tự vo gạo, rửa các loại hạt rồi đi xay. Các loại hạt xay bột như đậu xanh, hạt sen, ý dĩ để lâu rất dễ mốc. Nếu bị mốc là loại mốc cực độc (nhóm Aflatoxin).

Nếu bé mới tập ăn dặm, mẹ có thể mua cho bé bột tập ăn dặm ăn liền đã được bảo quản tốt. Chỉ chọn loại bột gạo trẻ em thuần chủng, không có các loại vị bò, gà, cá, đậu nành như quảng cáo.

Sau một thời gian bé đã quen ăn bột, mẹ ninh như cháo, rồi cho vào máy xay, xay nhuyễn cho bé ăn. Cháo xay ăn vừa đủ chất, thức ăn nấu tươi nguyên, vừa nhuyễn và mịn hơn bột, lại không vất vả cho mẹ.

Số lượng bữa ăn tùy theo từng tháng tuổi, từ ít đến nhiều. Nhiều mẹ ham, cho con ăn lúc đầu từ 2 – 3 bữa/ngày, ép con ăn. Bé sợ ăn, lại không tiêu hóa, hấp thụ tốt.

Từ 4 – 6 tháng: ăn 1 bữa bột/ngày.

Từ 6 – 8 tháng: ăn 1 bữa bột/ngày + 1 bữa phụ phô mai/sữa chua trộn hoa quả. Bé nào hay ăn có thể tăng lên 2 bữa bột/ngày.

Từ 8 tháng trở đi: ăn 3 bữa/ngày + 1 bữa phụ phô mai/váng sữa/sữa chua trộn hoa quả. Nên ăn kèm các loại bánh cho bé tập ăn dặm, tùy theo từng độ tuổi.

Ăn dặm có nghĩa là ăn thêm. Không vì thế mà mẹ cắt sữa hoặc ngưng cho con bú. Theo tiêu chuẩn, bé tròn 1 tuổi, thường sẽ ăn dặm 3 bữa + uống 1100ml sữa/ngày. Thông thường, ngoài 3 bữa ăn dặm, mẹ chỉ cần cho bé uống 500ml sữa/ngày và ăn thêm caramen, phô mai, váng sữa, sữa chua.

Không nên cho bé ăn đồ tanh?

Các mẹ thường bỏ qua món cá khi chế biến thức ăn cho con vì sợ tanh. Không nên nhé. Vì cá là một món đạm dễ tiêu. Mẹ bắt đầu cho bé ăn từ loại thịt cá trắng (cá quả, rô phi, điêu hồng…) đến các loại cá thịt đỏ (cá hồi, cá thu, cá ngừ, giàu Omega 3 phát triển trí não), chú ý lọc bỏ xương cẩn thận cho bé. Bố mẹ nào có tiền sử dị ứng với hải sản, khi cho con ăn cá, nên cho ăn từng ít một để kiểm tra xem bé có phản ứng gì không.
Với bé lười ăn rau

Hoa quả là một cứu cánh để bổ sung Vitamin và chất xơ. Từ lúc bắt đầu ăn dặm, mẹ có thể cho bé thưởng thức rất nhiều loại quả: chuối (nạo ăn bằng thìa ăn), dưa hấu, xoài (xay trộn với sữa chua hoặc phô mai tươi), hồng xiêm (chuyên trị những lúc bé đi ngoài lỏng), uống nước cam, táo (táo xanh tốt hơn táo đỏ, chuyên xay nấu với sữa để ăn sáng), bưởi, măng cụt, chôm chôm (hơn một tuổi mới nên cho bé ăn)… Bắt đầu, mẹ nên chọn những hoa quả ngọt, mềm như chuối, xoài, dưa hấu…

Nếu bé biết nhai, thường bé sẽ ăn được nhiều loại hoa quả. Ngược lại, nếu bé thích ăn hoa quả, bé sẽ tập và nhanh biết nhai.
Nên mua ghế ăn bột cho bé

Nhiều mẹ nghĩ rằng bé chỉ ăn bột vài tháng, sau đó chuyển sang ăn cơm, mua ghế ăn bột sẽ rất phí phạm. Mẹ đã tiết kiệm một cách không hiệu quả rồi.

Khi bé bắt đầu ngồi vững, mẹ nên tập cho bé ngồi ghế ăn bột. Như thế, bé sẽ ngồi yên một chỗ, tập trung ăn, không bò lung tung, người lớn cũng đỡ vất vả chạy theo bé. Điều đó sẽ tạo cho bé một thói quen tốt từ nhỏ. Dần dần bé sẽ hiểu ngồi vào ghế là hết giờ chơi, đến giờ ăn rồi.
Quan tâm tới chất lượng phân của bé hàng ngày

Nghe có vẻ buồn cười, nhưng bé bắt đầu ăn dặm, mẹ càng phải quan tâm đến “chất lượng” phân của bé. Nó phản ánh trung thực nhất tình trạng hấp thụ, tiêu hóa thức ăn của con. Trong thời gian đầu ăn dặm, mẹ phải nghe ngóng, xem phân của con thế nào, có mềm mại, có lẫn thức ăn chưa tiêu hóa,…

Nếu bé có dị ứng với loại thức ăn nào, mẹ nên ngừng cho con ăn, chờ đến khi con được 1 tuổi hãy thử lại.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn