Khi trẻ ở độ tuổi 2-3 có thể được xem là giai đoạn “làm khó” cha mẹ trong việc nuôi dạy nhất. Phần vì trẻ còn quá nhỏ, không hiểu được những lời dạy dỗ của cha mẹ, phần vì hễ nói động đến thì trẻ hay có trò khóc lóc và nôn sạch những thức ăn mà trước đó khó khăn lắm mới chịu ăn.





Để có thể đưa trẻ ở độ tuổi “nổi loạn” này vào nề nếp, cha mẹ cần phải dạy con theo những cách sau:

1. Không giáo huấn

Với trẻ 2-3 tuổi, mọi lời giáo huấn đều vô giá trị. Bởi vốn từ vựng và ngữ pháp của trẻ quá ít ỏi nên việc hiểu cả một đoạn hội thoại dài với từ ngữ phức tạp quả là vô cùng khó khăn.

2. Bình tĩnh và kiên nhẫn

Sau khi xác định rõ ràng rằng trẻ không đau, không đói, không gì cả, chỉ ăn vạ thôi, cha mẹ chỉ cần bình tĩnh và kiên nhẫn. Tốt nhất là cứ lờ tịt trẻ ra và cứ chăm chú làm việc riêng của mình như ngồi nghe nhạc, xem phim chẳng hạn. Cha mẹ càng làm lơ bao nhiêu, cơn giận hờn, khóc lóc, ăn vạ của trẻ sẽ càng nhanh chóng được dập tắt bấy nhiêu.

3. Quan hệ nhân quả

Để con có trách nhiệm với những hành vi của bản thân, tốt nhất cha mẹ nên dạy con những suy nghĩ sơ khai về “nhân – quả”. Lưu ý là chỉ sơ khai thôi vì trẻ còn quá nhỏ để hiểu sâu sa về “nhân – quả”. Cụ thể, trẻ vì ham chơi, không chú ý nên va vào ghế rồi trợt ngã thì đừng bao giờ đổ lỗi vào chiếc ghế, đánh cái ghế để dỗ dành trẻ mà hãy nói cho trẻ nguyên nhân là vì trẻ va vào ghế nên mới bị đau.

4. Dứt khoát giữ vững nguyên tắc

Nếu con ăn vạ ở ngoài đường, siêu thị... để đòi mua cái gì đó thì việc cần làm là lờ đi và bỏ đi. Đảm bảo con sẽ chạy theo vì sợ. Nó sẽ không ăn vạ nữa vì biết sự thể không thay đổi gì và món hàng nó muốn cũng không thể về tay vì thái độ dứt khoát của cha mẹ.

5. Làm con biết sợ

Phản ứng thường thấy nhất của cha mẹ khi thấy con nghịch đồ nguy hiểm, chẳng hạn như ổ điện là la toáng lên, sau đó răn dạy dài dòng. Như đã nói ở nguyên tắc đầu, trẻ sẽ không thể hiểu được những lời răn dạy đầy tính giáo huấn của cha mẹ. Thay vì vậy, cha mẹ cần ngay lập tức cầm tay con lên, giật nhẹ rồi nhét thẳng vào.... cái ổ điện đó (dĩ nhiên là phải cách xa cả mét rồi). Theo phản xạ, trẻ sẽ giật tay lại và khóc. Nếu cha mẹ cũng gào to hơn nữa thì tiếng động đó còn làm trẻ sợ và khóc to hơn.Sau vài phút, hãy ôm con vào lòng và dỗ dành. Trẻ sẽ ngưng khóc nhưng cũng đủ sợ cái ổ điện đó để không khám phá nữa.

6. Cho trẻ cùng làm việc nhà

Hãy luyện cho trẻ giúp việc lặt vặt trong nhà, thường xuyên khen ngợi mỗi khi trẻ giúp mình làm gì. Dạy trẻ làm việc nhà vừa giúp mình giảm gánh nặng, và quan trọng hơn hết, nó còn có tác dụng dạy trẻ học tập, giúp trẻ vận động và luyện kĩ năng xử lí đồ vật, cầm nắm.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn