Lồng ruột là do một đoạn ruột non chui vào một đoạn ruột già. Dấu hiệu đầu tiên là trẻ bị đau bụng từng cơn, bỏ ăn. Nếu để quá 24 giờ, trẻ có thể bị hoại tử ruột, dẫn đến tử vong.







Lồng ruột là gì?

Trong quá trình phát triển của bào thai, đoạn đầu của ruột già bao gồm manh tràng và đại tràng được cố định vào thành bụng, còn ruột non thì không. Nhưng trong trường hợp manh tràng và đại tràng không được cố định, không dính vào thành bụng, cộng với nhu động quá mạnh của ruột khiến cho ruột non chui vào lòng ruột già sẽ gây ra lồng ruột.

Nếu búi lồng lớn, ruột non và cả những mạch máu nuôi dưỡng đi kèm cũng chui vào đoạn ruột già, khiến ruột bị tắc, các mạch máu nghẽn lại, đoạn ruột lồng sẽ bị hoại tử.

Lồng ruột thường xảy ra ở trẻ còn bú mẹ, hay gặp nhất ở lứa tuổi 4 – 9 tháng. Đặc biệt ở trẻ khoẻ mạnh, bụ bẫm, ham ăn do nhu động ruột mạnh nên càng dễ bị lồng ruột. Ngay cả trong trường hợp cha mẹ, người trông trẻ nô đùa với trẻ làm trẻ cười quá nhiều, hoặc tung trẻ lên cao, rung lắc mạnh… cũng có thể khiến trẻ bị lồng ruột. Tuy nhiên, tới 90% trẻ bị lồng ruột lần đầu tiên không rõ nguyên nhân. Có một số giả thiết cho rằng kích thước của ruột có sự mất cân đối hoặc do quá sản tế bào lympho, trẻ có polip, bị viêm đường hô hấp trên và viêm ruột cũng có thể khiến trẻ bị lồng ruột.

Biểu hiện của lồng ruột

Những biểu hiện sớm nhất thường thấy ở trẻ bị lồng ruột là trẻ đau bụng từng cơn, nôn, bỏ bú. Bệnh thường xảy ra đột ngột khiến trẻ đang khỏe mạnh, chơi đùa bình thường bỗng khóc thét lên, có khi khóc lặng người đi, ưỡn người. Khi hết cơn đau, trẻ lại bú bình thường. Nhưng khoảng 10-20 phút sau, một cơn đau bụng khác lại đến… Cứ như vậy nhiều lần khiến trẻ mệt lả, nằm lịm đi, vã mồ hôi, da xanh tái.

Cùng với đau bụng, trẻ bị nôn, xuất hiện ngay từ cơn đau đầu tiên vì khi trẻ bị lồng ruột sẽ gây ra tắc ruột hoặc bán tắc. Lúc đầu trẻ nôn ra dịch màu xanh ve, nếu để lâu trẻ sẽ nôn ra dịch ruột màu vàng. Do nôn nhiều, trẻ lại không ăn uống được nên cơ thể bị mất nước, dẫn đến rối loạn các chất điện giải, làm cho trẻ rất mệt.

Khi có những biểu hiện trên mà trẻ vẫn không được đưa đến bệnh viện để chữa trị thì khoảng 6-12 tiếng sau, trẻ sẽ đi ngoài ra máu tươi có lẫn chút nhầy, có khi còn lẫn cục máu đông. Đó là dấu hiệu muộn của lồng ruột. Tuy nhiên, đi đại tiện ra máu cũng có thể xuất hiện sớm ở trẻ nhỏ do lồng ruột quá chặt. Khi thấy trẻ đại tiện ra máu, nhiều người tưởng trẻ bị kiết lỵ nên cho uống thuốc chữa kiết lỵ nhưng chỉ làm cho bệnh nặng thêm. Nếu cứ để tình trạng đó khoảng 24 giờ không xử trí gì thì trẻ sẽ nôn liên tục, bụng trướng dần lên, và có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Tuy nhiên, không phải trẻ nào lồng ruột cũng có những biểu hiện trên. Nếu nghi ngờ trẻ bị lồng ruột (trẻ khóc thét, bỏ bú, nôn) thì cần đưa trẻ đến bệnh viện để chụp X-quang và siêu âm thì mới có thể chẩn đoán chính xác.

Điều trị lồng ruột

Khi trẻ có những dấu hiệu đầu tiên của bệnh lồng ruột thì cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để việc xử trí được đơn giản và không để lại hậu quả nghiêm trọng. Nếu trẻ bị lồng ruột được phát hiện sớm thì có thể áp dụng phương pháp tháo lồng: bơm hơi qua hậu môn để đẩy chỗ ruột lồng ra.

Ngoài ra, có thể dùng chất cản quang hoặc dùng nước muối sinh lý 9%o để tháo lồng dưới sự kiểm tra của siêu âm, máy chiếu X-quang. Tuy vậy, nhiều trường hợp vẫn phải phẫu thuật tháo lồng do chỗ lồng quá chặt hoặc do trẻ đến viện muộn (quá 6 tiếng). Còn nếu sau 24 tiếng, khi khối ruột lồng đã bị hoại tử, thủng ruột, viêm phúc mạc, thì phải phẫu thuật cắt đại tràng ngoài ổ bụng hoặc cắt nửa đại tràng phải. Sau khi mổ, trẻ phải được chăm sóc tốt, ủ ấm, truyền dịch. Nếu trẻ không được chăm sóc và hồi sức sau mổ tốt, trẻ có thể bị tử vong do suy kiệt và viêm phổi nặng.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn