Xưa nay người ta vẫn mặc định rằng, việc nuôi dạy con cái là do người phụ nữ đảm nhận người cha chỉ đóng vai trò là phụ. Tuy nhiên, một đứa trẻ sinh ra cần nhận được sự giáo dục và chăm sóc của cả bố lẫn mẹ, có như thế con mới phát triển toàn diện được.





Vậy bố có vai trò như thế nào trong việc giáo dục con cái. Cùng tham khảo nội dung dưới đây nhé!

1. Giúp vợ chăm sóc con hàng ngày

Phụ nữ ngày càng tham gia nhiều vào công việc xã hội, chia sẻ gánh nặng kinh tế trong gia đình cùng chồng. Vì thế, các bố cũng cần phải thay đổi suy nghĩ, vợ không phải là bà nội trợ hay người giúp việc trong gia đình. Sau một ngày làm việc mệt nhọc bên ngoài, cô ấy cũng cần có thời gian nghỉ ngơi. Vì thế, các ông bố ngoài việc phải phụ giúp vợ công việc nhà còn phải chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy và chăm sóc con. Chẳng hạn khi cô ấy chuẩn bị bữa tối cho cả nhà, các bố có thể chơi với con, tắm cho con.

Chăm con giúp vợ
Những công việc dù rất nhỏ nhặt đơn giản nhưng sẽ giúp cô ấy có thêm thời gian để nghỉ ngơi, giảm bớt căng thẳng và áp lực cho cô ấy. Không những thế điều này sẽ giúp các thành viên trong gia đình xích lại gần nhau hơn, là cách để gắn kết tình vợ chồng, tình cha con.

2. Giữ quan điểm riêng nhưng phải tương hỗ lẫn nhau

Một trong những sai lầm của cha mẹ trong cách nuôi dạy con là giữa vợ và chồng không có tiếng nói chung. Tiếng nói chung ở đây không có nghĩa là vợ ép chồng hay ngược lại chồng ép vợ nuôi dạy con theo cách của riêng mình. Mà mỗi người có những phương pháp và cách tiếp cận với con riêng nhưng các phương pháp đó cần có sự tương hỗ và bổ trợ lẫn nhau trong một tổng thể hoàn chỉnh và hài hòa, tốt cho sự phát triển lành mạnh và toàn diện của một đứa trẻ.

Bố có thể chơi đùa thoải mái với con
Trong gia đình, bố luôn đóng vai trò là người cởi mở, sẵn sàng chơi đùa với con như những người bạn. Điều này sẽ tạo tâm lý thoải mái cho các con, con sẽ tin tưởng và cởi mở với bố nhiều hơn. Không những thế, bố chính là người trao cho con quyền tư do, được tôn trọng và tự khám phá bản thân và thế giới bên ngoài giúp trẻ hoàn thiện từng bước nhận thức xã hội.

Nếu như bố dạy cho con cách tiếp cận với thế giới bên ngoài thì mẹ lại khác. Hơn ai hết mẹ là người hiểu rõ từng bước phát triển của con qua các thời kỳ, là người thấu hiểu thế giới nội tâm của con, cảm xúc của con, con muốn gì, ghét gì, buồn vui mẹ đều biết cả. Vì thế, con thường gần gũi mẹ nhiều hơn bố và chính mẹ là người có ảnh hưởng lớn trong cách đối nhân xử thế của con với thế giới bên ngoài.

Nếu người bố luôn cứng rắn, dạy con bằng những kỷ luật thép thì ngược lại người mẹ luôn dịu dàng, ân cần và vị tha. Hai phương pháp tưởng chừng như trái ngược nhau nhưng lại hỗ trợ lẫn nhau, có tác dụng tạo sự cân bằng trong tiến trình phát triển và hoàn thiện về nhân cách và trí tuệ của trẻ.

3. Tôn trọng và đề cao vai trò của vợ

Trong việc giáo dục con cái, nếu vợ chồng không có tiếng nói chung và không tôn trọng lẫn nhau thì rất khó để có thể mang lại kết quả tốt. Để làm được điều đó, hơn ai hết bạn phải là luôn đề cao vai trò của vợ và tôn trọng vợ trước mặt con cái. Trước khi muốn làm một điều gì đó, hai vợ chồng nên trao đổi và thống nhất với nhau từ trước. Không nên tranh luận, cãi vã hoặc lăng mạ nhau trước mặt con cái. Vì điều này sẽ để lại hình tượng xấu trong lòng con trẻ, khiến chúng không tin tưởng và kính trọng cha mẹ nữa.

Vợ chồng không nên cãi nhau trước mặt con cái
Nếu con có thái độ thiếu tôn trọng và coi thường mẹ, bố cần kịp thời can thiệp và điều chỉnh hành vi của con ngay. Bên cạnh đó, đừng bao giờ giúp và về phe vợ trong việc yêu cầu hoặc ra lệnh con phải làm việc gì đó mà chúng không muốn. Khi bạn giữ vị trí trung lập và phân tích đúng sai của cả hai bên, sẽ tạo hiệu ứng tích cực trong việc nuôi dạy con. Điều này giúp con trẻ nhận ra khuyết điểm và tôn trọng bạn hơn cũng là cách để giúp vợ bạn nhận ra sai lầm của mình, từ đó cố gắng hoàn thiện hơn nữa vai trò làm mẹ.

Ngoài ra, nếu bạn không đồng ý với cách nuôi dạy con, hay hành xử của vợ nên trao đổi riêng đừng làm cô ấy xấu hổ và mất uy tín với con cái.

Ngày nay, vai trò của người phụ nữ trong xã hội ngày càng được đề cao. Chia sẻ và gánh vác tránh nhiệm chăm sóc nuôi dạy con là điều mà các ông bố nên làm. Điều này không chỉ giúp duy trì nền tảng gia đình hạnh phúc, mà cũng là cách để giáo dục con phát triển lành mạnh và toàn diện.
Theo Yeutre

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn