Chắc hẳn mẹ đã từng phải đối mặt với tình trạng con bị tiêu chảy. Những bí kíp sau sẽ giúp mẹ chăm sóc trẻ được tốt hơn.





Tiêu chảy là một bệnh rất phổ biến ở trẻ, với biểu hiện trẻ đi ngoài phân lỏng hơn bình thường, đi nhiều lần (trên 3 lần mỗi ngày). Tiêu chảy có thể do bệnh lý của hệ tiêu hóa, do vi rút, nhiễm khuẩn E. coli,… cũng có thể là biến chứng đi kèm của viêm đường hô hấp hoặc do dùng thuốc.

Để chăm sóc trẻ bị tiêu chảy đúng cách, cần thực hiện như sau:
Cho trẻ uống bù nước:

Tiêu chảy thường khiến cơ thể bé dễ bị mất nước. Mẹ hãy lưu ý cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường để bù cho lượng nước đã mất bởi khi cơ thể thiếu nước sẽ dẫn đến rối loạn điện giải gây nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Nếu trẻ đang được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ thì chỉ cần cho trẻ bú nhiều lần hơn và uống nước chín là đủ.

Đối với trẻ lớn hơn thì cần cho trẻ uống thêm các loại nước như: nước canh, nước cháo, sữa đậu nành, sữa chua, nước trái cây như cam vắt (không thêm hoặc thêm rất ít đường), nước dừa tươi, nước chín.

Ngoài ra, mẹ cũng có thể cho trẻ uống dung dịch ORESOL để bù lại số lượng nước và các chất điện giải bị mất qua phân. Nhớ pha và dùng theo đúng hướng dẫn ghi trên gói thuốc.

Các mẹ tuyệt đối cần tránh cho trẻ uống các loại nước giải khát có gaz, nước ép trái cây quá ngọt gây khó tiêu, đầy bụng.
Bổ sung thực phẩm dạng lỏng:

Trẻ thường bị mệt mỏi và biếng ăn do bị tiêu chảy nên mẹ hãy bổ sung thực phẩm dưới dạng lỏng và mềm cho trẻ. Nếu trẻ biếng ăn mẹ nên khuyến khích trẻ ăn nhiều bữa nhỏ với khoảng cách giữa 2 bữa ăn là 2-3 giờ.

Thực phẩm dùng cho trẻ vẫn cần đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm thông thường như: bột, béo, đạm, rau.

Mẹ lưu ý thực phẩm cho trẻ tiêu chảy phải nấu chín, sử dụng thực phẩm sạch và đảm bảo đúng quy trình vệ sinh.
Tuyệt đối không áp dụng chế độ ăn kiêng khem:

Khi trẻ bị tiêu chảy mẹ cần cho trẻ ăn đủ các bữa với các loại thức ăn nấu chín kỹ, bổ dưỡng, dễ tiêu như ăn cháo với thịt gà, thịt lợn nạc… không nên bắt trẻ nhịn ăn hoặc kiêng khem. Cần cho trẻ ăn thêm trái cây chín hoặc nước trái cây như: chuối, cam, đu đủ… Không nên dùng các loại thực phẩm có nhiều đường, nhiều chất xơ và khó tiêu hóa.

Nhiều mẹ sai lầm khi cho con ăn cháo trắng với muối, không cho trẻ uống sữa, kiêng tất cả các loại thực phẩm khác vì sợ con bị tiêu chảy nặng hơn. Nếu làm như thế thì sẽ khiến trẻ dễ bị bệnh nặng hơn vì ăn uống không đủ dinh dưỡng, bệnh lâu khỏi.

Tuy nhiên đối với các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo như: váng sữa, phô mai… thì không nên cho trẻ ăn. Vì hệ tiêu hóa của trẻ chưa tiêu hóa được nên ăn vào sẽ càng dễ bị tiêu chảy.
Những lưu ý quan trọng khi chăm sóc trẻ tiêu chảy:

Một số bà mẹ sai lầm là khi trẻ tiêu chảy lại không cho trẻ ăn đầy đủ và không cho uống nước vì sợ làm tiêu chảy tăng dẫn đến trẻ tiêu chảy đã mất nước lại càng mất nước trầm trọng gây nguy hiểm hơn.

Không cho trẻ uống thuốc “cầm” tiêu chảy, hoặc ăn lá ổi, hồng xiêm xanh,… các chất thải dễ ứ đọng lại đường tiêu hóa dẫn đến bệnh kéo dài và nặng thêm.

Tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Theo dõi trẻ nếu thấy có dấu hiệu: sốt, tiêu chảy quá 2 ngày không giảm, phân có lẫn máu, nôn, có dấu hiệu mất nước như: da nhăn, mắt lõm, lừ đừ,... cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Theo Phununew

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn