Mẹ đừng quá hốt hoảng khi trẻ nôn trớ quá nhiều. Hãy bình tĩnh xử lý để tránh cho trẻ bị sặc dị vật đường thở do dịch nôn trớ gây ra.





Nôn trớ là triệu chứng hay gặp ở trẻ nhỏ. Nôn trớ là hiện tượng thức ăn trong dạ dày bị đẩy lên thực quản rồi trào ra miệng. Nôn trớ có thể lành tính, tự khỏi khi trẻ lớn hơn. Có khi nôn trớ là biểu hiện của những bệnh lý tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản, có thể là triêu chứng của bệnh lý đường hô hấp hay là bệnh lý toàn thân,v.v…

Khi trẻ nôn trớ, cha mẹ nên xem trẻ có những biểu hiện nào kèm theo không, ví dụ như sốt hay tiêu lỏng, ho, hay sổ mũi, phát ban v.v…
Nôn trớ đơn thuần thường liên quan đến ăn uống

Hiện tượng này thường gặp ở ở trẻ nhỏ bị ép ăn quá nhiều, bú quá no, nằm liền sau khi bú, hoặc không dung nạp thức ăn hoặc bắt đầu ăn bổ sung với thức ăn mới lạ, hoặc ăn nhiều quá 1 loại thức ăn nào đó. Nôn thường xuất hiện sớm, số lượng chất nôn ít, chủ yếu là thức ăn. Trẻ vẫn chơi bình thường, không ảnh hưởng đến tình trạng cơ thể. Do vậy, chỉ cần điều chỉnh cách cho ăn.
Biện pháp khắc phục:

- Không ép ăn nhiều làm cho trẻ sợ hãi khi nhìn thấy thức ăn.

- Chia thức ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày để đảm bảo đủ số lượng cần thiết.

- Ở trẻ bú mẹ, sau khi bú xong nên bế từ 10 đến 15 phút rồi mới đặt nằm xuống.

- Pha sữa đúng công thức, tốt nhất nên cho trẻ ăn, uống bằng thìa hoặc muỗng.

- Khi cho trẻ bú bình với đầu vú cao su, cần nghiêng bình sữa sao cho sữa ngập cổ bình để tránh tình trạng bé nuốt không khí vào dạ dày quá nhiều gây đầy hơi, chướng bụng.
Nôn trớ do nguyên nhân bệnh lý

Triệu chứng thường gặp nhất là hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản. Nguyên nhân là do vòng van giữa thực quản và dạ dày không đủ mạnh để cản thức ăn trong dạ dày trào lên thực quản, đôi khi trào ra miệng. Tình trạng này gặp nhiều ở trẻ sơ sinh.

Dịch dạ dày là dịch axit, trong khi thực quản lại hơi kiềm nên dịch trào ngược lên sẽ gây ảnh hưởng xấu đến thực quản, có thể làm viêm thực quản, bỏng rát thực quản, làm cho trẻ sợ hãi khi bú hoặc ăn. Dịch trào ngược lên miệng nhiều có thể khiến bé dễ bị hít sặc vào phổi gây viêm phổi hít.

Đôi khi, trẻ có thể bị tím tái do ọc sữa vì dịch dạ dày gây kích thích dây thần kinh dọc theo thực quản, làm ức chế hô hấp khiến bé ngưng thở. Do đó, trào ngược dạ dày thực quản rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Bệnh này sẽ khỏi khi được điều trị hoặc trẻ ăn thức ăn đặc hơn, các triệu chứng sẽ giảm dần rồi biến mất.
Biện pháp khắc phục:

- Sau khi cho trẻ bú xong, cần bế đứng lên và vỗ nhẹ phần lưng để bé có thể ợ hơi được. Mục đích của việc này làm giảm lượng hơi mà trẻ nuốt vào dạ dày, cũng là nguyên nhân gây nôn trớ.

- Khi trẻ nằm, cần kê cao đầu, đồng thởi luôn để thân mình phía trên cao hơn phía dưới để tránh hiện tượng trào ngược. Nếu trẻ bị ọc sữa nhiều, nên cho nằm nghiêng sang một bên để không bị hít chất nôn vào phổi. Tuyệt đối tránh bế xốc bé lên khi đang nôn trớ vì sẽ làm tăng nguy cơ trào dịch ói vào phổi.

- Cho trẻ bú chầm chậm, từng ít một và nhiều lần trong ngày nhằm tránh làm dạ dày căng quá mức. Có thể cho bé dùng thêm các loại sữa dễ đông đặc khi vào dạ dày, sẽ tránh được nguy cơ trào ngược.

- Sử dụng các thuốc chống trào ngược và bảo vệ thực quản thông dụng. Cần lưu ý, tuyệt đối tuân thủ theo sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Trẻ nôn đột ngột và kèm theo các triệu chứng đặc hiệu của từng bệnh. Cần đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế để xử trí kịp thời.
Xử lý khi bé bị nôn trớ quá nhiều

Khi bé nôn nhiều cũng giống như đi tiêu lỏng, bé sẽ mất một lượng nước khá lớn. Do đó quan trọng là phải bổ sung lượng nước đã mất để cơ thể bé không mất chất điện giải. Tại nhà ta có thể dùng dung dịch Oresol, nước chín hay nước trái cây loãng.

Khi bé nôn nhiều, đừng cố gắng cho bé tiếp tục uống mà cần thực hiện các biện pháp sau:

Hãy cho trẻ uống một lượng nhỏ nước chín hoặc dung dịch Oresol, bé bị mất nước nhiều nên sẽ khát, khi đưa nước bé sẽ có khuynh hướng uống nhiều, sau đó sẽ nôn thốc tháo, do đó nên cho uống bằng muỗng nhỏ hoặc từng ngụm một .

Nếu bé tiếp tục nôn nhiều, nên đưa bé đi khám. Nếu bé bớt nôn trớ thì cần cho uống luân phiên 50ml dung dịch Oresol và 50ml nước chín sau mỗi nửa giờ. Sau khi cho bé uống loại nước này mà bé không nôn trớ nữa thì cho bé bú sữa mẹ hoặc bú bình, tăng dần số lượng từ 80 - 100ml sau mỗi 3 - 4 giờ. Nếu bé không nôn trớ từ 12 - 24 giờ thì có thể cho bé ăn uống bình thường, nhưng vẫn cho bé uống nhiều nước. Bắt đầu với những thực phẩm dễ tiêu hoá như ngũ cốc hay sữa chua.

Nên nhớ khi bé nôn nhiều tức là bộ phận tiêu hóa đang có vấn đề cần nên nghỉ ngơi cho nên phụ huynh chỉ nên cho bé uống nước để không bị mất nước, đừng nên cố gắng ép ăn, không giúp được bé mà còn làm tăng triệu chứng và bé càng quấy khóc nhiều hơn.

Giúp trẻ ngủ sẽ làm cho bé nhanh hồi phục hơn, vì dạ dày trống trong suốt thời gian này sẽ giúp bé dễ chịu hơn. Không cho bé dùng bất kỳ loại thuốc chống nôn nào khi chưa được sự cho phép của bác sĩ.

Trường hợp trẻ nôn trớ kéo dài hoặc nôn do bệnh lý mà trẻ có biểu hiện các triệu chứng như: sốt, đau bụng, lơ mơ, co giật, hay nôn ói liên tục, có dấu hiệu mất nước như: miệng khô, ít nước mắt, tiểu ít,... thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời.
Theo Phununew

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn