Trong tháng đầu tiên của cuộc đời, bé còn rất non nớt và đang tập làm quen với cuộc sống bên ngoài bụng mẹ, nhưng bé đã có những tiến bộ đáng kể nếu mẹ tinh ý nhận ra. Hãy khuyến khích sự phát triển của con mẹ nhé!





Bố mẹ của một em bé sơ sinh luôn muốn biết con mình có thể đạt được những cột mốc phát triển nào trong năm đầu tiên của cuộc đời, nhưng trước tiên hãy lưu ý rằng, mỗi em bé sẽ có tốc độ tăng trưởng và phát triển riêng của mình và bố mẹ chỉ nên xem lộ trình phát triển điển hình của trẻ dưới đây là chỉ dẫn để tham khảo và theo dõi sự phát triển của con mình mà thôi. Biên độ thời gian để xác định liệu một em bé có tăng trưởng với tốc độ bình thường hay không là khá rộng, và bạn không cần phải quá lo lắng nếu con bạn chưa rơi vào nhóm “báo động đỏ” được ghi chú rõ dưới đây.
Các mốc phát triển chính:
Những ngày đầu sau khi sinh con, bạn có thể chỉ quanh quẩn với việc cho bé bú, thay tã, dỗ cho bé ngủ và đáp ứng những nhu cầu của bé được thể hiện qua tiếng khóc. Nhưng trong vài tuần đầu, bé sẽ bắt đầu biết để ý và nhận ra giọng nói, khuôn mặt và những cái vuốt ve âu yếm của bạn.
<center></center>
Bé không thể nhìn xa hơn 20-30cm – vừa đúng khoảng cách từ mắt bé đến khuôn mặt bạn khi bạn bế con. Những sắc độ rõ ràng như trắng và đen cũng bắt mắt hơn đối với bé. Khả năng nghe của bé đã phát triển hoàn thiện và bé biết quay đầu về phía có âm thanh quen thuộc, như giọng nói của bạn.
Bé có thể nhấc đầu lên một chút và quay đầu sang bên khi được đặt nằm sấp, nhưng khi bế đứng bạn vẫn cần đỡ đầu và cổ cho con. Mặc dù chưa thể di chuyển cánh tay uyển chuyển được nhưng bé đã biết cách đưa bàn tay về gần miệng mình.
Vai trò của bố mẹ:
Đây là thời gian bạn làm quen và tìm hiểu về em bé mà bạn vừa sinh ra. Hãy ôm ấp bé, trò chuyện với bé và tìm hiểu tín hiệu của bé khi bé đói hay buồn ngủ. Bạn hãy quan tâm và chiều chuộng bé hết mức đi nhé, điều đó không thể làm hư bé được đâu!
Bạn cũng nên cho bé tập nằm sấp từ sớm khi bé thức để luyện cơ cổ của bé chắc khoẻ hơn, sẵn sàng cho các mốc phát triển vận động sau này. Và hãy khuyến khích bé nhìn và với tay về phía đồ chơi.
Bé cũng cần được ra ngoài chơi nên đừng ngại mang bé theo khi bạn đi dạo công viên. Việc này không chỉ có lợi cho bé mà còn giúp bạn thay đổi không khí và thư giãn.
Hãy đưa mặt lại gần và nhìn vào mắt bé khi bạn nói chuyện với bé, hát hay đọc sách cho bé nghe. Những trò chơi nhỏ và đơn giản như ú oà hay bắt chước tiếng của bé cũng được khuyến khích áp dụng khi bé thức và tỉnh táo. Và hãy chú ý đến các dấu hiệu cho thấy bé chơi vậy là đủ và cần nghỉ ngơi.
Dấu hiệu “báo động đỏ”:
Mỗi đứa trẻ phát triển theo một tốc độ riêng, nhưng bạn hãy tham vấn bác sỹ nếu em bé 1 tháng tuổi của bạn có các dấu hiệu sau:
- Bú chậm hoặc lực bú mút quá yếu;
- Có vẻ không có sự tập trung mắt hoặc không nhìn theo vật chuyển động trong tầm mắt;
- Không phản ứng với ánh sáng mạnh;
- Cảm giác cơ của bé gồng cứng hoặc mềm nhũn;
- Không phản ứng khi có tiếng động lớn.
Theo Zing.vn

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn