Bò chính là phương thức đầu tiên bé học hỏi để có thể tự mình di chuyển xung quanh. Bằng cách giữ thăng bằng trên hai tay và đầu gối, bé khám phá ra rằng mình có thể sử dụng chúng làm lực đẩy giúp bé tiến lên phía trước hoặc lùi về sau. Qua đó, những cơ bắp trên cơ thể bé sẽ dần phát triển khỏe hơn, chuẩn bị cho những bước đi đầu tiên của bé.





Khi nào bé biết bò?
Thông thường trẻ sẽ học cách bò vào khoảng 7-10 tháng tuổi. Hoặc bé cũng có thể chọn một phương thức di chuyển khác trong khoảng thời gian này như lết bằng mông, trườn bằng bụng hoặc lăn khắp nhà. Đừng quá hoang mang về “phong cách” mà con bạn chọn, quan trọng là bé có thể tự mình học cách di chuyển độc lập. Thậm chí một số bé còn bỏ qua cả giai đoạn tập bò và chuyển hẳn sang đứng lên, mò mẫm đi men bằng cách bám vào đồ đạc trong nhà và học đi đứng như bình thường.
<center></center>
Một khi bé đã biết cách ngồi vững vàng mà không cần đến bố mẹ hỗ trợ, bé sẽ nhanh chóng chuyển sang giai đoạn tập bò. Tiếp sau đó, cổ bé cũng cứng cáp hơn để có thể ngước lên nhìn mọi thứ xung quanh; cơ ở chân tay và lưng cũng khỏe hơn giúp cho bé có thể trụ vững khi bò. Trong vài tháng sau đó, bé dần nhận ra rằng với hai tay và đầu gối, bé có thể bò tới và cả bò lùi và đạt đến trình độ thông thạo khi chuyển từ tư thế bò sang ngồi ở tháng thứ 9 hoặc thứ 10.
Bé cũng sẽ khám phá ra kỹ thuật bò mới gọi là “tay chân chéo”, có nghĩa là bé bò lên phía trước bằng cách phối hợp di chuyển tay phải – chân trái và ngược lại. Cho đến lúc 12 tháng tuổi, kĩ thuật bò của bé có thể nói là “cực siêu” rồi.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Sau khi đã làm chủ được kĩ thuật bò, bé giờ đây chỉ còn một bước tập đi nữa là đã có thể hoàn thiện khả năng di chuyển của mình. Từ giờ đến khi biết đi, bé sẽ trải qua những nỗ lực luyện tập để đứng lên bằng chính đôi chân của mình. Bàn phòng khách, ghế đẩu, hay bất kì thứ gì có thể bám được cũng sẽ là những công cụ hỗ trợ giúp bé có thể đứng lên trong giai đoạn đầu. Một khi đã có được cảm giác thăng bằng với đôi chân, bé sẽ sẵn sàng để đứng vững và khám phá thế giới xung quanh bằng cách bám vào đồ vật để di chuyển khắp nơi.
Vai trò của bố mẹ
Ngay từ khi bé chưa biết bò, bố mẹ hãy thường xuyên cho bé chơi ở tư thế nằm sấp để giúp phát triển các cơ bắp cần thiết cho việc bò sau này. Nằm sấp cũng giúp cho bé không bị bẹp đầu – tình trạng thường xảy ra khi trẻ nằm ngửa quá nhiều.
Một trong những cách tốt nhất để khuyến khích bé tập bò, cũng như việc với tay và cầm nắm, đó là bố mẹ hãy để một món đồ chơi hoặc bất cứ thứ gì bé yêu thích trước tầm với của bé. Bạn có thể dùng các chiếc gối, hộp, hoặc đệm làm chướng ngại vật, tăng thêm độ khó nhằm giúp cho bé tăng thêm sự tự tin, tốc độ và sự nhanh nhẹn. Lưu ý rằng bố mẹ không bao giờ để bé chơi một mình với những thứ này – nếu bé bị mắc kẹt dưới một chiếc gối hoặc chiếc hộp, bé sẽ rất sợ hãi và có nhiều nguy cơ bị nghẹt thở.
Một em bé ở tuổi tập bò vô cùng nghịch ngợm. Hãy chắc rằng ngôi nhà của bạn an toàn và thân thiện với trẻ con, nhất là những chiếc cầu thang cần được lắp cửa hoặc chặn lại. Những bậc cầu thang luôn có sức hút đặc biệt với trẻ con, nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu như bạn không để mắt canh chừng. Vì vậy cho đến khi bé thành thục việc đi đứng (khoảng 18 tháng tuổi), bạn vẫn phải có các biện pháp che chắn cho chiếc cầu thang nhà mình nhé! Bố mẹ cũng chưa cần vội sắm sửa giày dép cho bé cho đến khi bé hoàn thiện khả năng đi lại của mình.
Khi nào cần lo lắng?
Mỗi em bé đều có các mốc thời gian phát triển cũng như cách phát triển khác nhau. Nhưng nếu như bé nhà bạn không có bất cứ dấu hiệu gì cho thấy bé nỗ lực để di chuyển, cho dù là bò, lăn, leo...; hoặc đến lúc một tuổi mà bé vẫn chưa biết cách để di chuyển tay chân nhịp nhàng, vẫn chưa học được cách sử dụng hai tay hai chân… thì bố mẹ cần cho bé đi khám để kiểm tra có vấn đề gì đang xảy ra với bé không nhé! Lưu ý rằng những trẻ sinh non có thể sẽ có mốc phát triển chậm hơn vài tháng so với các bạn đồng trang lứa.
Theo Zing.vn

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn