Từ trước đến nay, chúng ta đều được khuyến cáo nên giữ nhà cửa sạch sẽ để phòng bệnh hen suyễn. Tuy nhiên, một nghiên cứu công bố ngày 6/6 mới đây lại chỉ ra rằng, một ngôi nhà quá sạch sẽ là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị hen suyễn hơn.





Đó là kết quả từ cuộc nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học thuộc Trung tâm Trẻ em Johons Hopkins (Mỹ). Các nhà nghiên cứu cho biết, trẻ sơ sinh ít có khả năng bị dị ứng hoặc thở khò khè sau này - nếu chúng thường xuyên tiếp xúc với vi khuẩn trong nhà và các chất gây dị ứng từ các loại động vật gặm nhấm, gián và mèo trong năm đầu của cuộc sống.
Trong khi các nhà nghiên cứu trước đó lại cho rằng nguy cơ hen suyễn thường gia tăng trong số những cư dân thành phố, do họ thường phải tiếp xúc với số lượng cao gián, chuột, phân vật nuôi và những chất gây dị ứng. Kết quả trên đã làm sửng sốt các nhà nghiên cứu trước đó.
<center></center><center>Trẻ sơ sinh dễ bị dị ứng hoặc thở khò khè sau này nếu nhà quá sạch.</center>
Tiến sĩ Robert Wood - giám đốc Bộ phận Dị ứng và Miễn dịch học tại Trung tâm Trẻ em Johns Hopkins ở Baltimore (Mỹ) - đồng tác giả nghiên cứu, phát biểu: "Những phát hiện trên thật đáng ngạc nhiên và có phần trái ngược với dự đoán ban đầu của chúng tôi. Hóa ra, việc trẻ sơ sinh tiếp xúc với các chất chất gây dị ứng càng nhiều, chúng càng ít có khả năng bị dị ứng và thở khò khè sau này".
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã theo dõi 467 trẻ sơ sinh tại các thành phố lớn là Baltimore, Boston, New York và St Louis (Mỹ). Các nhà nghiên cứu đã lập danh sách những đứa trẻ này từ khi còn nằm trong bụng mẹ và được theo dõi sức khỏe ngay từ lúc chào đời.
Kết quả cho thấy, số trẻ lớn lên ở những ngôi nhà có chuột, lông mèo và phân gián trong năm đầu tiên của cuộc sống, có tỷ lệ bị thở khò khè thấp hơn 3 lần so với số trẻ không tiếp xúc với các chất gây dị ứng khi chúng được 3 tuổi.
Cụ thể, 51% số trẻ lớn lên trong những gia đình giàu có, nhà cửa luôn được vệ sinh sạch sẽ, với rất ít vi khuẩn và các chất gây dị ứng bị chứng thở khò khè, so với 17% số trẻ đã từng trải qua năm đầu tiên của cuộc sống ở những gia đình nghèo và phải tiếp xúc với nhiều chất gây dị ứng.
Các nhà nghiên cứu cho biết, những phát hiện này hỗ trợ "giả thuyết vệ sinh", cho rằng trẻ em sống trong những ngôi nhà quá sạch sẽ thường có khuynh hướng dễ bị dị ứng, do cơ thể chúng không có cơ hội để phát triển phản ứng thích hợp nhằm chống lại với các nguyên nhân gây dị ứng ngay trong giai đoạn sơ sinh.
<center></center><center>Nhiều trẻ em bị hen suyễn.</center>
Theo Hiệp hội Phổi Mỹ, hơn một nửa số trẻ 3 tuổi ở Mỹ bị chứng thở khò khè, và chứng thở khò khè tái phát đi kèm với dị ứng được coi là một yếu tố nguy cơ gây nên bệnh hen suyễn ở trẻ sau này. Đồng thời, hen suyễn là một trong những căn bệnh phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 7 triệu trẻ em tại Mỹ hiện nay.
Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Australia, được công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine, cũng cho biết những đứa trẻ ở nông thôn ít bị hen suyễn hơn những đứa trẻ sống ở thành phố do chúng thường xuyên tiếp xúc với các sản phẩm vi khuẩn, đặc biệt là từ động vật và các hoạt động liên quan đến nông nghiệp.
Giáo sư, tiến sỹ Peter Sly, thuộc Viện nghiên cứu nhi khoa Queensland, cho biết các nhà khoa học đã tính toán lượng vi khuẩn và nấm lấy ra từ bụi trong phòng ngủ của trẻ và cho rằng trẻ em nên giành thêm thời gian chơi đùa ngoài trời.
Ông chỉ rõ việc tiếp xúc với các sản phẩm vi khuẩn, đặc biệt là từ động vật và các hoạt động liên quan đến nông nghiệp, sẽ giúp rèn luyện hệ miễn dịch với những gì cần bỏ qua trong môi trường và giúp cơ thể được bảo vệ trước sự phát triển của bệnh dị ứng và hen suyễn.
Ngược lại, những đứa trẻ ở thành phố không được tiếp xúc với những loại vi khuẩn như vậy thì nguy cơ bị hen suyễn cao hơn.
Tuy nhiên, tiến sỹ Sly cho rằng phát hiện trên không có nghĩa là sống ở tất cả các khu vực ở nông thôn đều có lợi cho sức khỏe.
Theo Phunutoday

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn