Để con trẻ tự giác học bài một cách ngoan ngoãn đòi hỏi những bậc làm cha, làm mẹ phải có những sách lược thông minh và khôn khéo.





Làm thế nào để trẻ không cảm thấy áp lực mỗi khi đến giờ làm bài tập về nhà? Trước hết cha mẹ nên tạo hứng thú cho trẻ với việc học. Bởi vậy, thay vì nói “đến giờ làm bài tập về nhà rồi, con vào chỗ học bài đi” thì bạn hãy nói” đến giờ khám phá thế giới qua những trang sách, hai mẹ con mình cùng nhau khám phá nhé!”. Với cách nói như vậy sẽ khiến trẻ cảm thấy việc làm bài tập về nhà vô cùng bổ ích và lý thú, bé sẽ chăm chỉ, tự động làm bài, không cần đến bố mẹ phải nhắc nhở.
Đồng thời, các bậc cha mẹ nên áp dụng 4 mẹo nhỏ dưới đây để rèn cho con tính tự giác học bài một cách chăm chỉ.
1. Hãy thu mình "bé" lại và cùng hướng dẫn con làm bài tập
<center></center><center>Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)</center>
Sẽ thú vị và dễ hòa nhập cùng con hơn khi bạn "giả vờ" cũng cần làm bài tập. Buổi học có người bạn lớn đồng hành sẽ làm con thấy thích thú và có tinh thần tham gia hơn là bạn khoanh tay ngồi cạnh và nhìn chằm chằm vào bài vở con làm. Tất nhiên bạn sẽ không phải làm bài tập mà tận dụng thời gian ấy để tìm hiểu sổ sách chi tiêu, hoặc nghiên cứu cách làm bánh táo cho ngày cuối tuần.
2. Thảo luận về bài vở với con một cách bình đẳng và thoải mái
<center></center><center>Thảo luận về bài vở với con một cách bình đẳng và thoải mái. (Nguồn Internet)</center>
Vào mỗi đầu hoặc cuối học kỳ, như một người bạn, bạn nên ngồi lại trò chuyện và bàn bạc với con về những vấn đề gặp phải khi học. Trao đổi trực tiếp cùng con trong giờ học ở nhà sẽ giúp bé phát triển tư duy, khả năng giao tiếp cũng như khả năng thuyết trình. Bạn cũng sẽ dễ dàng nhận ra được đâu là điểm yếu để hỗ trợ con, hoặc đâu là điểm mạnh để khen ngợi và cổ vũ tinh thần con mình. Tránh so sánh con với những đứa trẻ khác, hoặc so sánh với thời điểm ngày xưa của cha mẹ, bé sẽ cảm thấy không được nhìn nhận đúng và mất đi tinh thần ham học hỏi.
3. Để con bạn chịu trách nhiệm với kết quả học tập
Tâm lý con trẻ sẽ sợ giáo viên hơn khi đến trường, vì thế nếu con bạn không chịu làm bài tập, hãy để chúng "đối mặt" với điểm số hay hình phạt vào ngày mai từ thầy cô giáo. Sau đó bạn hãy tỏ thái độ nghiêm túc với con với kết quả tệ này. Từ áp lực hai chiều, con sẽ sớm có ý thức làm bài về nhà thôi.
4. Khen ngợi trẻ
<center></center><center>Đừng quên khen ngợi trẻ khi con hoàn thành xong các bài tập được giao một cách ngoan ngoãn. Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)</center>
Đừng quên khen ngợi trẻ vì tất cả những gì trẻ đã làm trong buổi tối hôm đó. Đó là nguồn động lực để khích lệ trẻ luôn có ý thức học, thích học và chăm học. Nhưng cũng không nên khen một cách qua loa “tốt lắm”, “giỏi lắm”, hãy khen cụ thể hơn: “Con rất có ý thức học bài”, “con rất kiên nhẫn giải bài toán”, “con nắm ý chính rất nhanh”… những lần sau trẻ sẽ biết mình cần làm gì để hoc tốt hơn.
Theo Danviet

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn