Hãy luôn nhớ rằng trẻ chỉ cần ăn đủ lượng, không nhất thiết phải ăn nhiều. Quan trọng là bạn cho con ăn đúng và đủ những dưỡng chất cơ thể cần, tốt cho quá trình phát triển cả thể chất lẫn trí tuệ của con. Ăn quá nhiều một chất nào đấy - dù là chất “tốt” - sẽ có thể đưa đến tác dụng ngược. Bạn tham khảo thêm những món “cần đủ, không cần nhiều” này nhé.





1. Hạn chế lượng đường

Không phải chỉ có người lớn, người bị tiểu đường hay trẻ béo phì mới cần hạn chế lượng đường. Thực tế, nhóm tinh bột (cơm, phở, nui, bún…) bé nạp vào cơ thể hàng ngày đã chuyển hóa thành đường và cung cấp đủ cho cơ thể rồi. Bạn không nên để trẻ ăn thêm bánh kẹo, nước uống đóng chai, chế biến thức ăn gì cũng cho thêm đường cát vào. Thường xuyên ăn/uống những thực phẩm có lượng đường cao sẽ rất ảnh hưởng đến não bộ của trẻ. Lượng đường nạp vào làm trẻ tăng đường huyết, có cảm giác no, đầy bụng, kém ăn. Ngoài ra, đường cũng chính là “kẻ thù” khiến trẻ dễ phát phì, hư răng, dễ mắc phải các bệnh liên quan đến chức năng gan.

2. Giảm thịt tăng cá

Chất đạm là thứ tối quan trọng cho sự phát triển thể chất, trí lực cho trẻ. Tuy nhiên, ăn quá nhiều đạm động vật, nhất là các loại thịt hàng ngày lại không phải là chuyện tốt. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, quá nhiều thịt đưa vào cơ thể sẽ khiến não phản ứng chậm chạp. Vì thế, thay vì cho trẻ ăn 7 ngày trong tuần toàn thịt, bạn nên thay đổi thành 3 bữa cá, 4 bữa thịt (gà, heo, bò). Như thế sẽ tốt hơn cho trẻ rất nhiều. Bật mí thêm với bạn là không chỉ cung cấp đạm tốt, trong cá còn có nhiều axit béo rất cần cho sự phát triển của bé, cả về thể chất lẫn trí tuệ, trong giai đoạn này.

3. Chất xơ vừa đủ

Trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày, nếu thiếu chất xơ, trẻ không thể nào phát triển toàn diện, tối ưu được. Chất xơ có trong các thực phẩm nguồn gốc thực vật, bao gồm hai loại: loại hòa tan trong nước và loại không tan trong nước. Chất xơ tan trong nước có nhiều trong các loại hạt đậu như: đậu nành, đậu ngự, trái cây... Loại chất xơ này giúp cơ thể điều hòa đường trong máu. Chất xơ không hòa tan trong nước có thể kể đến: cám gạo, hạt ngũ cốc chưa xay, rau. Loại chất xơ này hút nước, tăng khối lượng chất bã khiến quá trình thải cặn bã diễn ra nhanh chóng hơn.

Khi được “nạp” đầy đủ chất xơ, trẻ sẽ chẳng cần đến bất kỳ bài thuốc chống táo bón nào khác. Chất xơ còn được xem là “thần dược” giúp trẻ tránh bị béo phì, vì chất xơ không tiêu hóa và hấp thụ ở dạ dày, thường làm cho trẻ chóng no và no lâu, do đó giảm cảm giác thèm ăn quá mức. Mặc dù có công dụng rất tốt như thế, nhưng các bà mẹ vẫn cần chú ý, không nên cho trẻ ăn quá nhiều chất xơ mỗi ngày vì như đã nói, chất xơ chiếm nhiều diện tích trong dạ dày, khiến trẻ giảm đi cảm giác ngon miệng, “nạp” vào không đủ lượng calo cần thiết cho cơ thể để phát triển nhanh trong những năm tháng đầu đời.

4. Sữa: Không thay bữa chính

Cho dù bé đã chuyển sang giai đoạn làm quen với các món ăn, nhưng mẹ vẫn nên duy trì thói quen uống sữa của trẻ. Mỗi ngày, tùy theo độ tuổi, trẻ cần được cung cấp 1-2 ly sữa. Có thể dùng sữa bột, sữa tươi, hoặc tăng cường sữa chua (yaourt) đều được. Sữa là thứ nên cung cấp cho cơ thể suốt đời, vì thế các bà mẹ không nên quan niệm rằng sau khi trẻ đã ăn được, trẻ đã lớn, không cần uống nhiều sữa như trước nữa.

Nhưng bạn cần nhớ, đừng cho bé uống sữa quá cận giờ ăn, hoặc đừng xem sữa như bữa chính vào giai đoạn trẻ đã bắt đầu ăn dặm được. Việc tăng lượng sữa quá nhiều khiến trẻ no ngang, biếng ăn, chỉ uống sữa thì sẽ không đủ sức đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ sau tháng thứ 6 nữa. Trẻ có thể bị đứng cân, tăng trưởng chậm nếu không “quen” với việc ăn dặm kịp thời. Cũng cần chú ý rằng không thể dùng sữa đậu nành để thay thế các loại sữa tươi, sữa bột… nếu như mong muốn của mẹ là cung cấp khoáng chất, Canxi cho trẻ. Sữa đậu nành có những ưu thế tốt khác, nhưng không thể giúp trẻ có đủ Canxi như mong muốn.

5. Hải sản: Kiểm soát về lượng

Hải sản cũng giúp cung cấp một nguồn vitamin và khoáng chất dồi dào. Có thể kể đến: Iốt, sắt, kẽm, phốt pho, canxi, kali… cần thiết cho tuyến giáp, giúp chữa lành vết thương, giúp xương răng chắc khỏe, hỗ trợ chức năng cơ bắp, hoạt động thần kinh chính xác. Một bữa ăn nhiều hải sản thay cho thịt, cộng thêm nhiều rau củ sẽ giúp trẻ có được thói quen ăn uống lành mạnh từ bé, giúp bảo vệ toàn bộ cơ thể. Ngoài ra, ăn hải sản còn được xem là cách giúp não bộ được cung cấp đủ lượng omega 3, tốt cho việc phát triển trí thông minh, trí nhớ.

Tuy nhiên, lưu ý quan trọng là chỉ nên cho trẻ ăn hải sản với mức độ vừa phải, ăn từng ít một, nếu không thấy dị ứng mới được tiếp tục vì hải sản là một trong những món rất dễ gây dị ứng. Một số trẻ có cơ địa dị ứng với tôm cua, hải sản thì khi ăn vào sẽ bị sốc phản vệ, có thể nguy đến tính mạng, trong khi cha mẹ lại không biết, thấy con bị ngứa khi ăn thì nghĩ chỉ là chuyện bình thường.

Không nên cho trẻ ăn quá no

Hệ tiêu hóa của trẻ thường rất yếu. Nếu bạn cho bé ăn quá no sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hóa, bé sẽ bị đau bụng hoặc cảm thấy đầy bụng, khó tiêu, không có cảm giác ngon miệng. Mỗi bữa ăn, chỉ nên cho con ăn vừa đủ.
Bác sĩ Nguyễn Ái Đoan
(BV Nhi Đồng 2)

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn