Mùa đông, chỉ cần chú ý một chút các mẹ sẽ không phải lo lắng bé yêu nhà mình bị bệnh tật tấn công.






Không khí lạnh, thời tiết khi khô hanh, khi ẩm ướt khiến các loại vi-rút, vi khuẩn luôn sẵn sàng tấn công cơ thể non nớt của trẻ. Đừng vì một chút bất cẩn của bố mẹ khiến trẻ bị ốm, mệt mỏi.

1. Quan tâm nhiều hơn nữa

Khác với người lớn, trẻ không thể nói với bố mẹ việc chúng cảm thấy đau đớn hay mệt mỏi cụ thể. Mỗi trẻ lại có những cách biểu hiện bệnh tật khác nhau vì vậy đôi khi bố mẹ giật mình khi phát hiện con mình đã ốm mất rồi.

Sự quan tâm, lưu ý đến trẻ nhỏ không bao giờ thừa. Bạn có thể quan sát những thay đổi về tình trạng sức khỏe của trẻ thông qua: theo dõi làn da, màu má hay bỗng nhiên trẻ thay đổi tính khí một cách bất thường.

2. Lắng nghe thời tiết

Bố mẹ cần theo dõi thời tiết một cách chặt chẽ để chủ động trong quá trình chăm sóc trẻ. Khi nhiệt độ ngoài trời thay đổi, bạn cũng nên mặc thêm hoặc cởi bớt quần áo cho trẻ.

Hãy nhớ, buổi sáng mùa đông có thể lạnh 16oC nhưng đến trưa lại hửng nắng 23oC là điều rất bình thường. Không nên để trẻ quá lạnh hoặc quá ấm trong ngày đông.

3. Luôn giữ ấm đầu

Vào ngày thời tiết lạnh, người chăm sóc trẻ nhỏ cần đặc biệt lưu ý che chắn đầu và tai của trẻ, tránh gió lùa.

4. Các bộ đồ liền

Với trẻ sơ sinh (trẻ dưới 12 tháng tuổi), các mẹ nên mặc cho trẻ các bộ body liền thân vì chúng vừa có tác dụng giữ ấm cho trẻ, tránh việc trẻ đạp bỏ tất chân, tay liên tục.

5. Một tấm chăn luôn sẵn sàng

Những tấm chăn nhỏ xinh luôn sẵn sàng dành để quấn trẻ sẽ là trợ thủ đắc lực để giữ ấm trẻ trong những ngày mùa đông, cho dù bạn bế trẻ trong nhà hay đưa trẻ ra ngoài đi dạo.

Các mẹ lưu ý: không để chăn trùm kín mặt trẻ, đặc biệt vào ban đêm khi đắp chăn cho trẻ ngủ.

6. Vật dụng chống thấm nước

Vào những ngày nhiệt độ thấp, đặc biệt mưa ẩm kéo dài, các mẹ chăm con nhỏ không thể thiếu các vật dụng chống thấm nước như: ga trải giường, tấm lót thay tã, bạt che đảm bảo quấn che chắn cho trẻ khi có việc cần thiết đưa trẻ ra ngoài khi trời mưa lạnh.

7. Dự trữ đủ quần áo

Bạn cần chắc chắn trẻ yêu nhà mình đã có đủ số quần áo, tất, găng để thay giặt thường xuyên vào ngày mùa đông, đặc biệt khi trời mưa.

Với trẻ sơ sinh, trước khi mặc đồ cho trẻ các mẹ nên làm ấm quần áo bằng cách hơ qua máy sưởi hoặc dùng máy sấy tóc.

8. Ôm

Ôm ấp trẻ trong vòng tay của mẹ (hoặc người chăm sóc trẻ) là biện pháp giữ ấm đơn giản nhất cho trẻ.

Lưu ý: Khi ra ngoài về bạn nên cởi bỏ áo ngoài, rửa tay sạch và làm ấm tay trước khi ôm trẻ. Người ốm, mắc bệnh truyền nhiễm (ho, cảm cúm) tốt nhất không nên chăm sóc, ôm ấp trẻ.

9. Giữ nhiệt độ phòng thoải mái

Giữ nhiệt độ phỏng ở cho trẻ ở mức ổn định từ 25-28oC trong mùa đông. Vệ sinh phòng ở thường xuyên, sạch sẽ.

Ngoài ra, vào những lúc nắng ấm, không khí dễ chịu bạn nên đưa trẻ ra ngoài đi dạo để tận hưởng không khí thiên nhiên và hấp thụ vitamin D.

10. Sử dụng phương tiện di chuyển phù hợp

Nếu bạn có nhu cầu đưa trẻ đi dạo trong phạm vi gần như: sân chơi, khu tập thể, vườn hoa thì một chiếc xe nôi có mui sẽ rất phù hợp cho bạn và trẻ.

Tuy nhiên, nếu cần di chuyển giữa các địa điểm có bán kính xa như về thăm ông bà nội, ngoại, đi dự tiệc cần cân nhắc lựa chọn phương tiện đi lại phù hợp với tình hình thời tiết: taxi, xe buýt công cộng, tàu hỏa… để bảo đảm an toàn và bảo vệ sức khỏe của trẻ khi thời tiết không thuận lợi.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn