Dạy trẻ đánh vần là một nhiệm vụ không dễ nhưng lại rất quan trọng và đừng cho rằng việc dạy dỗ hoàn toàn do trường lớp và cô giáo.






Bố mẹ cũng cần phải tham gia vào công việc này và sẽ mang lại hiệu quả rất tốt. Trẻ sẽ tiếp thu nhanh hơn và hứng thú hơn.

Trẻ đến tuổi đi mẫu giáo sẽ được học về các chữ cái. Khi đó, bố mẹ có thể bắt đầu dạy trẻ học đánh vần những từ đơn giản. Lên lớp một, đây là một bài học đầu tiên và bắt buộc trẻ phải làm tốt trước khi học những điều khác.

Theo cách truyền thống, bạn có thể bắt trẻ viết một từ 4-5 lần và áp dụng từ đó nhiều lần trong câu. Tuy nhiên, cách này không thực sự hiệu quả vì nó sẽ khiến trẻ nhanh nhàm chán. Bố mẹ sẽ phải nghĩ đến nhiều phương pháp mới và sáng tạo để trẻ cảm thấy thú vị hơn trong việc học đánh vần.

Trường học luôn có rất nhiều bài tập bọn trẻ sẽ phải làm. Bố mẹ nên giúp đỡ con hoàn thành tốt nó, cũng là giúp giáo viên củng cố kiến thức cho trẻ. Với sự trợ giúp của bố mẹ, trẻ sẽ cảm thấy việc học không quá nặng nề và bạn cũng thấy được những khó khăn trẻ đang gặp phải và cùng con giải quyết nó.

Khi dạy trẻ đánh vần, có một số vấn đề trẻ hay vướng mắc như chính tả, thứ tự chữ cái, cách sử dụng từ đó trong hoàn cảnh nào… Đó là lý do tại sao đến tận lớp 5, trong môn Tiếng Việt vẫn có phần chính tả. Đó là cách để trẻ hiểu và vận dụng tốt vốn từ mình đang có.

Dưới đây là một số phương pháp bố mẹ có thể áp dụng để dạy trẻ đánh vần từ những bước đầu tiên:

Nhìn và viết lại

Đây là một cách tốt để trẻ học đánh vần nhanh. Bố mẹ có thể khiến việc học này trở nên vui vẻ hơn bằng một số trò chơi để trẻ hào hứng tham gia. Viết một từ lên giấy nhưng thiếu một số chữ cái nào đó, nhiệm vụ của trẻ là tìm ra từ thiếu và viết vào. Sau khi có một từ hoàn chỉnh, hãy giải thích cho trẻ nghĩa và cách dùng của từ đó, lấy ví dụ cho trẻ hiểu và yêu cầu trẻ áp dụng trong một hoàn cảnh khác.

Chơi trốn tìm

Một trò chơi có thể trẻ sẽ thích nếu trẻ là có tính thích khám phá. Bạn có thể làm một số bức tranh nhỏ về một đồ dùng hay con vật nào đó, giấu chúng ở khắp nhà, sau đó đưa trẻ một số hướng dẫn để tìm ra nó. Với mỗi bức tranh trẻ tìm được, hãy hỏi trẻ cách đánh vần từ đó. Nếu trẻ tìm thấy và đánh vần đúng hơn một nửa số yêu cầu thì hãy dành cho trẻ những lời khen ngợi và sự chiến thắng.

Chạy đua với thời gian

Nếu đứa trẻ nhà bạn yêu thích sự thử thách thì bạn có thể sử dụng một chiếc đồng hồ bấm giờ. Cho trẻ 5 từ và khoảng 1 phút để biết những từ ấy phát âm như thế nào, ghi âm lại rồi cùng kiểm tra xem trẻ làm đúng hay chưa. Những trò chơi có giới hạn thời gian thường tạo sự căng thẳng nhất định, vì thế hãy làm cho trẻ cảm thấy thoải mái và thư giãn khi tham gia trò chơi.

Ghi nhận sự cố gắng

Trẻ con luôn muốn được động viên và muốn thấy bố mẹ tự hào về chúng. Vì thế, bạn hãy làm một biểu đồ ghi nhận sự tiến bộ của trẻ. Nên làm những biểu đồ đơn giản để trẻ có thể hiểu được như biểu đồ đường, cột, hình tròn. Trẻ sẽ rất vui nếu thấy được sự cố gắng của mình.

Tận dụng mọi thứ

Đừng chỉ sử dụng giấy và bút, bạn có thể tận dụng mọi thứ trong nhà để dạy trẻ đánh vần, từ cái bàn, ghế, gối ngủ hay con thú bông của trẻ. Hãy cho trẻ viết bằng mọi thứ như sơn, màu vẽ, chì màu,… để trẻ thấy những chữ cái không còn đơn điệu.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn