Theo giải phẫu bình thường, cuống rốn gồm 1 tĩnh mạch và 2 động mạch được bao phủ bằng lớp mô liên kết nhầy. Đây là cầu nối giúp chất dinh dưỡng được truyền từ mẹ sang con để nuôi dưỡng thai nhi.






Sau khi sinh, rốn được kẹp lại và ngắt khỏi người mẹ, cuống rốn sau đó sẽ nhanh chóng khô, cứng và chuyển màu đen. Cuốn rốn thường rụng sau sinh khoảng 5-15 ngày (trung bình khoảng 7 ngày).

Như vậy, những em bé rụng rốn được khoảng 1 tuần nhưng rốn chưa khô là điều hoàn toàn bình thường. Trường hợp em bé có rốn vẫn chưa khô và có hạt trắng thì cần theo dõi thêm.

Vì thông thường, sau khi rốn rụng, chất dịch nhầy có thể vẫn còn được tiết ra cho đến khi rốn lành hẳn sau vài ngày. Đây là phản ứng viêm sinh lý bình thường, nhưng cũng có thể khiến cho trẻ dễ bị nhiễm trùng rốn nếu không giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.

Tuy nhiên, nếu em bé vẫn bú mẹ và ngủ bình thường, không thấy bất thường gì khác vùng quanh rốn, thì các mẹ yên tâm và không cần lo ngại.

Do đó, điều đầu tiên các mẹ cần quan tâm là đảm bảo cho bé bú đủ sữa mẹ nhằm cung cấp đủ kháng thể chống nhiễm trùng, ngủ đủ giấc để tăng cường sức đề kháng.

Nên lưu ý giữ vệ sinh cho trẻ, đặc biệt vùng rốn vừa rụng, không băng kín mà nên để thoáng, giữ sạch sẽ.

Đồng thời theo dõi sát sao vùng rốn rụng, nếu có các biểu hiện sau thì cần đưa bé đi tới cơ sở y tế khám ngay: rốn rỉ dịch kéo dài, dịch mủ vàng, hôi hoặc chảy máu, da vùng xung quanh rốn sưng nề đỏ, bé quấy khóc khác thường, sốt, bú kém hoặc bỏ bú...

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn