Tôi chẳng phải bác sĩ, mà chỉ có 6 bí kíp dắt lưng muốn kể ra đây để giúp các con tránh xa ốm đau.





Cuối tuần trước, tôi đưa Bin sang bà ngoại chơi, thấy dì kêu bé Bông nhà dì cứ ốm “xoành xoạch như thời tiết”. Trộm vía, từ khi sinh ra đến giờ Bin nhà tôi rất ít khi ốm, có chăng chỉ là nóng đầu một chút lúc mới mọc răng hay sau khi đi tiêm chủng về. Tôi chẳng phải bác sĩ hay chuyên gia gì, mà chỉ có 6 bí kíp dắt lưng muốn kể ra đây để các mẹ giúp bé tránh xa những cơn ốm đau.
Rửa sạch tay đánh bay vi khuẩn
Có lẽ các mẹ đều biết hệ miễn dịch của trẻ nhỏ còn yếu nên dễ mắc các bệnh về tiêu hóa và hô hấp. Rèn luyện được thói quen rửa tay thường xuyên cho con là mẹ đã hạn chế được đáng kể những bệnh này.
Các mẹ nên cho bé rửa tay sau khi đi học về, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Rửa tay thường xuyên thôi, vẫn chưa đủ, mẹ cần rèn cho bé thói quen rửa tay sạch sẽ với xà bông.
Bé thường có tính vội vàng nên chỉ rửa qua loa cho lấy lệ, vi khuẩn vẫn còn bám ở kẽ và móng tay. Để Bin kỳ cọ tay cho kỹ, tôi thường yêu cầu bé hát hai lần bài “Happy Birthday” (khoảng 15 – 20 giây) trước khi rửa tay lại với nước.
Chơi đùa vận động
Chơi đùa vận động không chỉ giúp các bé phát triển về thể lực mà còn giúp các bé phát triển trí thông minh. Ở nhà, Bin thường được mua cho những loại đồ chơi thiên về vận động như bục leo trèo thấp, đồ chơi kéo đẩy, thú gỗ có bánh xe, quả bóng cao su nhẹ cỡ to…
Vợ chồng tôi luôn hạn chế cho Bin xem TV, chơi máy tính bảng hay điện thoại. Chơi những đồ công nghệ này quá nhiều không chỉ có hại cho mắt mà còn khiến bé lười vận động, chỉ muốn ngồi lỳ ở nhà.
Ngoài ra, vào cuối tuần, hai vợ chồng tôi thường đưa Bin đi chơi công viên, bảo tàng, vườn thú… để Bin có cơ hội tìm hiểu về thế giới xung quanh. Có lần tôi thấy Bin khoe với em Cún nhà bên cạnh “Anh được nhìn thấy bạn voi thật trong vườn thú rồi đấy. Cái vòi của bạn ấy to ơi là to luôn!”, vừa kể mà Bin vừa hươ hươ cánh tay lên trời giả làm vòi voi khiến cả nhà không nhịn được cười.
Cho bé “khò khò” thật nhiều
Ngủ đủ giấc là một trong những yếu tố rất quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ. Trẻ 1-3 tuổi cần ngủ khoảng 14 tiếng mỗi ngày; trẻ mẫu giáo cần ngủ 11-13 tiếng mỗi ngày. Như vậy, các mẹ cần cho bé lên giường sớm để đảm bảo bé ngủ đủ giấc.
Đối với bé Bin, tôi thường hẹn đồng hồ lúc 9h báo hiệu cho Bin biết đã đến giờ đi ngủ. Dần thành quen, cứ nghe tiếng chuông là Bin tự động theo mẹ đi thay quần áo và leo lên giường đi ngủ.
Mút tay là xấu
Mút tay là điều thường gặp ở hầu hết các bé. Nếu trẻ đến mẫu giáo còn có thói quen mút tay thì thật “không thể làm ngơ”. Dù các mẹ đã cho bé rửa tay sạch sẽ nhưng trẻ nhỏ vui đùa rất nhiều, lúc nào trên tay cũng có thể có vi khuẩn. Khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, bé sẽ bị ốm.
Để hạn chế Bin đưa tay lên miệng, tôi thường nói với con: “Mút tay là xấu. Bin có muốn xấu không?”, khi Bin rút tay ra, tôi không quên khen thêm: “Bin của mẹ giỏi quá, Bin không xấu nhỉ”.
Ăn uống đầy đủ tăng cường miễn dịch
Một người bạn làm bác sĩ nhi khoa có khuyên tôi rằng những loại thực phẩm giàu vitamin C như các loại rau quả (bông cải xanh, đu đủ, cam quýt…) và vitamin D như cá, sữa, ngũ cốc rất tốt cho hệ miễn dịch của trẻ nhỏ nên tôi thường xuyên cho Bin ăn những loại thực phẩm này. Ngoài ra, mỗi ngày 2 lần tôi còn cho Bin ăn sữa chua lên từ men probiotic, vừa lợi cho tiêu hóa, vừa nâng cao sức đề kháng.
Tiêm chủng đúng lịch
Tiêm chủng sẽ giúp cơ thể bé sản sinh ra kháng thể phòng bệnh. Mỗi lần xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn vi rút gây bệnh sẽ bị những kháng thể này đánh bật. Hiện nay, có nhiều chuyện không hay xảy ra với các bé khi đi tiêm chủng khiến các mẹ hoang mang.
Tuy nhiên, đó chỉ là những trường hợp hy hữu; rủi ro bé có thể gặp phải khi không được tiêm chủng đầy đủ còn lớn hơn nhiều lần. Với bé Bin, tôi lên google search lịch tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng quốc gia và ghi lại vào sổ cá nhân, đồng thời đánh dấu lên lịch treo tường cho khỏi quên. Mỗi lần đến lịch tôi đều đưa con đến địa điểm được thông báo để tiêm.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn