(bau.vn) Chơi là một hoạt động “đặc quyền” không giới hạn của trẻ, có thể bắt đầu và kết thúc bất cứ khi nào. Thế nhưng hiện nay, đặc quyền đó đang bị người lớn “áp chế” quá nhiều…






Ham chơi là thiên tính của trẻ

“Chán quá!” - câu nói thốt ra từ miệng của bé Vân (4 tuổi) khiến cho mẹ của bé giật mình. Thì ra, từ khi đi mẫu giáo (3 tuổi) đến giờ, thì “nghiệp vụ” của bé Vân càng ngày càng nặng nề hơn với việc học chữ, vẽ tranh, tham gia lớp Tiếng Anh, học múa… Trẻ con bây giờ được ăn no, mặc ấm, nhưng lại ít vui vẻ bởi không có thời gian vui chơi, mà chỉ có học và học. Nếu lúc nhỏ không cho trẻ chơi đùa, thì hậu quả sẽ ra sao? Gần đây, một cuộc điều tra trực tuyến cho thấy, 52.2% người lúc nhỏ không được chơi đùa thì lên đại học hoặc sau khi trưởng thành xuất hiện “đáp trả” - lao vào chơi điên cuồng.
Tiến sĩ tâm lý học Trương Tín Dũng (Trường ĐH Ngoại thương ngoại ngữ Quảng Đông) cho rằng, kết quả trên có một lý do nhất định, bởi ham chơi là thiên tính của trẻ, là một loại biểu hiện bản năng. Thoạt nhìn, nếu muốn chơi mà không thể chơi thì thấy trẻ như ngoan hơn, nhưng thật ra là trẻ đang bị áp chế mà thôi và không hề mất đi thiên tính ấy. Căn cứ theo lý luận của Sigmund Freud, thông qua việc giáo dục để cho trẻ trở nên mạnh mẽ hơn, người lớn đã tạm thời chế ngự ham muốn được chơi của trẻ. Một khi môi trường trói buộc mất đi (xa bố mẹ để học đại học chẳng hạn), thì những ham muốn đó sẽ được giải phóng. Do ham muốn ở những giai đoạn nào đó của thời thơ ấu không được thỏa mãn, nên sự phát triển nhân cách bị đình trệ. Biểu hiện của nó chính là tâm lý vẫn dừng lại ở niên kỷ nhỏ hơn, mặc dù tuổi tác sinh lý đã trưởng thành. Điều này giải thích tại sao khi lớn, người ta hay xuất hiện hiện tượng “chơi điên cuồng”. Ngoài ra, lúc nhỏ không được chơi, ít tiếp xúc với bạn cùng trang lứa, năng lực xử lý những mối quan hệ với người khác sẽ rất kém. Sau khi trưởng thành, có thể sẽ dẫn đến lạnh nhạt với người xung quanh, thiếu đi niềm vui từ sự giao lưu với người khác.
Tuy nhiên, cách giải thích này cũng có điểm không hợp lý, giống như có những người từ nhỏ đầu tư tâm sức vào việc học một cách đầy hứng thú. Họ tập trung vào một lĩnh vực nào đó như âm nhạc, vũ đạo, mỹ thuật hay khoa học, nhưng sau khi lớn lên không hề có tâm lý “đáp trả”. Có những trẻ bố mẹ không quá hạn chế chơi đùa, nhưng chúng lại vốn không thích chơi và lớn lên cũng không hề “đáp trả”. Vì vậy, nguyên nhân chủ yếu của cái gọi là “lúc nhỏ không được chơi, lớn lên sẽ chơi điên cuồng”, vẫn là do thiên tính ham chơi lúc nhỏ của trẻ bị người lớn áp chế. Thế nên sau đó, khi có cơ hội mới xuất hiện tâm lý “đáp trả” mà thôi.
Vui chơi đem lại tác dụng tích cực
Các bậc phụ huynh nên cho trẻ có thời gian vui chơi, đừng cướp đi quyền được chơi của con mình. Được vui chơi cũng giống như sinh mạng thứ hai của con trẻ vậy, vì trẻ chỉ thích hai chuyện ăn và chơi, mà chơi còn quan trọng hơn cả ăn nữa. Trong quá trình chơi đùa, trẻ nhận được rất nhiều trải nghiệm mới, giúp chúng thể nghiệm trong cả quá trình học tập. Nếu người lớn xem trọng việc chơi đùa của trẻ, hãy cho chúng được chơi với sự hướng dẫn tốt, cung cấp môi trường và đồ chơi có lợi. Như thế, không những đem đến niềm vui theo suốt thời thơ ấu của trẻ mà còn có thể thúc đẩy trẻ phát triển khỏe mạnh cả về cơ thể lẫn tâm lý.
Thực tế, chơi cũng là một biểu hiện của học vấn. Vậy thì, làm thế nào để trẻ vui chơi cho tốt? Tiến sĩ Trương Tín Dũng kiến nghị:
- Nội dung vui chơi phải chứa đựng sự vui vẻ. Dù chỉ là để “ồn ào” với các bạn khác, nhưng nhất định trẻ cũng cảm thấy được niềm vui từ trong đó.
- Trẻ phải chủ động tham gia, có thể tiếp xúc với những hoạt động khác nhau như chơi đàn, múa, học võ…
- Đừng câu nệ thắng thua, vì nếu như các hoạt động đó phân ra “thắng thua” thì đã không còn là vui chơi nữa.

- Khi chơi, nhất định phải có bạn cùng trang lứa tham gia, vì trẻ rất thích chơi với bạn cùng tuổi.
<em style="text-align: right;">Tạp chí Bầu số 65 - Tháng 10/2014[/I]

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn