Nhu cầu dinh dưỡng của bé luôn thay đổi theo từng chu kì phát triển. Lúc mới sinh ra, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quan trọng. Nhưng chỉ vài tháng sau đó sẽ đến giai đoạn sữa mẹ không đủ thỏa mãn bé và cơ thể bé cũng đã phát triển cứng cáp sẵn sàng làm quen và hấp thu dinh dưỡng từ các nguồn thực phẩm khác ngoài sữa .





Giai đoạn này thường là khi bé từ khoảng 4 đến 6 tháng tuổi. Đây chính là thời điểm đa số các bé sẵn sàng cho việc ăn dặm, Nhưng mỗi bé đều có đặc điểm và phát triển với tốc độ khác nhau, nhu cầu dinh dưỡng cũng khác nhau. Do vậy, bố mẹ cần để ý các dấu hiệu của bé để biết được khi nào bé sẵn sàng ăn dặm.

1/ Nên cho bé ăn dặm từ tháng thứ mấy?

Đây là thắc mắc chung của rất nhiều mẹ khi con chuẩn bị bước vào tuổi ăn dặm vì có người khuyên cho ăn vào tháng thứ 4, nhưng cũng lại có người khuyên cho ăn vào tháng thứ 6.

Nguyên nhân của việc này là do trước đây tại nước ta, chế độ nghỉ thai sản và nguồn dinh dưỡng cũng chưa tốt như bây giờ (nhiều loại sữa, thực phẩm bổ sung: Váng sữa, phô mai...) nên các bác sĩ thường khuyên các bố mẹ cho con ăn dặm sớm để đỡ vất vả cho cả mẹ và con. Ngày nay, chế độ nghỉ thai sản và dinh dưỡng cũng tốt hơn lên nên tại các nước Đông Nam Á – có khí hậu, điều kiện sống chưa thật cao, các mẹ đều được khuyên cho con bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời để bé có hệ miễn dịch tốt nhất.

Tại các thành phố lớn hiện nay, điều kiện sống của chúng ta đã khá tốt nên có thể không cần quan tâm lắm đến mốc thời gian chính xác để cho bé ăn dặm mà chỉ cần căn cứ vào những biểu hiện của bé có sẵn sàng ăn dặm hay chưa trong khoảng từ 4-6 tháng. Và khi cho bé ăn dặm, vẫn cần tiếp tục cho bé bú mẹ đến 6 tháng là ít nhất. Nhưng không nên cho bé ăn dặm quá sớm hoặc quá trễ:

Nếu cho bé ăn dặm sớm từ tháng thứ 3 thì cơ thể bé chưa sẵn sàng để hấp thu các loại thực phẩm khác ngoài sữa dẫn đến việc dễ bị rối loạn tiêu hoá, nôn trớ và suy giảm chức năng gan thận do phải làm việc nhiều khi chưa phát triển hoàn thiện.

Nếu cho bé ăn dặm quá trễ, thì bé sẽ khó tập nhai và dễ bị biếng ăn về sau do đã qua giai đoạn thèm ăn, bé chỉ muốn bú sữa mà thôi. Bên cạnh đó, khi nhu cầu dinh dưỡng của bé tăng lên, lượng sữa mẹ không đủ đáp ứng mà bé vẫn chưa được cho ăn dặm sẽ dễ dẫn đến bé hay quấy khóc vào buổi đêm vì đói và nguy cơ thiếu dinh dưỡng, chậm lên cân.

2/ Những dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng ăn dặm:

Sau khi bú cạn “hai bình sữa”, bé vẫn còn khóc và đòi bú thêm.

Bé có vẻ không muốn đợi đến lần bú kế tiếp và trở nên cáu kỉnh hoặc mút tay.

Trước đây bé ngủ suốt đêm, bây giờ thì bé lại thức dậy đòi bú.

Những giấc ngủ ban ngày cũng trở nên thất thường, ngủ không yên hoặc thức dậy sớm sau khi vừa chợp mắt.

Bé trông rất hứng khởi khi thấy cả gia đình đang ăn cơm và đưa tay như muốn với lấy thức ăn mà bạn đang cầm.

3/ Những lưu ý khi mẹ bắt đầu cho con ăn dặm:

Khởi đầu chỉ nên cho bé ăn 1 loại thức ăn mới trong ngày, ăn trong 2 – 3 ngày với lượng ít (vài ba thìa thức ăn) để theo dõi khả năng dung nạp của bé. Khi đã chắc bé dung nạp được với loại thức ăn đó thì chuyển qua tập một loại thức ăn mới khác. Giai đoạn đầu tập ăn không cần phải tuân thủ đúng nguyên tắc 4 nhóm thực phẩm, chỉ cần bé quen với mùi vị mới là được.

Nên cho bé ăn bột gạo pha với sữa mẹ hoặc sữa công thức bé đang uống, hoặc chọn loại bột ngọt (bột có vị ngọt như bột gạo sữa, bột trái cây, bột rau củ…) có vị gần giống sữa, bé dễ chấp nhận trong thời gian đầu bé ăn dặm. Khi bé quen rồi thì chuyển qua bột mặn (bột thịt, bột cá, tôm, gà…). Ngoài các bữa bột, mẹ có thể cho bé uống thêm nước trái cây (cam, quýt, táo…) hoặc có thể nạo, dầm cho bé ăn những loại trái cây mềm (như chuối, xoài, đu đủ…). Lưu ý là lượng nước trái cây cho bé uống ít, vừa phải nếu không sẽ bị đầy bụng, không uống sữa được nữa, dễ gây suy dinh dưỡng, chậm lên cân.

Mẹ cần phải tuân thủ nguyên tắc chế biến thức ăn từ lỏng đến đặc do từ lúc sinh đến khi bé ăn dặm, bé mới chỉ quen với thức ăn lỏng là sữa nên việc ăn bột rất lạ lẫm với bé. Lúc đầu pha bột thật lỏng, chỉ đặc hơn sữa 1 chút, khi bé quen thì tăng độ đặc lên dần. Thức ăn giai đoạn đầu tập ăn phải mịn, không gợn, tránh cho bé không bị hóc. Cho bé làm quen ngay với việc ăn bằng thìa, không nên cho vào bình để bé mút như uống sữa sẽ không khơi dậy được phản xạ nhai nuốt của bé. Cho bé ăn lượng ít để bé làm quen dần với thức ăn chứ không nên ép bé ăn nhiều ngay tức thì. Đồng thời cũng phải cho bé ăn đúng bữa, đúng thời gian quy định mỗi ngày.

Khi việc tập ăn dặm của bé đã dần hoàn thiện, miệng và lưỡi đã có thể đẩy và nuốt thức ăn một cách dễ dàng, không gặp các vấn đề về tiêu hoá thì các mẹ nên cho bé làm quen dần với nhiều loại thực phẩm và thức ăn cũng phải đặc dần lên, lâu dần có thể chuyển từ bột sang cháo (khi bé được từ 8 đến 10 tháng) để đảm bảo chất dinh dưỡng cho sự phát triển của bé. Bởi lẽ, bé càng lớn thì sự tiêu hao năng lượng cho việc vận động của bé càng nhiều hơn, đồng thời lượng và chất lượng sữa mẹ cũng giảm dần không còn là nguồn dinh dưỡng chính hàng ngày của bé nữa.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn