Trẻ biếng ăn là trẻ bị bệnh hay do tâm lý? Đa số các nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ biếng ăn là do lỗi của bậc cha mẹ trong việc chế biến và phương pháp cho trẻ ăn sai lầm





Trước khi đi mẫu giáo, con tôi ăn mọi thứ mẹ nấu một cách ngon miệng và dễ dàng. Nhưng giờ, khi đã là học viên nhí của lớp mầm, thói quen ăn uống của con thay đổi một cách kỳ lạ. Có ngày con ăn rất nhiều nhưng cũng có những ngày con hầu như chẳng ăn chút nào. Là một người nghiên cứu về tâm sinh lý và dinh dưỡng cho trẻ em, tôi hiểu đó là vấn đề bình thường. Nhưng trên cương vị một bà mẹ bình dân, chắc chắn tôi sẽ lo quýnh và tự hỏi, liệu con có vấn đề gì không.

Tôi biết có rất nhiều sai lầm khi chế biến và cho trẻ ăn uống phải đến 9/10 mẹ mắc.

1. Coi việc trẻ kén ăn là vấn đề

Khi trẻ thay đổi thói quen ăn uống, nhiều bậc cha mẹ hẳn nhiên sẽ lo lắng và cố tìm hiểu nguyên nhân vì sao. Sự thật, đến một độ tuổi nhất định (từ 2 tuổi trở lên) quá trình tăng trưởng của trẻ sẽ chậm lại, làm giảm cảm giác thèm ăn. Kén ăn có thể là một đặc điểm thích nghi bảo vệ những đứa trẻ linh hoạt khỏi việc tiêu thụ những chất độc hại. Đặc biệt, các mẹ nên biết rằng nỗi sợ ăn những món mới lên tới đỉnh điểm khi trẻ 2-6 tuổi, sau đó giảm dần.

2. Kiểm soát việc ăn của con

9/10 mẹ mắc sai lầm khi cho trẻ ăn nếu không phải là cho trẻ được kiểm soát các lựa chọn về món ăn quá nhiều thì sẽ là cố gắng kiểm soát chặt việc ăn của trẻ.

Nếu bạn thử phân chia trách nhiệm về việc ăn uống của trẻ: cha mẹ quyết định ăn gì, khi nào và ở đâu, còn trẻ quyết định có ăn hay không và ăn nhiều hay ít… thì chắc chắn vấn đề sẽ được giải quyết ‘nhẹ như lông hồng’. Điều này sẽ làm giảm bớt các trận chiến về việc ăn uống giữa mẹ và con, đồng thời giúp trẻ ăn tốt hơn vì không phải chịu áp lực.

3. Cố ép trẻ ăn sạch đồ trên đĩa

“Còn một miếng nữa, con ăn cố đi” là câu nói không xa lạ với nhiều bà mẹ. Điệp khúc mẹ ép ăn, con lắc đầu; con lắc đầu, mẹ lại ép ăn… cứ luẩn quẩn loanh quanh và là thực tế diễn ra trong không ít gia đình. Hỏi làm sao có thể không tức giận khi mẹ hì hục nấu nướng, những mong con sẽ ăn sạch trơn đĩa thức ăn – khẩu phần mẹ đã cân đong cẩn thận với đầy đủ dinh dưỡng hợp lý, nhưng ăn được đôi ba miếng con đã buông đũa, lắc đầu.

Đừng làm thế nếu không ‘cuộc chiến’ về việc ăn uống của con sẽ luôn căng thẳng đấy! Hãy tôn trọng nhu cầu ăn uống của trẻ. Đừng cố ép con ăn sạch đĩa thức ăn khi chúng đã no và muốn dừng lại.

4. Chuẩn bị suất ăn cho trẻ không khác gì người lớn

Trẻ cần một chế độ dinh dưỡng đặc biệt, khác rất nhiều so với người trưởng thành. Nhưng nhiều mẹ lại chuẩn bị suất ăn cho trẻ không khác gì người lớn. Việc nhìn thấy một bát thức ăn với quá nhiều những thứ ‘thập cẩm’ sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý, gây chán ăn ở trẻ. Trẻ con “ăn bằng mắt”, vì thế, hãy thiết kế đĩa thức ăn của chúng thật khoa học và đẹp.

5. Khen ngợi quá đà hoặc dùng phần thưởng ‘mua chuộc’ con

Có tới 85% các bậc cha mẹ dùng lời khen, lý lẽ và phần thưởng để con ăn nhiều hơn. Vấn đề là điều này sẽ khiến con bỏ qua cảm giác đói, cảm giác no, chán chường và ăn hết món ăn. Thay vì mua chuộc, hãy lắng nghe dạ dày của con. Nếu con ăn quá ít, hãy nhắc con về thời gian ăn bữa tới và đảm bảo rằng con ăn đủ. Đừng mong đợi rằng bữa nào con cũng ăn một lượng như nhau.
Làm sao giúp trẻ hết biếng ăn

Không phải tự nhiên trẻ biếng ăn. Nếu mẹ có cách, con sẽ hào hứng với chuyện ăn uống.

Tôi năm nay đã ngoài 30, nuôi 2 đứa con một 8 tháng một 4 tuổi, vậy nhưng cả hai con không bé nào biếng ăn. Quan điểm của tôi vô cùng rõ ràng, đó là không ép con ăn đến béo nhưng cũng không bao giờ để con phải gầy còi. Nhiều mẹ hay “bán than” với tôi rằng trẻ ăn nhiều hay ít, thích ăn hay lười ăn đều là “tại nó tự nhiên thế”. Theo tôi lý do đó chỉ là một phần và người mẹ không thể lấy đó để biện hộ cho việc con mình biếng ăn lười ăn. Nếu chỉ trông chờ vào con, hẳn người mẹ khó có thể được coi là nuôi con tốt. Để hai con của tôi không biếng ăn và thậm chí trở nên thích thú với việc ăn uống, tôi cũng đã phải sử dụng một số “thủ đoạn” sau.

Kiên trì với sữa mẹ

Nhiều chị em hẳn sẽ vô cùng ngạc nhiên vì không hiểu sữa mẹ thì có liên quan gì đến chuyện ăn thức ăn của trẻ. Tuy nhiên trên thực tế, sữa mẹ có tác động nhiều hơn chúng ta nghĩ. Theo nhiều nghiên cứu tôi từng đọc, khả năng vị giác và chấp nhận vị giác mới của trẻ bú sữa mẹ mạnh mẽ hơn trẻ ăn sữa công thức. Vì sao? Vì người mẹ cho con bú ăn rất nhiều loại thức ăn mỗi ngày, lượng thức ăn này sẽ chuyển hóa phần nhiều vào sữa mẹ, kể cả dinh dưỡng và mùi vị. Do đó trẻ bú sữa mẹ cũng gián tiếp được ăn rất nhiều loại thực phẩm từ khi còn là sơ sinh. Ngược lại, sữa bột với một loại công thức nhất định, mùi vị như nhau từ ngày này qua ngày khác sẽ khiến trẻ không có được nhiều trải nghiệm với thức ăn, từ đó cũng rất khó chấp nhận khi mẹ muốn đa dạng khẩu phần ăn của con sau này.

Khiến con tò mò

Nếu trẻ không ăn thức ăn mẹ đặt trên bàn, quy tắc đầu tiên cần phải nhớ, đó là không được đe dọa hay tạo cảm giác sợ hãi đế trẻ ăn. Tránh để cơ thể và não bộ con tạo phản ứng kháng lại loại thực phẩm này. Cách tốt nhất mẹ có thể làm, đó là tận dụng trí tò mò của trẻ thời kỳ này. Hãy ăn món ăn, thể hiện sự thích thú của bản thân mình với món ăn đó, hoặc để món ăn ở nơi khiến bé muốn chạm vào, muốn với lấy và muốn nếm thử. Bé sẽ ăn, và đương nhiên, với sự tình nguyện 100%.

Ước tính chính xác lượng thức ăn cho con

Hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu, không thể ăn quá nhiều một lúc, cũng không thể có cảm giác ngon miệng nếu bị nhồi nhét. Một đứa trẻ không ăn 1,2 ngày cũng không thể chết đói. Các nghiên cứu cũng chứng minh rằng đôi khi trẻ chỉ cần ăn một cái bánh mì trứng và một cốc sữa là đã đủ lượng protein cho cả ngày. Chính vì vậy người mẹ nên nương theo khả năng ăn của con mà tinh toán lượng thức ăn cho hợp lý, tránh để con ăn quá no, bị nhồi nhét. Nếu vẫn còn lo lắng liệu con đã no sau bát cháo buổi tối chưa, mẹ có thể cho bé uống thêm chút sữa 30 phút sau đó.

Tạo những trò chơi để con ăn trong vui vẻ

Trẻ em thích chơi và vai trò của người mẹ, đó là biết tận dụng sở thích này của con để khiến bé hào hứng hơn với việc ăn uống. Trước bữa ăn, tôi thường bắt nhịp cho con hát những bài hát liên quan đến thức ăn, như “Quả gì mà da cưng cứng, xin thưa rằng quả trứng…”. Cũng có khi con không thích ăn củ cải, buổi tối trước khi đi ngủ, tôi lại kể con nghe sự tích củ cải. Bé ngay lập tức muốn ngày mai mẹ nấu cho món củ cải.

Uống nước đun sôi

Nếu nói về những lợi ích của nước lọc, đó cũng là một câu chuyện dài bất tận. Uống nhiều nước không chỉ có lợi cho người lớn mà trẻ nhỏ cũng nên uống nhiều. Trẻ nhỏ bây giờ hay được cha mẹ cho uống coca, nước ngọt hay các loại nước có ga khác trong bữa ăn. Tuy nhiên cách làm này hoàn toàn sai lầm. Nó gây hỏng răng, tăng axit, giảm sự thèm ăn và khiến mất cân bằng dinh dưỡng. Trẻ sơ sinh không cần uống nước nhiều và trẻ lớn nếu muốn uống nước, mẹ cũng chỉ nên cho bé uống nhiều nước lọc. Đó cũng là một cách khiến con ăn uống tốt hơn. Tuy nhiên mẹ lưu ý không nên cho trẻ uống quá nhiều nước trước bữa ăn bởi nước có thể tạo cảm giác no giả và khiến trẻ ngang bụng khi đến bữa.

Thiết kế thực đơn cho bé biếng ăn

Trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng thường vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước đây, Gấu nhà em cũng rất lười ăn, thường xuyên bỏ dở, đòi đi ăn rong. Những ngày đầu Gấu ăn dặm em thường nấu một nồi cháo với rau, thịt rất đầy đủ dinh dưỡng cho con ăn cả tuần. Nhưng có khi đến cả tháng trời con vẫn không tăng được lạng nào. Em và cả gia đình đều vô cùng sốt ruột.

Với quyết tâm mang đến cho con cảm giác “Mỗi bữa ăn là một niềm vui”, em đã cố gắng tìm hiểu, đọc rất nhiều sách báo và thay đổi phương pháp chế biến thức ăn dặm của mình.

Ngoài việc đảm bảo đủ dưỡng chất từ bốn nhóm thực phẩm: tinh bột, chất béo, chất đạm và chất xơ ra thì làm thế nào cho bữa ăn của con luôn được phong phú, đa dạng và ngon miệng là điều trăn trở của các bà mẹ. Bạn Gấu giờ đã được hơn 10 tháng, nặng 12kg. Con đã có thể ăn cháo trắng nguyên hạt. Để chuẩn bị các món cháo thay đổi khẩu vị cho Gấu thì em trước mỗi tuần đều lên thực đơn sẵn. Như vậy vừa có thể bao quát được lượng dinh dưỡng trong 7 ngày của con, vừa khỏi lo đụng món trong tuần!

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn