(bau.vn) Cũng như những người mẹ bình thường khác, các bà mẹ nổi tiếng trong giới showbiz Việt luôn mong muốn làm những điều tốt nhất, để con mình hiểu được ý nghĩa thiêng liêng về ngày tết cổ truyền của dân tộc…





* Ca sĩ Lê Vy: Mình nối tiếp truyền thống gia đình bên ngoại, dạy cháu những điều kiêng kỵ và lễ nghĩa cần thiết. Trước 30 tết, mình nhắc con phải làm xong những việc cần làm để chuẩn bị đón tết, như dọn dẹp góc học tập, cất hết sách vở, cùng ba mẹ dọn dẹp nhà cửa. Vì còn bé, nên con không thể làm được những công việc nặng như bố mẹ. Nhưng vì muốn con biết không khí sắp tết, nên mình phân công những nhiệm vụ nhỏ, như nhặt đồ chơi, gấp quần áo, quét nhà… Tối 30 tết, mình sẽ dặn con soạn sẵn quần áo mới, giày dép sẽ mặc vào sáng mùng 1 ra ngoài. Nói chung, là mọi thứ phải sẵn sàng, để ngày mùng 1 mẹ không phải phải nhắc nhở. Ăn uống thì nhẹ nhàng, luôn tươi vui, không được vòi vĩnh, mẹ muốn mùng 1 là ngày hoàn hảo.

Chào hỏi trong ngày tết cũng là chuyện mình dạy con nhiều nhất. Mình thường bắt đầu bằng những câu hỏi như: “Con muốn được khen là ngoan, là giỏi không? Con muốn làm mẹ vui lòng không?… Nếu vậy, ra đường gặp ai, con cũng phải chào hỏi, cần “khách sáo” hơn ngày thường một chút, gửi lời chúc tốt đẹp đến mọi người. Tôi nói với con, việc chào hỏi ngày tết không chỉ mang niềm vui tới cho con, cho ba mẹ, mà còn cho cả những người nhận lời chào từ con. Một điều cần phải luôn ghi nhớ, là dịp tết con sẽ được người lớn lì xì. Khi nhận, phải cảm ơn lịch sự và tuyệt đối không mở bao ra xem. Trẻ con hay tò mò, nên tôi luôn dặn kỹ con rằng, bao lì xì là để chúc con may mắn, hay ăn chóng lớn. Con không nên mở ra xem ngay lúc ấy, cũng không nên khen chê nhiều ít. Cách tốt nhất là con chúc tết, cám ơn và cất bao lì xì vào túi, rồi chơi ngoan. Nói chung, tôi hơi cổ hủ, nguyên tắc. Tuy nhiên, phong tục tết quý báu của dân tộc ta đang ngày bị mai một. Do vậy, tôi không muốn con cái mình bị phai nhạt theo.
* Diễn viên Lan Hương:

Tết là dịp mọi người hướng về quê cha, đất tổ, là lúc dành thời gian để quây quần, sum họp gia đình. Từ ngàn đời nay, tết luôn là thời khắc thiêng liêng mà mỗi người đều trân trọng và mong muốn được trải qua. Con gái tôi, bé Khánh Anh năm nay 4 tuổi. Bé đã ý thức được việc “thích” tết, vì được mặc quần áo đẹp, được mẹ cho đi chơi, được tiền lì xì. Hương nghĩ, đã đến lúc dạy bé về những điều cơ bản của một người cháu, người con trong gia đình. Có lẽ, sẽ bắt đầu bằng việc đưa Khánh An đi sắm tết cùng mẹ, để bé biết tết cần có bánh chưng, có dưa hấu, có hành muối và không thể quên việc cùng con dọn dẹp, trang trí nhà cửa. Tết đến, cũng là dịp tỏ lòng biết ơn, hiếu lễ với ông bà, cha mẹ, nên bé cũng sẽ được học về cách chào hỏi, chúc tết bằng những câu chúc đơn giản. Qua mỗi năm lớn hơn, nhận thức nhiều hơn, Hương mong sẽ chia sẻ cho con được nhiều hơn những giá trị văn hóa mà mẹ được trải nghiệm, để bé có ý thức và yêu văn hóa truyền thống của đất nước mình.
* Diễn Viên Mai Thu Huyền:

Cô Trúc của “Những ngọn nến trong đêm” chia sẻ, với tôi, tết Nguyên đán có rất nhiều kỷ niệm. Đó là khoảnh khắc thiêng liêng để chúng ta được sum vầy bên gia đình, để tưởng nhớ về cội nguồn, để được nói những câu chúc mừng đầy ý nghĩa mà ngày thường không thể nói. Tôi còn nhớ, tuổi thơ của mình đầy ắp kỷ niệm trong những cái tết ấm áp được sống bên bà, được đi chợ xuân cùng mẹ, được cùng cả nhà chuẩn bị đón tết. Những cái tết giản dị trong thời buổi khó khăn lại là những cái tết đáng nhớ nhất. Đến giờ, đã làm mẹ và sống trong một xã hội hiện đại, nhưng tôi không bao giờ muốn con mình quên đi những điều đáng quý ấy. Tôi cũng muốn nhân dịp này, hướng dẫn con những công việc trong gia đình, giáo dục truyền thống văn hóa cổ truyền, để các con không bao giờ quên đi phong tục tập quán của đất nước.

Mỗi năm, tôi đều cho hai bé trang trí cây mai, cây đào trong dịp tết. Dẫu biết hai con nghịch ngợm khiến mọi thứ xáo trộn và mình phải dọn dẹp cả một “bãi chiến trường”. Nhưng nhìn thấy sự hào hứng lấp lánh trong mắt con, mình biết tết của con thật ý nghĩa, chứ không chỉ gói gọn trong những phong bao lì xì. Bọn trẻ bây giờ khá thông minh, luôn muốn tìm hiểu và khám phá. Một khi muốn biết thì chúng hỏi bố mẹ đến khi nào thấy câu trả lời hài lòng mới thôi. Tôi nhớ, các con đã đặt bao nhiêu câu hỏi “vì sao” về tết rất ngộ nghĩnh, như “Vì sao nhân bánh chưng nhiều thứ thế hả mẹ?”. Thế là, mẹ lại tỉ tê kể chuyện về chàng hoàng tử Lang Liêu, về triết lỹ ngũ hành tương sinh trong nhân bánh chưng, về ý nghĩa đoàn kết, tương trợ, thờ cúng tổ tiên. Thật ra, những điều này là khô khan. Tuy nhiên, qua việc trẻ tận tay được làm, tận mắt được thấy trong dịp tết thì lại rất dễ hiểu, dễ nhớ. Theo tôi, chỉ cần bố mẹ giữ lại một vài nếp sinh hoạt truyền thống trong khả năng cho phép, trẻ sẽ được thừa hưởng không chỉ niềm vui tết đáng nhớ của tuổi thơ, mà cả những bài học đầu đời làm người sâu sắc.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn